Đối với nhiều người, máy tính bảng có thể được coi là một món đồ công nghệ “lỡ cỡ”. Chúng không thể hỗ trợ công việc hiệu quả như laptop, trong khi cũng kém tiện lợi hơn hẳn so với điện thoại di động. Do đó, khi thế giới phải đối mặt với mức độ lạm phát cao, cắt giảm việc làm, và suy thoái kinh tế, việc doanh số máy tính bảng giảm mạnh trên quy mô toàn cầu là điều đã được dự báo trước.
Theo dữ liệu thống kê mới nhất từ công ty phân tích IDC, tổng số lô hàng máy tính bảng bán ra trên toàn thế giới trong quý 4 năm 2023 đạt 36,8 triệu chiếc, tương đương với mức giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn nếu xét trên phạm vi cả năm 2023, số lượng máy tính bảng xuất xưởng chỉ đạt 128,5 triệu chiếc, giảm 20,5% so với năm 2022, và là mức thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Không có sự cải thiện đáng kể nào đối với nền kinh tế toàn cầu, và trong bối cảnh đó, người tiêu dùng có xu hướng phân bổ chi tiêu tập trung hơn vào các loại hàng hóa thiết yếu. Những thứ như thiết bị điện tử tiêu dùng, máy tính bảng… rõ ràng không nằm ở vị trí cao trong danh sách ưu tiên của đa số mọi người. Lạm phát, thất nghiệp và đóng băng chi tiêu cũng đã dẫn đến xu hướng trì hoãn mua hàng trong suốt năm 2023.
Năm 2024 dự kiến sẽ cho thấy một số cơ hội phục hồi, với điều kiện là một sự ổn định hơn về mặt kinh tế. Tuy nhiên, những thách thức chung về cơ bản vẫn bủa vây thị trường máy tính bảng, trong khi những tiến bộ công nghệ xung quanh AI có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào PC và điện thoại thông minh trong hai năm tới.
2023 cũng là một năm kinh doanh tồi tệ đối với Apple trong mảng máy tính bảng. Táo Khuyết đã mất tới khoảng 7% thị phần sau khi lượng hàng xuất xưởng trong quý 4 giảm từ 21,1 triệu xuống chỉ còn 14,9 triệu. Trong khi đó, các đối thủ chính như Samsung, Huawei, Lenovo và Xiaomi đều tăng thị phần.
Về mặt doanh số, chiến thắng lớn nhất trong trong thị trường máy tính bảng quý 4 năm 2023 thuộc về Xiaomi với mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Thất bại nặng nề nhất gọi tên Apple với số lượng lô hàng giảm 29,3%.
Tình hình với Apple có đôi chút đặc biệt. Cơ sở người tiêu dùng giàu có của hãng thường là những người có thể theo kịp việc chi tiêu cho sản phẩm công nghệ mới, nhưng có vẻ như cũng đang có xu hướng thắt chặt hầu bao.