Mặc dù Thông tư 60 cấm kinh doanh tài sản ảo, nhà phát hành cũng không công nhận tài sản ảo trong game, thế nhưng giao dịch vẫn cứ diễn ra.
Giao dịch tài sản ảo vẫn diễn ra hàng ngày
Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA về Quản lý trò chơi trực tuyến có quy định rõ: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi với mục đích kinh doanh thu lợi”. Các doanh nghiệp game online tại Việt Nam vẫn luôn khẳng định họ không công nhận tài sản ảo của người chơi trong game do mình phát hành trên thị trường. Thế nhưng, có thể nói tài sản ảo vẫn đang được giao dịch và tồn tại trong game ở Việt Nam hàng ngày.
Minh chứng cho khẳng định đó, chính là việc các doanh nghiệp bán các vật phẩm trong các game của mình với mục đích thu lợi trong kinh doanh. Cụ thể, trong các game online đang được các nhà phát hành đưa ra thị trường đều có tính năng cửa hàng hay Kỳ trân các, tên gọi trong một số game thuộc thể loại kiếm hiệp. Tại các cửa hàng hay Kỳ trân các này có bán các vật phẩm để giúp nhân vật lên cấp nhanh, chế tạo quần áo, vũ khí cho nhân vật... và người chơi phải bỏ tiền ra mua thẻ nạp để đổi thành tiền trong game mới mua được chúng.
Mặc dù Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp đang vi phạm về quy định trong Thông tư 60, nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được hình thức xử lý được xem là hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, bên cạnh việc nhà phát hành kinh doanh tài sản ảo trong game, việc giao dịch tài sản ảo giữa người chơi với nhau vẫn diễn ra một cách tràn lan mà không có sự kiểm soát, mặc dù giao dịch có khi lên đến hàng tỷ đồng. Nhiều cuộc đấu giá, buôn bán trong các game online giữa người chơi với nhau luôn được diễn ra, nhiều người chơi sẵn sàng bỏ ra cả tỷ đồng để sở hữu những vật phẩm “khủng”. Nhưng có thể nói họ đang vứt tiền qua cửa sổ, khi nhà phát hành hoàn toàn không công nhận những tài sản ảo này, tạo nên một sự lãng phí lớn về tiền bạc.
Sẽ quản như thế nào?
Việc Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra cảnh báo cho doanh nghiệp về kinh doanh tài sản ảo như trên là điều hoàn toàn chính xác, tuy nhiên để đưa ra một phương án giải quyết cho vấn đề này lại là vấn đề nan giải. Thực tế hiện nay, các game online đang được doanh nghiệp phát hành ở Việt Nam gần như hoàn toàn miễn phí (chỉ mỗi Võ Lâm Truyền Kỳ 1 của VNG là có thu phí), trong khi đó game lại được họ bỏ tiền ra mua bản quyền từ nước ngoài và phải bỏ tiền ra đầu tư máy móc, thiết bị, nuôi đội ngũ nhân viên để vận hành... Nhà phát hành chỉ còn mỗi cách là bán vật phẩm trong game để tạo doanh thu trong việc kinh doanh. Nếu như bị “cấm” dùng hình thức này kinh doanh, nhà phát hành chỉ còn cách đóng cửa.
Cũng từ việc mua bản quyền game của nước ngoài nên dẫn đến hệ luỵ nhà phát hành cũng không thể công nhận tài sản ảo trong game online được, đặc biệt là giao dịch giữa các game thủ với nhau. Bởi nếu như công nhận tài sản ảo đó, chẳng may đối tác nước ngoài chấm dứt hợp đồng (việc đã xảy ra rất nhiều với các game online ở Việt Nam), thì họ khó có thể đứng ra gánh được số tài sản ảo đó, ngoại trừ tuyên bố phá sản.
Chính vì thế, vấn đề tài sản ảo trong game online ở Việt Nam hiện nay vẫn đang là một vấn đề “nóng”. Được biết quy chế mới về quản lý game online mà Bộ TT&TT trình lên Chính phủ phê duyệt, có sự đổi mới so với Thông tư 60 về vấn đề này. Nhưng liệu quy định mới liên quan đến tài sản ảo có phù hợp, điều này phải chờ quy chế ra mắt mới có thể biết được.