ĐTDĐ Android không khóa: Giá cao chót vót

Ngay trước thềm mùa mua sắm Giáng sinh cuối năm, Google đã tung ra phiên bản điện thoại Android không khóa. Mặc dù "con dế" này có vẻ hấp dẫn cả người dùng lẫn giới phát triển phần mềm tại Mỹ, song giá bán của nó tại các nước khác hẳn sẽ khiến cho nhiều người ngán ngẩm.

Nguồn: Gizmodo


Theo lời Gã khổng lồ tìm kiếm, Android Dev Phone 1 có thể hoạt động được trên mọi nền mạng tương thích.

Điều này khác với G1 - mẫu điện thoại Android đầu tiên trên thị trường - vốn chỉ tương thích với duy nhất nền mạng của T-Mobile tại Mỹ và Anh.

Giới phát triển sẽ có thể tải ứng dụng của riêng mình để chạy thử trên điện thoại một cách tự do.

Trong khi trước đây, họ phải mua G1, rồi đăng ký thuê bao dịch vụ của T-Mobile trong 2 năm nếu như muốn chạy thử ứng dụng của mình trên nền tảng Android.

Công đoạn testing này là bắt buộc, nếu như giới phát triển mua đưa ứng dụng của mình gia nhập vào Android Market - "quầy bán ứng dụng Android" trực tuyến do Google lập ra.

Về cơ bản, cơ chế hoạt động của Android Market khá giống với Apps Store của Apple.

Đủ các loại phí

Giá gốc của một chiếc Android Dev Phone 1 tại Mỹ là 399 USD. Theo quy định, Google sẽ chỉ bán Dev Phone 1 cho cộng đồng phát triển, nhưng bất cứ ai cũng có thể đăng ký làm dân phát triển phần mềm với mức phí 25 USD.

Tuy nhiên, người dùng ở các nước khác không được may mắn như vậy, bởi họ sẽ phải gánh chịu mức giá cao hơn rất nhiều.

Theo như lời phàn nàn trên một diễn đàn về Android, do điện thoại toàn được ship đi từ Mỹ nên người dùng phải trả khoản tiền vận chuyển khổng lồ.

Một chuyên gia phần mềm của Canada cho biết phí hải quan lên tới 264 USD, dù anh ta chỉ sống cách biên giới với Mỹ có vẻn vẹn 5 km.

Còn theo một người khác, tiền "ship" điện thoại từ Mỹ sang Pháp mất tới 183 USD.

Bản thân Google cũng thừa nhận biểu phí hải quan cao chất ngất dành cho đồ điện tử, tuy nhiên, "đó là quy định của pháp luật mà chúng ta phải tuân theo".

Trong giai đoạn đầu, Google sẽ bán Dev Phone 1 tại 18 thị trường bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan, Tây Ban Nha, Úc, Singapore, Ba Lan và Hungary.

Mặc dù Google tuyên bố Dev Phone 1 không hướng tới người dùng đại trà, song bạn vẫn có thể dùng nó như thường, nhất là khi không muốn bị bó mình trong dịch vụ của T-Mobile hoặc đang sinh sống tại những thị trường mà G1 chưa đặt chân đến.

Việc Google bán phiên bản điện thoại Android không khóa cũng là một nét mới so với mô hình kinh doanh di động truyền thống tại Mỹ.

Rõ ràng, Google có quyền quyết định lớn đối với Android, trong khi trước đây, các mạng di động lớn mới là kẻ nắm quyền sinh sát điện thoại trong tay.

Để so sánh, thỏa thuận độc quyền giữa mạng AT&T với Apple liên quan đến iPhone có vẻ chặt chẽ hơn nhiều. Theo đó, Apple không được phép bán iPhone dùng được trên các nền mạng khác tại Mỹ.

Giới di động hậu thuẫn

Có tới 14 hãng sản xuất điện thoại di động và vi chip lớn vừa gia nhập Liên minh Di động Mở để hỗ trợ nền tảng Android của Google.

Trong số này có cả Sony Ericsson, Vodafone Group và ARM Holdings.

Tất cả họ đều cam kết sẽ chống lưng và "ủng hộ hết mình" cho hệ điều hành Android. Đây quả là một thắng lợi quan trọng của Google trên sân chơi di động, khi mà G1 sẽ phải đối đầu với thành công khổng lồ của Apple iPhone.

Đại diện Sony Ericsson cho biết hãng dự định tung ra một mẫu điện thoại sử dụng nền tảng Android vào giữa năm 2009.

"Android sẽ trở thành framework ứng dụng quan trọng dành cho ĐTDĐ, vì lẽ đó, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc".

Với việc gia nhập Liên minh Di động mở, mỗi một thành viên phải cam kết sẽ phát triển các ứng dụng và dịch vụ di động tương thích với Android. Hoặc giả, họ sẽ thiết kế ra những thiết bị di động dựa trên nền tảng Android.

Ngoài 14 thành viên mới, Android còn nhận được sự ủng hộ từ Asustek, Toshiba và Garmin. Hiện tổng số thành viên của Liên minh đang dừng lại ở con số 47.

Cả Google lẫn Apple đều tích cực mời gọi cộng đồng phát triển tạo ra các ứng dụng dành cho thiết bị di động của mình.

Nhưng nếu như Apple kiểm soát chặt chẽ và giữ bí mật tối đa về phần cứng lẫn hệ điều hành của iPhone, thì Google Android lại lựa chọn giải pháp "mở toang cửa".

Thứ Năm, 11/12/2008 08:50
31 👨 263
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp