Dân công sở 'kiếm tiền tay trái' nhờ Internet

Không bằng lòng với đồng lương công chức, dù cho đang làm việc ở một liên doanh nước ngoài hẳn hòi, chị Phương (27 tuổi, Hà Nội) vẫn quyết định "chân trái, chân phải" làm thêm.

Thử đồ trong... WC công sở

Sẵn yêu cầu của công việc là thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, chị Phương chọn ngay giải pháp kinh doanh qua mạng. Cùng với một người bạn thân, chị đã mở một "shop" thời trang trực tuyến và điều hành công việc mua - bán ngay tại văn phòng.

Cứ cuối tuần, chị và bạn chị lại chia nhau đi "đánh" hàng. Hàng về, cả nhà chị Phương, từ nam phụ lão ấu đều hì hục giúp một tay đánh mã số, phân loại, dán giá. Chồng chị được giao hẳn trọng trách chụp ảnh các mẫu quần áo, dù thời gian đầu, tay máy không chuyên đã cho ra những sản phẩm mà chị luôn phải ghi chú thích rất to bên trên website là "ở ngoài đẹp hơn trong ảnh tới 10 lần".

"Hồi đầu chúng tôi bán cũng chậm, do không phải khách hàng nào cũng tin vào thông báo chữa cháy trên của shop. trên mạng. Mà bán hàng qua mạng, hình ảnh bao giờ cũng quan trọng số một", chị Phương ngậm ngùi kể lại. Thế nên chị đã dành hẳn hai tháng lương để đầu tư một quả máy ảnh chuyên nghiệp và bắt ông xã tham gia vào diễn đàn Xomnhiepanh để học hỏi kinh nghiệm, "nâng cao kỹ năng".

Khá nhiều dân văn phòng đã quyết định cải thiện thu nhập bằng kinh doanh trực tuyến. Ảnh chụp màn hình.
Do hàng ngày vẫn phải đi làm, chị Phương chỉ có thể tiếp khách đến shop vào buổi tối hoặc trước giờ hành chính tại nhà riêng. Nhà chị đã quá quen với cảnh 6h sáng hay 10h đêm cũng có khách bấm chuông để lấy đồ cho kịp "đi dự cuộc hẹn quan trọng".

Với khách có nhu cầu lấy đồ trong ngày, chị thường xác nhận rõ kích cỡ, màu sắc, mẫu hàng rồi mang tới công ty. Sau vài tin nhắn hoặc cuộc gọi liên lạc địa điểm, khách sẽ tới tận nơi lấy hoặc sử dụng dịch vụ Chuyển phát nhanh để nhận đồ.

"Hàng thời trang nên nhiều khách có nhu cầu thử xong mới mua. Hồi đầu tôi chưa có kinh nghiệm, những lúc ấy toàn bắt khách đến tận nhà xem và thử hàng. Mà có phải ai cũng đi sớm, về muộn được như vậy đâu? Nhưng rồi tôi đã nghĩ ra giải pháp: mời khách vào công ty và thử trong... WC. Thế là tất cả đều thoải mái", chị Phương chia sẻ.

Tranh thủ "khách hàng tại chỗ"

Những "công chức" tay ngang buôn bán thường có một ưu thế: tận dụng nguồn khác hàng "tại chỗ" vô cùng dồi dào. Chị Lan (25 tuổi, Hà Nội) đã nhanh tay đưa đường link bán hàng của mình lên diễn đàn của công ty và status của Yahoo Messenger, kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ.

Cứ có đợt hàng nào mới về là Lan lại khệ nệ xách một bao tải to lên công ty. Các anh chị em đồng nghiệp luôn được "ưu tiên" chọn trước (hoặc bị "bắt" chọn trước"). Những lúc ấy, tầng trên tầng dưới cứ gọi là "tíu tít". Một thông báo ngắn gọn trên Status của YM hoặc Facebook đủ để kéo các tín đồ shopping rầm rập đổ về góc bàn của chị Lan. Nào thì dầu gội, nào thì sữa tắm, nào thì giày dép, nào thì váy vóc, quần áo... thôi thì đủ cả.

Có hôm sếp xuống trao đổi công việc ngay ở bàn bên cạnh, cả hội phải dấm dúi nhau kéo vào... WC để thử và xem đồ. Thấy phương án này để lâu không ổn, Lan phải hẹn mọi người xuống xem định kỳ vào giờ nghỉ trưa. Cả hội đặt cơm hoặc KFC rồi thủng thẳng chọn đồ, lại còn được người này người kia tư vấn chỉ trỏ. "Vừa vui lại vừa thoải mái", Lan nói.

Đường link ảnh được post lên mạng, ai có nhu cầu với món nào thì cứ đặt hàng để chủ "shop" hôm sau mang tới tận công ty, chẳng phải xách xe đi đâu. Người mua, kẻ bán xem ra đều rất hỉ hả.

Cộng đồng của diễn đàn Handheldvn lại ấn tượng với thành viên H.Nguyen bởi phong cách bán hàng khá "VIP" của anh. Nguyen luôn đi giao hàng, lắp đặt tận nơi cho khách bằng...ô tô riêng, dù cho đôi khi giá trị món hàng chỉ xấp xỉ chưa đến 300 ngàn (lúc là thẻ điện thoại quốc tế, lúc là các thiết bị phát sóng Wi-Fi).

Bản thân đang là quản lý của một công ty nước ngoài tại VN, Nguyen cho biết làm thêm chính là một cách để mở rộng quan hệ, tiếp cận thị trường theo một cách khác, và lợi nhuận không phải là vấn đề quan trọng.

Cũng tại mạng Handheldvn, một thành viên gạo cội có nick ChauN cũng là người được anh em trên mạng khá nể. Nể bởi những món hàng anh bán ra thị trường có chất lượng khá đảm bảo, giá lại rẻ và nhất là vì anh thường xuyên chọn... quán nhậu làm nơi giao hàng sau giờ làm việc. Nguồn hàng của anh là từ Singapore và các nước trong khu vực, do anh đem tận tay về qua các đợt đi công tác.

Bản thân là người am hiểu kỹ thuật và các thiết bị hi-tech, những thiết bị anh phân phối trên mạng thường bắt kịp những xu thế "hot" nhất của dân công nghệ, ví dụ như những ổ cứng dung lượng lớn, tốc độ đọc/ghi cao, hay những bộ phát HD box. Nhìn phong cách anh bán hàng trên mạng và những sản phẩm anh bán ra, sẽ có nhiều người cho rằng anh là một dân buôn chính hiệu. Thế nhưng anh em trong mạng đều biết rằng, hiện anh đang phụ trách kỹ thuật cho một ngân hàng lớn của Việt Nam với mức lương rất cao.

Tai nạn nghề nghiệp

Việc một bộ phận công chức chọn hình thức kinh doanh qua mạng làm nghề tay trái, kiếm thêm đồng ra đồng vào đã không còn là chuyện hiếm. Internet và các dịch vụ hỗ trợ đã cho phép họ ngồi từ xa mà vẫn kiểm soát, điều hành được công việc làm ăn buôn bán của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng được suôn sẻ, dễ dàng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: oprah)
Chị Thu (33 tuổi, Hà Nội) mới nhận kinh doanh quần áo trẻ em qua mạng chưa lâu nhưng đã rơi vào tình trạng stress trầm trọng. Do "đánh" được nhiều hàng độc nên khách hàng của chị khá đông. Không chỉ đặt hàng trên topic, họ còn thường xuyên nhắn tin, gọi điện để hỏi mua.

"Lắm hôm hàng mới về, cứ 5-10 phút tôi lại nhận cuộc gọi một lần. Bình thường thì không sao, nhưng những lúc bận, có báo cáo phải làm gấp hay đang ngồi trong cuộc họp thì đúng là đến khổ. Tâm trí thì không tài nào tập trung được, lại sợ bị đồng nghiệp "soi", sếp "soi". Sếp tôi lại nổi tiếng là người khó tính", chị Thu nhăn nhó.

Những lúc ấy, chị Thu chẳng bao giờ dám nghe điện thoại hay hí húi nhắn tin trả lời khách. Thế là lại bị khách trách. Người không hiểu thì nản, sau vài lần là tự động tẩy chay hàng nhà chị. Cá biệt một số người còn lên topic phàn nàn, kêu ca, chê chị "chảnh".

Chị Thu đành tặc lưỡi, "Âu cũng là cái nghề làm dâu trăm họ". Cuối cùng, chị đành phải chọn một giải pháp "cực đoan": yêu cầu khách không liên hệ qua đường di động trong giờ làm việc, trừ lúc nghỉ trưa, để tránh sếp dị nghị.

Một khó khăn nữa của những "tiểu thương" trái tay là thời gian eo hẹp. Theo kế hoạch, chị Phương sẽ đi lấy hàng vào cuối tuần. Nhưng chỉ cần gặp trục trặc ở khâu hải quan là hàng hóa có thể bị kẹt lại vài ngày là thường.

Đã có nhiều hôm, chị và chồng chị phải chia nhau trốn làm đi làm thủ tục thông quan, nhận hàng và kiểm hàng. Số ngày phép còn lại càng ít, chị càng nhấp nhổm như ngồi trên lửa. Rồi những đợt thất thoát hàng, tháng lương công chức coi như "đi tong".

Làm dâu trăm họ

Ngay cả việc giao hàng cũng mất rất nhiều thời gian. Cứ tối tối, nhà chị lại hò nhau đóng gói đồ do khách đặt để sáng hôm sau chuyển sớm. Đa số các dịch vụ CPN không làm việc ngoài giờ nên chị toàn phải mang đến công ty rồi mới gọi cho nhân viên giao hàng. Đó là chưa kể khi có khách tới tận nơi lấy đồ, chị Phương lại phải lật đật chạy xuống.

"Có khách mua ngay, nhưng cũng có người đòi thử, đòi kiểm tra kỹ rồi mới lấy. Những lúc ấy lại phải chờ họ gửi xe, vào trong WC mặc đồ. Nhận tiền, kiểm tiền cũng phải chọn nơi kín đáo, chứ đồng nghiệp nhìn thấy chẳng hay chút nào. Mỗi cuộc giao dịch nhanh cũng phải mất 15 phút, lâu thì có khi tới quá nửa tiếng. Mỗi sáng chỉ cần vài, ba khách là bạn hết sạch thời gian để làm công việc chính rồi
".

Thế nên những công chức tay ngang cứ phải căng người ra như dây đàn để có thể vừa làm việc chính, vừa kiếm tiền phụ. Nói nôm na như chị Lan là phải "hai tay hai súng, đạn trúng hồng tâm". Mặc dù vậy, nhiệm vụ này quả là không đơn giản. Nhiều người do không đảm bảo được về năng suất đã bị "sếp" mời lên trao đổi, nhắc nhở. Một số phải giao lại công việc quản lý gian hàng cho người nhà, mình chỉ thỉnh thoảng "lượn qua kiểm tra và giải quyết các vấn đề lớn" mà thôi.

Nói đi cũng phải nói lại. Kinh doanh qua mạng đã giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể, trở nên năng động hơn và quen biết thêm nhiều người. "Có chị khách đến nhà còn tỉ tê tâm sự chuyện chồng, con với mình. Họ tin mình như người trong nhà vậy, có gì ngon cũng mách, thậm chí mang đến cho mình ăn thử. Rồi thì chia sẻ kinh nghiệm chăm em bé", chị Thu kể.

Dân công sở kinh doanh bao giờ cũng có phong cách bán hàng điềm đạm, lịch sự và mang lại niềm tin cao hơn nơi khách hàng. Vì thế, khách của họ thường là khách quen, khách ruột, những người không nề hà chiều theo khung giờ bán hàng có phần oái oăm của chủ quầy.

"Quan trọng nhất là nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của cả nhà. Nếu không có anh xã giúp đỡ, chắc mình đã phải bỏ cuộc từ lâu. Lắm hôm vợ bận kiểm hàng, tiếp khách, chồng còn phải làm file thuyết trình hộ nữa cơ đấy", chị Phương tâm sự.

Thứ Năm, 30/07/2009 12:31
31 👨 3.735
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp