Đức muốn áp đặt hàng loạt yêu cầu khắt khe khiến các nhà sản xuất smartphone “xanh mặt”

Đức là một trong số ít những quốc gia luôn dành nhiều sự quan tâm đến việc quản lý thị trường điện tử - công nghệ, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa của người dân, cũng như quản lý vấn đề rác thải công nghệ.

Quốc gia này vừa tiếp tục gây chú ý khi tuyên bố đang làm việc tích cực với Ủy ban châu Âu (EC) để sớm ban hành một đạo luật buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải cam kết hỗ trợ cập nhật phần mềm và đảm bảo nguồn cung linh kiện phục vụ sửa chữa, thay thế trong 7 năm đối với bất cứ mẫu smartphone nào mà họ chính thức bán ra tại thị trường châu Âu. Điều này được cho là sẽ giúp tối đa hóa khả năng sử dụng của thiết bị, qua đó góp phần giải quyết vấn đề rác thải điện tử vốn đang trở thành vấn nạn chung của toàn thế giới. Đồng thời chính sách hỗ trợ dài hạn cả về phần cứng lẫn phần mềm nêu trên cũng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng.

Trên thực tế, Liên minh châu Âu cũng đang xem xét đề xuất các công ty phải cập nhật bảo mật trong 5 năm cho các sản phẩm công nghệ mà họ bán ra. Quy định này vốn “dễ thở” hơn khá nhiều so với yêu cầu từ phía chính phủ Đức, nhưng cũng đã vấp phải làn sóng phản đối từ nhiều OEM điện thoại thông minh dưới vỏ bọc của nhóm DigitalEurope. Trong đó bao gồm những tên tuổi lớn như Apple, Google và Samsung. Do đó, đây được dự báo sẽ làm một “cuộc chiến” cam go giữa các nhà lập pháp châu Âu và ngành công nghiệp smartphone, trên cả phương diện pháp lý cũng như truyền thông.

Đức muốn áp đặt hàng loạt yêu cầu khắt khe với smartphone

Hiện tại, các nhà sản xuất điện thoại thông minh chỉ muốn giới hạn chính sách hỗ trợ phần cứng dừng lại ở pin và màn hình. Tuy nhiên phía chính phủ Đức không hài lòng với sự hỗ trợ hạn chế như vậy. Thêm vào đó, Đức muốn các nhà sản xuất phải có khả năng cung cấp bất kỳ linh kiện thay thế cần thiết nào trong vòng tối đa 5 ngày làm việc, không được lâu hơn. Bởi theo họ, thời gian đợi sửa chữa kéo dài có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang mua thiết bị mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng, thay vì chờ đợi thiết bị hiện được sửa xong. Nếu mốc thời gian 5 ngày không được đáp ứng, phía nhà sản xuất phải có chính sách thay mới thiết bị cho khách hàng. Đây rõ ràng đều là những quy định hết sức khắt khe.

Ngoài ra, Đức cũng ủng hộ kế hoạch của EC trong việc áp dụng nhãn năng lượng và chỉ số sửa chữa cho từng thiết bị điện tử cụ thể. Chính sách này có thể giúp tăng độ tin cậy và khả năng sửa chữa của smartphone, góp phần giảm bớt rác thải công nghệ và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ủy ban Châu Âu đang tiếp nhận các đề xuất dưới sự tư vấn của các nhà lập pháp cũng như giới chuyên gia. Tất cả sẽ "phải được thảo luận một cách kỹ lưỡng và hợp lý", bởi những chính sách này tuy có lợi cho các nhà quản lý và người tiêu dùng, nhưng chắc chắn sẽ khiến doanh số smartphone sụt giảm vì người dùng sẽ hạn chế thay đổi thiết bị. Đó là còn chưa nói đến việc chi phí duy trì hỗ trợ phần cứng và phần mềm dài hại như vậy sẽ rất tốn kém.

Thứ Ba, 14/09/2021 23:01
53 👨 324
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ