Một điều đáng buồn là không doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam không trả lời đủ 10 câu hỏi mà Liên minh Châu Âu (EU) đặt ra để tìm đối tác gia công phần mềm cho họ. Điều này có nghĩa là cánh cửa gia công phần mềm cho thị trường EU vẫn đang bế tắc.
Tham gia khoá tập huấn về “Chiến lược marketing và gia công phần mềm cho EU” do Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội (HTPC) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) Hà Lan tổ chức sáng 27/10, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đúng mức về cơ hội, tiềm năng kinh doanh có thể khai thác được từ thị trường EU.
Về lý thuyết, để có thể thâm nhập được thị trường EU, các doanh nghiệp Việt phải trả lời “Có” cho 10 câu hỏi gồm: Có lý do rõ ràng về việc tại sao muốn cung cấp dịch vụ gia công phần mềm ở EU? Có sự hỗ trợ của ban lãnh đạo doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ này? Có đủ nguồn lực để thực hiện dịch vụ? Có xác định rõ ràng dịch vụ muốn chào hàng? Có đủ hiểu biết về châu Âu? Quy mô doanh nghiệp có đủ lớn (tối thiểu phải từ 20 – 30 nhân lực chuyên làm về mảng gia công phần mềm)? Có mạng lưới khách hàng đủ mạnh tại Việt Nam? Có đủ ngân sách để đảm bảo thành công cho việc thâm nhập thị trường và marketing (chi phí sang châu Âu rất đắt, chỉ cần sang 2 lần, tính riêng tiền đi lại, ăn, ở cũng mất khoảng 2.000 euro…)? Có đủ chuyên viên giàu kinh nghiệm, năng lực chuyên môn và kỹ năng ngoại ngữ? Các quy trình phát triển phần mềm đã được phát huy hiệu quả thực tế tại Việt Nam hay chưa?
Một điều đáng buồn là không doanh nghiệp nào tại khoá tập huấn đưa ra đủ 10 câu trả lời “Có”. Chỉ có một vài doanh nghiệp, điển hình như CMC, có được 9 câu, mức tối thiểu cho biết doanh nghiệp có thể tính tới chuyện “kiếm tiền” từ việc gia công phần mềm cho các khách hàng EU.
Một điểm đáng lưu ý khác, khá nhiều doanh nghiệp Việt cho rằng có khả năng tìm kiếm khách hàng tiềm năng ở tất cả 27 nước thành viên của EU. Tuy nhiên, ông Laszlo Klucs, chuyên gia IT của CBI khẳng định không thể làm được như vậy.
Theo ông Laszlo Klucs, hiện có rất nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU. Điển hình như các khách hàng EU đều có xu hướng lựa chọn hình thức thuê doanh nghiệp phần mềm trong nước hoặc trong khu vực EU để thực hiện khâu gia công (gọi là hình thức “nearshore outsourcing”). Tại châu Âu, đặc biệt là Đông Âu, đang có sẵn rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đáp ứng nhu cầu “nearshore outsourcing”. Các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam được kê vào dạng dịch vụ thuê gia công phần mềm ở nước ngoài (“offshore outsourrcing”). Thời gian qua, phương thức “offshore outsourrcing” không được ưa chuộng ở EU bởi tâm lý e ngại tới giờ hẹn, nếu không nhận được hàng theo đúng thoả thuận hợp đồng cũng đành phải “chịu trận” vì đang ở quá xa; thuê gia công ở vùng địa lý càng xa thì nguy cơ rủi ro càng lớn.
Muốn tiếp cận khách hàng EU, các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thuyết phục rằng công việc trong hợp đồng sẽ được thực hiện trôi chảy, không có bất kỳ sự trì hoãn nào, hay nói cách khác là phải chứng minh “offshore outsourrcing” không có gì khác biệt với “nearshore outsourcing”.
Chia sẻ bên lề với phóng viên BĐVN, một số cán bộ marketing đang làm việc tại các “đại gia” trong lĩnh vực outsourcing tại Việt Nam thừa nhận EU là một thị trường rất khó tiếp cận. Trong bối cảnh nguồn lực của các doanh nghiệp Việt còn hạn chế như hiện nay, chưa thể “vượt trội” về năng lực cạnh tranh với các đối thủ đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, thì “một cây” chắc chắn sẽ “làm chẳng nên non”. Mới đây, một câu lạc bộ các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam đã được hình thành, và các doanh nghiệp thường xuyên trao đổi với nhau về kế hoạch “đi ra biển lớn”. Hy vọng rằng EU sẽ sớm nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt.