Chỉ số về Chính phủ điện tử Việt Nam: Mừng và lo!

Trong lời phát biểu của mình tại Hội thảo Chính phủ điện tử vừa khai mạc sáng nay tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Vũ Đức Đam đã chia sẻ cùng đông đảo các đại biểu tham dự về điều mừng và lo trong những bước phát triển của ngành CNTT Việt Nam nói chung và mô hình Chính phủ điện tử nói riêng.

Theo Thứ trưởng, thời gian vừa qua, thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý, hàng loạt các luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử... và gần đây là sư kiện đã được bàn tới rất nhiều khi kết thúc giai đoạn I dự án Tin học hoá trong quản lý hành chính nhà nước dù còn nhiều hạn chế và thời gian tới cần có những chương trình triển khai tiếp theo đúng xu thế hơn nhưng CNTT Việt Nam đang có những bước tiến bộ rất lớn. Vừa qua những người làm CNTT Việt Nam đã vui mừng khi hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam đã tăng vọt từ vị trí 126 lên 90. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, đứng thứ 90 trên thế giới vẫn thể hiện năng lực về Chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Hội thảo đã thu hút rất đông các chuyên gia CNTT của các Bộ, ngành của Việt Nam tham dự. Ảnh: Thuỷ Nguyên

Rồi gần đây giới báo chí cũng đã nêu có một số tổ chức công bố năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 61/64 nền kinh tế, đây cũng là tín hiệu có thể nói đáng mừng với lý do Việt Nam là quốc gia đã được đưa vào danh sách xếp hạng, nhưng cũng đáng lo vì vẫn còn ở vị trí gần như thấp nhất.

Mừng - lo được đan xen lẫn lộn và chúng ta hiểu rằng để xây dựng được Chính phủ điện tử ở Việt Nam, phía trước còn nhiều việc phải làm. Theo Thứ trưởng Vũ Đức Đam, định hướng về phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam rất tốt song cần phải có kế hoạch triển khai bằng những hành động, việc làm cụ thể. Quá trình xây dựng mô hình Chính phủ điện tử ở Việt Nam rất cần học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước trên thế giới, việc xây dựng Chính phủ điện tử là một quá trình lâu dài chứ không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.

Ngay cả trên thế giới cũng còn có những mô hình thành công, có những quốc gia được coi là tạm thời thành công khi xây dựng Chính phủ điện tử và cũng có những quốc gia đã gặp thất bại. Các dự án triển khai mà chúng ta quen gọi là Chính phủ điện tử trên thế giới cũng chỉ có khoảng 30% là thành công, còn lại kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Và đây cũng chính là mục đích chính của buổi hội thảo về Chính phủ điện tử này. Qua những bài phát biểu của các chuyên gia thế giới như Giám đốc điều hành Government Insights, bà Teresa Bozelly với chuyên đề: "Lãnh đạo nhà nước: Xu hướng, quan niệm sáng tạo và công nghệ chuyển đổi", bài phát biểu của Giám đốc Government Insights khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ông Raphael Phang về "Chiến lược phát triển - Định hướng phát triển Chính phủ điện tử", chuyên đề "Giảm thiểu rủi ro trong môi trường truy vấn dữ liệu: Mức độ sẵn sàng, tính tương thích và khả năng dự báo trong kiến trúc trung tâm dữ liệu thế hệ mới" của chuyên gia giải pháp tổng thể APC MGE khu vực Châu Á - Thái Bình Dương... Việt Nam sẽ có cơ hội tốt để lắng nghe ý kiến, học tập kinh nghiệm nhằm ứng dụng cho chính mình.

Tại buổi hội thảo, Việt Nam cũng đã tham gia chia sẻ thông tin với chuyên đề: "Tích hợp CNTT và Truyền thông trong việc xây dựng chính sách và hoạch định kế hoạch của Chính phủ Việt Nam" do Viện trưởng Viện chiến lược CNTT và Truyền thông Bộ TT&TT Trần Minh Tiến trình bày.

Thuỷ Nguyên

Thứ Sáu, 24/08/2007 15:04
31 👨 163
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp