35% các dự án về chính phủ điện tử (CPĐT) trên thế giới bị phá sản hoàn toàn và 50% không đáp ứng được mục tiêu đề ra, Tiến sĩ James S.L. Yong, Giám đốc Các chương trình khu vực công tại Đông Nam Á của Cisco, cho biết tại hội nghị chuyên đề (CPĐT) 2007 tại TPHCM hôm 5/12/2007.
Brunei bắt đầu hoạch định các dự án cho CPĐT từ năm 2000, nhưng một số dự án phải dừng lại hoàn toàn vì chính phủ quyết định không thể tiếp tục được nữa, ông Yong đưa ra ví dụ.
Chính phủ điện tử Việt Nam đang nằm ở đâu?
Theo xếp hạng của Brown University Study, hạng CPĐT của Việt Nam tăng từ 126 năm 2006 lên 90 trong năm 2007.
Đó là một tín hiệu đáng mừng. Trên bình diện địa phương có thể xem là một thành công. Tuy nhiên, xét ở góc độ quốc gia, chúng ta phải nhìn nhận trong suốt 10 năm qua, đó là một thất bại cay đắng, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà nói.
Kế hoạch cho CPĐT được khởi động từ năm 1998 với kế hoạch xây dựng 6 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia mang tên IT2000. Dự kiến đề án “Tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước” gọi tắt là đề án 112 sẽ là quá trình tiếp theo để tích hợp các CSDL trên. Tuy nhiên, bắt đầu bằng việc một số nghiên cứu khả thi được tiến hành từ năm 1998 bị dừng lại và tiếp theo đó là sự thất bại của đề án 112.
“Việc hình thành 6 CSDL quốc gia coi như bị phá sản hoàn toàn”, Tiến sĩ Đào Đình Khả, Giám đốc Cục Ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Ông Khả lý giải thất bại của các CSDL quốc gia vào lúc đó là do hoạch định thiếu thực tế, thiếu tiền và tư duy công nghệ lỗi thời.
Theo ông Lê Mạnh Hà, giai đoạn từ 1998 đến 2001 là giai đoạn ứng dụng CNTT vào cơ quan chính phủ một cách tự phát. Do nhu cầu xử lý nhiều công việc nên mỗi nơi ứng dụng CNTT theo nhu cầu riêng của từng nơi. “Từ đây mô hình G2E (Government to Employees) được hình thành làm tiền đề cho xây dựng CPĐT tại TP.HCM”, ông Hà nhận xét.
Đến tháng 9 năm 2007, 2/3 số doanh nghiệp phải đến Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM nộp đơn bằng tay. (Ảnh: VNN) |
Đây là thời điểm đề án 112 ra đời mang nhiều tranh cãi vì mang nhiều mục tiêu quá lớn, ví dụ như cuối năm 2005 sẽ đưa hầu hết các dịch vụ công thành dịch vụ trực tuyến, đạt trình độ ngang khu vực.
“Đề án 112 tuy có những bất cập nhưng thực sự là một đề án lớn để tạo bước đột phá trong tiến trình xây dựng CPĐT ở Việt nam. Tuy nhiên, đến cuối năm 2004, TP.HCM đã quyết định triển khai CPĐT theo cách riêng của mình”, ông Hà nói.
Ông Hoàng Quốc Lập, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông nói, không có người dân điện tử, không có doanh nghiệp điện tử thì không thể xây dựng được CPĐT.
Sự phát triển kinh tế không đồng đều ở các địa phương cũng là nguyên nhân khiến quá trình xây dựng CPĐT ở từng địa phương cũng khác nhau.
Nhiều địa phương cũng xây dựng trang web cho các ban ngành rầm rộ, nhưng không tạo được ứng dụng trên nền tảng đó mà chỉ là những trang web có tính chất giới thiệu chứ không mang tính chất một cổng thông tin.
Chỉ tiêu chấm điểm về CPĐT của Brown University Study lại bao gồm số lượng trang web của chính phủ sở tại. Đó cũng là một nguyên nhân giúp cho CPĐT của Việt Nam tăng bậc nhưng lại thiếu những ứng dụng cụ thể.
Bà Lim Hooi Ling, phụ trách eGovernment Leadership của Singapore cũng phát biểu tại hội nghị eGovernment 2007 về những kinh nghiệm xây dựng CPĐT tại Singapore: "Rất khó có thể đòi hỏi Việt Nam áp dụng CPĐT như tại Singapore được vì nước chúng tôi chỉ bằng một tỉnh lỵ của Việt Nam".
Cơ sở dữ liệu quốc gia xây dựng từ đâu?
Tiến sĩ James S.L. Yong cho biết, thông thường cải cách hành chính phải đi trước một bước, tạo ra qui trình chuẩn rồi mới đưa CNTT vào. Cơ sở dữ liệu nên được xây dựng từ trên cao xuống thấp. Chính phủ phải hoạch định rõ ràng các tiêu chuẩn, định dạng và cấu trúc chuyển đổi để các địa phương tự xây dựng CSDL cho riêng mình. Sau đó, mới tiến hành lọc và tích hợp thành CSDL quốc gia.
Khi VietNamNet đặt câu hỏi là “liệu có thể làm ngược lại như ở Việt Nam hay không, hay phải bỏ toàn bộ làm theo chuẩn của Chính phủ?”, ông Yong trả lời: “Việt Nam không phải là ngoại lệ. Vấn đề là mất thêm thời gian và tiền bạc thôi. Công nghệ có thể giải quyết được vấn đề này".
Tiến sĩ Đào Đình Khả, người đang dẫn đầu nhóm nghiên cứu quy hoạch CSDL quốc gia, cũng thừa nhận thực tế hiện nay sẽ chọn phương án tích hợp các CSDL từ các địa phương và sử dụng proxy để lọc dữ liệu cho thích hợp với yêu cầu của CSDL quốc gia.
“Tích hợp nhưng bảo đảm được sự độc lập cho các CSDL địa phương”, ông Khả nói.
Ông Khả cho hay, đề án chỉ chờ Bộ Thông tin và Truyền thông duyệt lần cuối trước khi đệ trình Chính phủ thông qua.
Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà cũng ủng hộ giải pháp này. Ông nói: “Tôi nghĩ, CSDL quốc gia tương lai sẽ sử dụng được các CSDL của chúng tôi sẵn có và Chính phủ sẽ tập trung ứng dụng CPĐT vào một vài nơi thí điểm chứ không làm dàn trải”.
Ông Hoàng Quốc Lập xác nhận là lần này sẽ ứng dụng CPĐT vào diện hẹp trước. Nếu thành công, sẽ nhân rộng ở các địa phương khác.
Đề án lần này tập trung xây dựng 4 CSDL quốc gia bao gồm: dữ liệu công dân; dữ liệu đầu tư, tài chính và kinh doanh; dữ liệu địa chính và dữ liệu tư pháp. Mỗi CSDL sẽ do nhiều bộ phối hợp thực hiện. Ví dụ như dữ liệu công dân sẽ do Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện.
Tuy nhiên, khi được hỏi là “việc xây dựng CSDL quốc gia lần này có gì nổi bật hơn so với cách đây 10 năm khi kế hoạch 6 CSDL quốc gia đã chết từ trong trứng nước?”, ông Khả nói: “Có 2 điểm hơn, đó là: việc phát triển CSDL quốc gia đã được đề cập trong luật CNTT và Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông đảm trách công việc xây dựng CSDL quốc gia".
Chính phủ điện tử có cần marketing hay không?
Bà Lim Hooi Ling, phụ trách eGovernment Leadership của Singapore nói: “Nếu không có marketing, thì coi chừng CPĐT sẽ thất bại nặng nề vì người dân không biết sử dụng thế nào hoặc không biết có dịch vụ đó”.
Bà Lim minh họa bằng dịch vụ One Motoring Portal của Singapore về cung cấp thông tin giao thông cho người lái xe và cho phép đóng phạt qua mạng. Trước đây, chính bản thân bà Lim cũng không biết bà có thể đóng phạt giao thông qua mạng nên phải mất cả ngày cho việc này.
Tiến sĩ Yong xếp công việc marketing cho CPĐT mang tầm quan trọng ngang bằng với việc hoạch định và triển khai CPĐT. Ông nói: “Phải tốn thời gian và tiền để quảng bá, hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng dịch vụ của CPĐT. Người ta phải biết muốn làm cái gì thì bắt đầu từ đâu”.
Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho phép doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng từ đầu năm 2007, nhưng đến tháng 9 năm 2007 vẫn còn 2/3 số doanh nghiệp phải đến Sở nộp đơn bằng tay.
Trong bài phát biểu tại hội nghị CPĐT 2007, ông Hoàng Quốc Lập đã trích lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Lê Doãn Hợp: “Việt Nam có CPĐT sớm ngày nào thì sẽ cất cánh sớm ngày đó”.
Doanh Anh