Châu Âu tăng cường lên “đám mây”

Luật quy định về dữ liệu riêng tư của Liên hiệp châu Âu (EU) cấm việc chuyển giao thông tin về các công dân thuộc 27 quốc gia thành viên EU ra bên ngoài khối này. Bất chấp rào cản pháp lý này nhiều công ty ở châu Âu sử dụng các trung tâm dữ liệu dựa trên nền tảng điện toán đám mây để tiết kiệm chi phí và xu hướng này đang phát triển.

Châu Âu tăng cường lên “đám mây”
Công ty Shutl của ông Tom Allason thuộc số ngày càng nhiều doanh nghiệp ở châu Âu sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Khi công ty chuyển phát nhanh Shutl, trụ sở ở London (Anh), quyết định thành lập một bộ phận chỉ hoạt động trên đám mây, họ cần phải sáng tạo. Lý do, tổ chức Liên hiệp châu Âu (EU) cấm việc chuyển giao thông tin về các công dân thuộc 27 nước thành viên EU ra bên ngoài khối này. Luật này đã ngăn cản nhiều công ty ở châu Âu tiếp cận với các trung tâm dữ liệu đám mây, nơi dữ liệu có thể được lưu trữ trên máy chủ ở châu Á, Mỹ hoặc những nơi khác với mức phí thấp hơn so với việc lưu trữ trên máy chủ nội bộ.

Tiết kiệm chi phí

Bất chấp rào cản pháp lý nói trên, Shutl hiện là một trong những công ty sử dụng công nghệ điện toán đám mây tích cực nhất ở châu Âu. Công ty hai năm tuổi này đã thực hiện hơn 1.000 đợt giao hàng mỗi ngày trên một mạng điện toán đám mây được điều hành bởi tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon.com (Mỹ). Là một trong những nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới, Amazon.com đã vượt qua rào cản pháp lý của EU bằng cách lập một trung tâm dữ liệu ở Dublin (Ireland) để phục vụ cho khách hàng châu Âu. Trung tâm này giúp xử lý các giao dịch giữa Shutl và những doanh nghiệp châu Âu khác, như công ty đường sắt SNCF (Pháp) và ngân hàng Bankinter (Tây Ban Nha).

Câu chuyện của Shutl là một minh chứng về sự phát triển của điện toán đám mây ở châu Âu. Theo công ty nghiên cứu Gartner, doanh thu hằng năm của dịch vụ đám mây ở châu Âu sẽ tăng 4,3% lên 20,51 tỉ euro vào năm 2015, so với mức 17,18 tỉ euro trong năm nay. Mức doanh thu này vẫn còn thấp hơn nhiều so với Bắc Mỹ, nơi ba nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu Amazon, Salesforce.com và Microsoft đang dẫn đầu một ngành công nghiệp dự kiến tạo ra 41,72 tỉ euro doanh thu trong năm nay.

Dù vậy, việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn ở châu Âu (Shutl, Cơ quan Không gian châu Âu, Viện Fraunhofer của Đức…) sẵn sàng sử dụng điện toán đám mây là một tín hiệu tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ này. Ông Adam Selipsky, Phó chủ tịch bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Services của Amazon.com, nhận định: "Dù gặp nhiều thách thức, xu hướng điện toán đám mây vẫn đang phát triển ở châu Âu".

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, tiết kiệm chi phí là sức hút lớn nhất của điện toán đám mây. Ông Tom Allason, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Shutl, cho biết nhờ sử dụng các dịch vụ đám mây của Amazon, ông không cần phải chi ít nhất 100.000 euro để thiết lập một hệ thống điện toán nội bộ. Thay vào đó, ông dùng số tiền này để mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty. Về phần mình, ông Selipsky nói rằng các khách hàng của Amazon.com thường tiết kiệm từ 25% đến 30% chi phí bằng cách sử dụng mạng điện toán đám mây toàn cầu của mình thay vì duy trì các hệ thống điện toán của riêng mình. Amazon.com cho phép khách hàng lưu trữ thông tin của họ tại bất kỳ trung tâm dữ liệu nào của công ty trên thế giới.

Vượt qua rào cản pháp lý

Doanh nghiệp EU đang nỗ lực lên đám mây bất chấp sự phức tạp của những đạo luật bảo vệ dữ liệu của khối. Bên cạnh việc cấm chuyển giao dữ liệu về công dân EU ra bên ngoài, khối này còn phân chia thông tin riêng tư thành nhiều loại khác nhau và kèm theo đó là những cách thức xử lý chúng. Điều này gây ra cơn đau đầu pháp lý cho việc xây dựng các tiêu chuẩn làm hài lòng tất cả các nước thành viên.

Đó là lý do các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, trong đó có cả những công ty mới gia nhập lĩnh vực này như Oracle, SAP, Apple, Google…, đang vận động việc chỉnh sửa những đạo luật bảo vệ dữ liệu được EU thông qua vào năm 1995. Ông Ron Zink, người phụ trách các vấn đề về EU ở Microsoft, nhận định rằng những quy định nói trên là quá cứng nhắc để đáp ứng những dòng chảy của dữ liệu hiện nay. Ông nói: "Điện toán đám mây thực sự là một cách thức có hiệu quả và ít tốn kém để có được nhiều sức mạnh điện toán và không gian lưu trữ dữ liệu hơn mà không cần phải mua nhiều thiết bị". Cũng như Amazon, Microsoft có một trung tâm dữ liệu cho các khách hàng châu Âu tại Dublin.

Karl Deacon, Giám đốc công nghệ tại Capgemini, một công ty Pháp hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề công nghệ, nói rằng châu Âu cần sửa đổi quy định để cho phép thêm nhiều công ty công nghệ châu lục này bán các dịch vụ đám mây vì hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ này hiện đều đóng tại Mỹ. Ông Deacon nói thêm rằng những tổ chức tiêu chuẩn như Liên minh trung tâm dữ liệu mở (một nhóm phát triển nền tảng chuẩn mở cho trung tâm dữ liệu đám mây) có thể giúp các công ty châu Âu xâm nhập vào thị trường này.

Trước những lời kêu gọi nói trên, các nhà lập pháp EU đã đồng ý xem xét lại những đạo luật bảo vệ dữ liệu của họ. Bà Viviane Reding, quan chức EU giám sát việc chỉnh sửa luật nói trên, dự kiến sẽ đưa ra những đề xuất vào mùa thu này để được xem xét thông qua trong năm tới. Bà Reding thừa nhận rằng các đạo luật bảo vệ dữ liệu riêng tư của EU hiện đã lỗi thời so với những biến đổi của kỷ nguyên Internet.

Trong lúc chờ đợi luật lệ được chỉnh sửa, các công ty như Amazon.com và Microsoft sẽ tiếp tục mở các trung tâm dữ liệu tại châu Âu để tuân thủ luật pháp hiện hành. Điều này có thể giúp thúc đẩy doanh số tại châu Âu nhưng cũng có thể làm gia tăng chi phí hoạt động, đồng thời gây ra không ít thách thức cho những nhà cung cấp nhỏ hơn, như công ty Newtek Business Services, có trụ sở tại New York (Mỹ). Dù vậy, Barry Sloane, giám đốc điều hành công ty này, vẫn tin vào tương lai của điện toán đám mây ở châu Âu. Ông nhận định: "Đám mây đang lan rộng ra toàn cầu. Mô hình này không những có hiệu quả mà còn giúp tiết kiệm chi phí. Tiền bạc chính là động lực thúc đẩy lớn nhất hiện nay".

Thứ Sáu, 30/09/2011 08:10
31 👨 142
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp