Trong thời gian Thông tư quản lý GameOnline chưa ra đời, bộ VHTT khuyến cáo doanh nghiệp không nên cung cấp thêm các game mới, thậm chí không phát triển account mới. Trước tình trạng "đóng băng" tạm thời, các doanh nghiệp phải cố gắng duy trì hoạt động theo kiểu “cầm chừng” để chờ thông tư.
Các doanh nghiệp cung cấp GameOnline hoạt động ra sao trước tình trạng “đóng băng” tạm thời vì chờ đợi thông tư quản lý GameOnline ra đời? |
“Một tuần hai tuần đã đành, nhưng đợi đã vài tháng vẫn chưa thấy thông tư, nên dù rất hợp tác với cơ quan chức năng, DN chúng tôi cũng phải kiếm cách hoạt động cầm chừng tránh lỗ vốn”, một vị lãnh đạo DN cung cấp dịch vụ Game (xin giấu tên) bức xúc.
Tuy nhiên, mãi cho đến hiện tại (ngày 20/2/2006), thông tư quản lý GameOnline vẫn chưa ra đời. Thị trường GameOnline rơi vào tình trạng “đóng băng” tạm thời trong nhiều tháng. Dù đơn vị nào cũng khẳng định “hết sức thông cảm với những khó khăn của cơ quan quản lý”, nhưng các ISP cũng đâu thể ngồi không bù lỗ mãi được?!
Một khó khăn lớn mà các DN cung cấp dịch vụ nói chung đều thừa nhận là họ không được triển khai game và cấp account mới, trong khi thông tư chưa có hiệu lực.
Anh Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc trung tâm dịch vụ IP của HaNoi Telecom tâm sự: “Thời gian mấy tháng qua, HaNoi Telecom đã buộc phải dừng việc phát triển và hoàn thiện game KHAN, đồng thời phải tạm dừng mua bản quyền một game khác vì chờ thông tư… Tôi mong thông tư ra đời càng sớm càng tốt”.
Ông Đỗ Trung Nghĩa, tổng giám đốc VDC Net2E, một nhà cung cấp dịch vụ GameOnline cũng đồng tình: “Tiền vốn chúng tôi đã bỏ ra, vẫn phải duy trì hoạt động của nguồn nhân lực kỹ thuật, dịch vụ… cùng nhiều chi phí khác. Vậy mà không được triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh thì cứ ngồi bù lỗ mãi sao?”.
Ông Nghĩa cũng khẳng định VDC Net2E đang gấp rút chờ thông tư để triển khai một game mới mà đơn vị này đã ký kết mua bản quyền từ nhiều tháng nay.
Ông Lê Hồng Minh, chủ tịch hội đồng quản trị ViNaGame nêu ra một khó khăn khác: "Do không lường trước được thời gian chờ đợi thông tư lâu đến vậy, nên chúng tôi đã gặp phải những khó khăn rất lớn với phía DN nước ngoài. Do các DN nước ngoài không thể chờ đợi việc kéo dài thời gian đã ghi trên hợp đồng (đa số là chuyển nhượng mua bán Game) nên gây khó dễ. Phía DN Việt Nam thậm chí phải đối mặt với nguy cơ bị kiện và bồi thường hợp đồng".
Vẫn biết, việc phải chờ đợi một hành lang pháp lý an toàn để các DN hoạt động là cần thiết, song thời gian chờ đợi kéo dài giữa thời điểm "nước sôi" như thị trường GameOnline hiện nay là bất lợi cho DN.
Tuy nhiên, cũng phải kể đến những khó khăn của phía cơ quan chức năng khi soạn thảo một thông tư được coi là phức tạp và gây nhiều tranh cãi như thông tư quy định về hoạt động GameOnline. Những yêu cầu đơn giản như: quyền lợi DN, định hướng thị trường hay nhu cầu của cộng đồng người chơi... đều cần phải tính đến.
Thêm vào đó, nếu nhìn một cách lạc quan, như một GameMaster bày tỏ, thì việc “tạm dừng” sự phát triển của thị trường Game Online VN trong một thời gian ngắn (dù bất đắc dĩ) cũng chưa hẳn đã là không tốt. Con số trên dưới một triệu game thủ hiện tại chưa được tổ chức và có định hướng tốt, thì với đà tiếp tục nhập khẩu và triển khai game mới ồ ạt một cách không hợp lý sẽ khiến cộng đồng này có khả năng sẽ bị xé lẻ và “hỗn loạn”, thậm chí gây ra nhiều biểu hiện tiêu cực…
- Thế Phong