Trung tâm nghiên cứu quang điện tử (OCR) thuộc Đại học Southampton (Anh) và Đại học Công nghệ Eindhoven (Hà Lan) vừa tham gia chế tạo đĩa thủy tinh có thể lưu trữ đến 360 TB (Terabyte) dữ liệu với tuổi thọ trên 1 triệu năm.
Không chỉ có vậy, đĩa thủy tinh này cũng có thể chịu nhiệt độ lên đến 1.832 độ F, tương đương 1.000 độ C, giúp bảo vệ chống mất mát dữ liệu trong trường hợp hỏa hoạn. Công nghệ đạt được nhờ sử dụng một loại vật liệu thủy tinh được tạo ra từ cấu trúc nano và thạch anh nung chảy. Dữ liệu sau đó được ghi vào thông qua các tia laser.
Các tia laser bắn các xung ánh sáng trên mặt đĩa thủy tinh, bằng cách này các nhà nghiên cứu có thể ghi dữ liệu (cấu trúc nano) trên cả 3 lớp đĩa được đặt cách nhau 5 micromet.
Trong quá trình thử nghiệm ban đầu, các nhà nghiên cứu đã thành công khi có thể viết và đọc dữ liệu dung lượng 300 KB trên đây. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu cho biết khả năng lưu trữ bằng công nghệ này cao hơn rất nhiều, lên đến 360 TB.
Bên cạnh đó, nội dung lưu trữ trên đây có thể đạt tuổi thọ rất lâu khoảng 1 triệu năm hoặc hơn. Điều đáng chú ý là khả năng bảo toàn dữ liệu khá cao vì chúng có thể chịu được sự thay đổi nhiệt độ cao bất thường.
Giáo sư Peter Kazandky của ORC cho biết: "Đó là một trong những công nghệ đột phá, cho phép lưu trữ các tài liệu tồn tại hơn nhiều so với tuổi thọ con người. Bước tiếp theo mà nhóm nghiên cứu này tiếp tục thực hiện chính là làm thế nào để có thể thương mại hóa chúng ra thị trường".