Trẻ trung, ồn ào và náo nhiệt là điểm nổi bật trên chợ ảo và đặc biệt từng bừng vào dịp cuối năm. Mỗi đêm, tại một địa chỉ mạng thịnh hành có cả nghìn lượt người ghé vào các ki-ốt mua bán thời trang, mỹ phẩm, hàng điện tử...
Hoàng Phương, một nam nhân viên Công ty FPT, 29 tuổi, cho biết vừa tậu được ba chiếc áo sơmi cùng một lúc trên mạng. "Tôi bận bịu suốt ngày, chưa có người yêu mà ngại chường mặt một mình ở các shop thời trang nên mua trên mạng cho tiện. Chỉ cần gọi điện là người ta mang đến tận nơi nhé, hàng tốt chỉ có 99.000 đồng/áo. Vậy là có đồ đi chơi Noel và Tết", Hoàng Phương tâm sự.
Hàng trên mạng cũng "thượng vàng hạ cám", có từ đắt đến rẻ, hàng hiệu đối chọi hàng nhái, đồ cũ lẫn đồ mới, quần áo lộng lẫy, mỹ phẩm thơm phức, đồ phụ liệu có những món gây choáng cho những bạn trẻ đam mê thời trang... Được hâm mộ nhất vẫn là hàng quần áo Hàn Quốc với đủ model thu đông không chỉ khiến các em gái Hà Nội, đang xuýt xoa vì rét, ngẩn ngơ mà các thiếu nữ Sài Gòn, ở nơi trời vừa chớm se lạnh, cũng mê mẩn cả người.
Nguồn: visionarywebworks |
Các bạn trẻ Hà Nội đang chiếm số đông trong những diễn đàn mua bán trên mạng. Bạn Thanh Vân, một nhân viên PR, giải thích: “Nhiều người ngại vào các cửa hiệu vì sợ nói thách, không biết giá cả như thế nào. Còn trên mạng tha hồ mà săm soi, quyết định. Được thì đến tận nơi xem rồi lấy luôn. Ở xa thì gửi tiền vào tài khoản người bán rồi nhận hàng qua bưu điện, tiện lắm”. Chỉ cần một người gửi hàng mới lên mạng là bao nhiêu người khác, dù không mua, cũng "nhảy" vào ủng hộ bằng cách bình luận rôm rả, nhân tiện... gửi luôn quảng cáo và đường link cho hàng của mình. Có những chủ đề được hàng chục người vào xem cùng một lúc, một con số trong mơ với nhiều shop thời trang ngoài phố.
Tuy nhiên, đi chợ ảo không phải không có rủi ro. Mới đây, trên Diễn đàn ttvnol.com xôn xao chuyện một số thành viên bị lừa khi nhờ một người lấy hàng qua mạng. Nhân vật này có thủ đoạn rất tinh vi là lên mạng lân la làm quen, giới thiệu mối mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài. Ban đầu anh ta tỏ ra chơi đẹp mang hàng đến tận nơi ở Hà Nội, gửi hàng trước nhận tiền sau cho khách Sài Gòn.
Sau vài phi vụ và tiếng tăm lan truyền, anh ta đột ngột tung ra một đợt “hàng mới về” dồn dập với bao nhiêu là kem dưỡng da, phấn son hảo hạng. Sau khi đơn hàng gửi tới tấp, tiền chuyển vào tài khoản dồn dập, anh ta lặn mất sau khi gom được hơn 20 triệu đồng. Các khổ chủ chỉ còn biết kêu khóc với tờ hóa đơn chuyển tiền trên tay.
Nhưng nổi đình nổi đám nhất là trường hợp một chàng trai trẻ bán dầu thơm. Trên mục muare.ttvn.com, vụ này đã gây tranh cãi suốt mấy tháng nay và bây giờ vẫn chưa có hồi kết. Nhiều người cho rằng đã bị nhân vật nói trên lừa nên đi đâu cũng rao “tẩy chay kẻ bán nước hoa giả, kém chất lượng”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Vụ Thương mại điện tử, Bộ Thương mại, hiện có đến vài trăm website đang hoạt động mua bán trên mạng. Nhưng những người am hiểu cho rằng con số thực tế này còn có thể tăng hơn rất nhiều. Một chuyên gia trong ngành cho biết nếu các sản phẩm mua bán trên mạng được khẳng định là hàng giả, thì đó là hành vi gian lận thương mại và có những biện pháp chế tài qui định. Theo phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử Trần Thanh Hải, việc dùng website như một công cụ tạo nên hành vi lừa đảo để bán hàng có thể là một tình tiết tăng nặng hành vi gian lận thương mại.
Ông Hải cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng chương trình xếp hạng các website thương mại điện tử. Đây sẽ gần như một kiểu bình chọn hàng VN chất lượng cao qua mạng để người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó tin tưởng mua bán trao đổi hàng hóa”. Ông Hải cũng cho rằng người tiêu dùng phải tự trang bị kiến thức, cẩn trọng và tự bảo vệ mình. Chẳng hạn có một vài e-mail gửi đến người tiêu dùng cho biết admin đang cập nhật lại thông tin trên website và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như e-mail, thẻ tín dụng, mật khẩu... Người tiêu dùng phải cảnh giác không cung cấp những thông tin kiểu này vì những người quản trị website chân chính sẽ không đề nghị như vậy.
Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh Bộ Thương mại Trần Anh Sơn cho biết khi gặp sự cố, trước tiên người tiêu dùng liên lạc trực tiếp với nơi mua bán hàng để khiếu nại. Với những nơi kinh doanh qua mạng không có giấy phép của cơ quan chức năng có thể sẽ truy tố tội kinh doanh trái phép.
Theo ông Sơn, người tiêu dùng cũng nên tìm đến những website có địa chỉ giao dịch cụ thể, đăng ký kinh doanh hợp pháp nhằm tránh trường hợp mua nhầm hàng giả không thể kiện được phía bán hàng, giống như kiểu “nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu”.