Sự đột phá của Ấn Độ trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là phần mềm đã từng khiến cả thế giới phải sửng sốt. Nhưng ngay cả khi Ấn Độ liên tục đạt được hết thành tựu này đến thành tựu kia và trở thành một trong những văn phòng của thế giới, người ta vẫn không thôi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Điều gì làm cho một ngành kinh tế non trẻ như ngành phần mềm có thể sinh trưởng và phát triển được, thậm chí thành công rực rỡ ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất trên đất nước Ấn Độ?
"India is IT"
Không cần phải nói quá nhiều về những con số, những thành công liên tiếp mà ngành phần mềm Ấn Độ đạt được bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, những đầu tư liên tục, mạnh mẽ và quyết liệt của chính phủ nước này với phương châm đưa "công nghiệp phần mềm Ấn Độ lên thành kiểu mẫu của sức mạnh và thành công". Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, đi cùng với chủ trương tự do hoá và mở cửa kinh tế, chính phủ Ấn Độ đã có những đầu tư chiến lược để đạt được mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường về IT của thế giới. Đưa CNTT lên làm ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung nhanh, mạnh vào lĩnh vực phần mềm, Ấn Độ đã nhanh chóng có được thành công vượt trội.
"India is IT" đã không còn là một khẩu hiệu suông mà thực sự trở thành một phương châm đưa Ấn Độ lên hàng top trong danh sách những địa chỉ gia công phần mềm của thế giới với tốc độ phát triển vài trăm phần trăm mỗi năm. Năm 2007, lĩnh vực IT-PBO của Ấn Độ đạt mức tăng trưởng 28%, doanh số đạt 47,8 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với báo cáo của năm 1998. Đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân của riêng ngành phần mềm nước này đạt tới 5,4%, cao hơn nhiều so với mức 1,2% của năm 1998. Còn theo báo cáo mới nhất, chỉ tính riêng doanh thu của ngành phần mềm, Ấn Độ đã thu về tới 39 tỷ USD. Nếu so sánh với ngành phần cứng của chính đất nước này, chỉ với 6 tỷ USD, thì 39 tỷ USD doanh số cũng đã là một con số thành công thật sự nổi bật.
Nghe đến những con số, biết được những thành tựu này của Ấn Độ từ trước khi đặt chân đến đất nước này, nhưng đến khi "chạm" vào thực tiễn sản xuất, được tiếp xúc với các doanh nghiệp và tổ chức trong lĩnh vực phần mềm ngay tại Bangalore và New Dehli, tận mắt chứng kiến những điều kiện mà từ đó phần lớn sản lượng phần mềm xuất khẩu của Ấn Độ cất cánh, chúng tôi mới thực sự ngỡ ngàng về sức mạnh của ngành công nghiệp mới mẻ này trên đất nước Ấn Độ.
Không phải những con đường rộng bát ngát, không phải những thung lũng rộng mênh mông với những toà nhà chọc trời, cả khu công nghiệp phần mềm Ấn Độ nằm giữa Bangalore chỉ sở hữu một cơ sở hạ tầng vào loại thường thường bậc trung, với những điều kiện không hơn Việt Nam. Ngay cạnh những toà nhà cao tầng là những cánh đồng rộng với đàn bò thủng thẳng gặm cỏ. Nối giữa những khu nhà là những con đường nhỏ nhắn rợp bóng. Nếu không được giới thiệu trước, thực sự sẽ rất khó hình dung đây là một khu công nghệ cao, nơi được mệnh danh là trái tim của ngành phần mềm Bangalore, trái tim của phần mềm Ấn Độ. Và đó cũng chính là lúc ai cũng tự mình đặt ra câu hỏi: Sức mạnh của ngành phần mềm Ấn Độ ở đâu?
Điều gì làm nên sức mạnh của ngành phần mềm Ấn Độ?
Đem câu hỏi ấy đi "ướm" đại diện của NASSCOM (Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Ấn Độ) và một vài đại diện của các công ty phần mềm Ấn Độ, chúng tôi đã có được những đáp án chung nhất cho những băn khoăn của mình.
Điều đầu tiên trực tiếp có thể nhìn thấy ngay đã tạo nên thành công cho ngành phần mềm Ấn Độ chính là nguồn nhân lực. Hệ thống giáo dục tuyệt vời với các học viện công nghệ quốc gia được trang bị các trang thiết bị hiện đại nhất, mạng lưới hơn 1000 trường đại học và cao đẳng đào tạo chuyên ngành về CNTT nằm rải rác khắp cả nước, chưa kể các cơ sở đào tạo tư nhân uy tín, các trung tâm đào tạo và đào tạo lại của các doanh nghiệp lớn... tất cả đã tạo cho nguồn nhân lực phần mềm của quốc gia này một căn bản cực tốt. Cộng thêm thuận lợi sẵn có, tiếng Anh là thứ ngôn ngữ chính thống dùng giảng dạy, các kỹ sư CNTT, kỹ sư phần mềm của Ấn Độ ngay khi ra trường đã có thể làm việc ngay tại môi trường quốc tế với chất lượng đạt chuẩn toàn cầu. Đó là chưa kể khả năng thích ứng cực tốt của các kỹ sư này với mọi môi trường làm việc và những biến đổi nhạy bén của thế giới trong lĩnh vực CNTT. Cùng với xu hướng toàn cầu hoá, những kỹ sư này được hút ra các thị trường ngoài biên giới Ấn Độ như Mỹ, châu Âu và rồi lại trở lại thị trường Ấn Độ để tạo ra các thế hệ kỹ sư phần mềm mới cho đất nước. Tất nhiên, không thể phủ nhận sau những thế hệ kỹ sư được đào tạo từ thời Xô Viết, chất lượng nhân lực của ngành có phần giảm sút, mất cân đối cung cầu, song không vì thế, nguồn nhân lực mất đi vai trò chủ chốt trong nội lực của ngành phần mềm nước này. Và nguồn nhân lực được đào tạo bàn bản vẫn luôn là một trong những nguồn sức mạnh chủ yếu của Ấn Độ.
Thứ hai có thể đề cập tới là chính sách. Dù không thực sự rõ ràng và trực tiếp tác động, nhưng chính sách mở cửa, thông thoáng và những ưu đãi nhất định của chính phủ Ấn Độ đã phần nào tạo nên sức hút khiến phần lớn những tên tuổi lớn nhất của công nghệ toàn cầu đã phải có mặt ở đây. 7 khu công nghệ cao nằm rải rác khắp cả nước đã được xây dựng nên nhờ những nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của các tên tuổi lớn của thế giới như IBM, Digital, Hewlett Packard, Sun, Motorola... với những chính sách ưu đãi đặc biệt như: cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng, miễn thuế nhập khẩu, thuế doanh thu trong 5 năm, tối giản các thủ tục hành chính phức tạp và tạo quyền chuyển lợi nhuận về nước... Đó cũng là những hành động thiết thực nhất thể hiện quyết tâm đầu tư quyết liệt của chính phủ nước này cho CNTT nói chung và phần mềm nói riêng.
Một nhân tố thứ 3, không kém phần quan trọng chính là sự nỗ lực tự thân, rất độc lập và tự chủ của bản thân chính các công ty. Không trông chờ quá nhiều vào những ưu đãi đầu tư của nhà nước, rất nhiều công ty đã rất chủ động lựa chọn đầu tư thích hợp và liên tục nâng cao năng lực đầu tư khai thác thị trường của mình và biến năng lực khai thác thị trường bên ngoài Ấn Độ của mình trở thành một thế mạnh thực sự.
Nhân tố thứ 4, nhân tố quan trọng làm nên những biến đổi kỳ diệu ở lĩnh vực phần mềm nước này chính là ở uy tín của Ấn Độ đối với thế giới. Không chỉ là uy tín với các dòng sản phẩm làm ra, uy tín với nguồn nhân lực được đào tạo bàn bản và quy mô, các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng và ngành phần mềm Ấn Độ nói chung còn tạo ra được một uy tín vô hình trong quan hệ kinh doanh và trên thị trường, khiến những ông lớn của nền công nghệ thế giới khi cần là nghĩ đến Ấn Độ và các sản phẩm của Ấn Độ.
Đương nhiên, bấy nhiêu đó chưa thể khái quát hết được những nhân tố làm nên sức mạnh của ngành phần mềm Ấn Độ. Song đó cũng là những nét căn bản, những phác thảo rõ rệt nhất về những gì làm nên sức mạnh của một ngành công nghiệp mũi nhọn của Ấn Độ.
Bao giờ Việt Nam?
Tháng 4 vừa rồi, Vinasa đã công bố con số 500 triệu USD, mục tiêu đã được đặt ra từ năm 2000 và dự kiến hoàn thành vào năm 2005. 2 năm lỡ nhịp với con số 500 triệu, song vẫn phải thừa nhận những gì ngành phần mềm Việt Nam đã làm được trong thời gian qua là những biến đổi rất mạnh mẽ và hứa hẹn nhiều đột phá trong thời gian tới.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh con số 500 triệu mà chúng ta đạt được với con số 39 tỷ USD mà Ấn Độ có được từ xuất khẩu phần mềm khi khoảng cách của chúng là không bao giờ có thể đuổi kịp ngay, chứ chưa nói là có thể san bằng. Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa chúng ta sẽ... nản. Ấn Độ đã từng xuất phát điểm rất thấp và đã từng đi tắt đón đầu thành công bằng con đường phát triển nhân lực, tạo đột phá về nhân lực. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để có thể đi theo con đường ấy, hay chí ít là học tập lối đi ấy, quan trọng là chúng ta học nó như thế nào?
Kỳ sau: Công nghiệp phần mềm Việt Nam đang ở đâu?