Được đánh giá nắm giữ 50% thành công của các dự án phát triển ứng dụng CNTT-TT của cơ quan Nhà nước, nhưng doanh nghiệp phần mềm đang gặp khó vì những quy định, chính sách quá phức tạp.
Trúng thầu cũng thành thua
Theo quy định hiện hành, quá trình đầu tư dự án ứng dụng CNTT-TT được thực hiện theo 3 giai đoạn gồm chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư. Đa phần các giai đoạn mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kinh phí.
“Nhiều dự án từ khi phê duyệt đến khi thực hiện kéo dài nhiều năm, làm phát sinh chi phí khá lớn về nhân lực và tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh trượt giá, lãi suất thay đổi mạnh, cộng thêm đặc thù 100% hàng hoá CNTT nhập khẩu, doanh nghiệp phải “gánh” phần chi phí phát sinh này”, ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ.
Không những thế, doanh nghiệp còn phải “chạy theo” để đáp ứng những thay đổi về mặt cấu hình kỹ thuật bởi từ khi xây dựng cấu hình chuẩn đề chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt đến khi thực hiện dự án thì công nghệ đã có những “bước nhảy” mạnh mẽ. Hiện đây vẫn là một “căn bệnh khó chữa” trong triển khai dự án CNTT-TT tại các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam.
Bàn về “câu chuyện này”, ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty HPT chia sẻ thêm, quy trình đấu thầu và các thủ tục gây chậm trễ tiến độ triển khai, kéo theo hệ luỵ là khi tỷ giá biến động lớn thì có dự án trúng thầu cũng thành “thua” (vì không có lãi).
“Gần đây, lại có thêm nhiều quy chế, nghị định mới về quản lý công tác đấu thầu và dự án CNTT-TT được ban hành. Nếu việc triển khai quy định không tốt thì có nguy cơ thời gian phê duyệt, thực hiện các dự án sẽ càng bị kéo dài hơn trước. Khi đó sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp phần mềm và các cơ quan xây dựng dự án CNTT-TT”, ông Đồng lưu ý.
Để khắc phục bất cập nêu trên, nhiều doanh nghiệp phần mềm đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm hệ thống hoá các quy định và tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về các quy trình, quy định mới.
Khổ vì đơn giá, định mức
“Định mức phần mềm do Bộ TT&TT ban hành không thể làm được. Thậm chí còn có quan điểm không nên xây dựng đơn giá, định giá, vì sản phẩm phần mềm không thể định giá được. Một sản phẩm phần mềm nếu làm một USD nhưng mang lại lợi ích cho khách hàng 100 triệu USD thì khách hàng không khó khăn gì không trả cho doanh nghiệp làm phần mềm vài triệu USD. Còn sản phẩm làm hết 10 triệu USD nhưng không đem lại lợi ích cho khách hàng thì cho không người ta cũng không nhận, bán 1USD cũng không ai lấy.
Thế nhưng rất tiếc quy định về định giá phần mềm vẫn ra đời”, ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hệ thống thông tin FPT cho biết. Cũng ông Bảo khẳng định: “Nếu không thay đổi quy định này thì công ty làm phần mềm sẽ không nhận được hợp đồng xứng đáng, dẫn đến làm ra những phần mềm chất lượng không tốt để cung cấp cho các cơ quan Nhà nước."
Đứng ở góc độ đại diện cơ quan Nhà nước cần sử dụng phần mềm do doanh nghiệp xây dựng triển khai, bà Trương Thị Hải Đường, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cũng khẳng định quy định về đơn giá, định mức hiện nay sẽ gây khó khăn cho sự phát triển phần mềm ở Việt Nam. Điển hình như trước kia được áp dụng định mức 1 triệu đồng/ngày/người, thế nhưng theo quy định mới thì “tụt” xuống chỉ còn 100.000 – 160.000 đồng/người/ngày công làm phần mềm.
Trên thực tế, để “chạy” theo đáp ứng quy định, không ít cơ quan đã phải tự nói dối lẫn nhau, tự nâng ngày công lên. Ví dụ công ty có 50 – 100 người thì chia ra thành mấy trăm nghìn ngày công.
Vấn đề bức xúc đặt ra: tại sao cứ phải nói dối nhau để ra một hình thức đáp ứng một cơ chế không hợp lý thay vì kiến nghị cơ quan hữu quan giải quyết những vướng mắc khó khăn?
Được biết cơ quan ban hành quy định về đơn giá, định mức phần mềm (Bộ TT&TT) đã tổ chức nhiều hội thảo về vấn đề này, cũng biết rằng quy định chưa thực sự sát với thực tiễn, song vẫn phải ban hành văn bản theo đúng “tiến độ đăng ký”. Hiện Bộ TT&TT vẫn đang chờ phản ứng của các đối tượng triển khai, áp dụng quy định.
Các doanh nghiệp phần mềm cần kiến nghị Hội Tin học Việt Nam với tư cách hiệp hội CNTT-TT có chức năng tư vấn phản biện xã hội đứng ra tổ chức một hội thảo về vấn đề định mức, đơn giá phần mềm, mời Bộ TT-TT đến dự để thấy được những bức xúc của doanh nghiệp và các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước xây dựng ứng dụng. Hy vọng Bộ TT&TT sẽ thay đổi quy định cho phù hợp hơn để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp cũng như sự phát triển CNTT-TT Việt Nam.