Các nhà khoa học đến từ Đại học Penn State (Hoa Kỳ) vừa phát triển thành công phương pháp mới để theo dõi hoạt động não bằng điện cực EEG dạng sợi tóc. Thay vì sử dụng điện cực kim loại cồng kềnh, dây dẫn và gel dính truyền thống, thiết bị nhẹ, linh hoạt này bám trực tiếp vào da đầu, giúp việc theo dõi dài hạn trở nên dễ dàng và thoải mái hơn.
Ứng dụng trong y tế
EEG là công cụ thiết yếu để chẩn đoán động kinh, rối loạn giấc ngủ và chấn thương não. Tuy nhiên, hệ thống EEG tiêu chuẩn thường gây khó chịu khi đeo lâu do kích thước lớn và gel dính. Nhóm nghiên cứu tại Penn State tạo ra điện cực có thể dính trực tiếp lên da đầu mà không cần chuẩn bị da hay gel, nhờ thiết kế mô phỏng cấu trúc sợi tóc.
Trong nghiên cứu đăng trên NPC Biomedical Innovations, điện cực "dán và dùng ngay" này cho kết quả đọc EEG chất lượng cao liên tục hơn 24 giờ mà không suy giảm tín hiệu. Thiết bị cũng duy trì độ bám chắc và hiệu suất ổn định sau 100 chu kỳ chuyển động, đồng thời gần như "tàng hình" nhờ thiết kế giống tóc người.
Các điện cực kim loại truyền thống dùng gel điện giải thường gặp vấn đề như khô gel, nhiễu tín hiệu do tóc hoặc cử động. Điện cực dạng tóc mới khắc phục hiệu quả nhược điểm này nhờ vật liệu linh hoạt và chất kết dính sinh học mạnh, đảm bảo tiếp xúc ổn định ngay cả khi người dùng di chuyển.


Giáo sư Tao Zhou, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Thiết bị này giúp theo dõi tín hiệu EEG nhất quán và đáng tin cậy hơn, đồng thời không gây chú ý khi đeo — cải thiện cả chức năng lẫn trải nghiệm bệnh nhân."
Ngoài y tế, công nghệ này có thể ứng dụng trong thiết bị theo dõi sức khỏe người dùng, cho phép nghiên cứu hoạt động não trong môi trường thực tế mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt. Với ưu điểm nhỏ gọn, thoải mái và độ bền cao, điện cực dạng tóc hứa hẹn cách mạng hóa lĩnh vực giám sát thần kinh.