Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta chẳng còn xa lạ gì, hay ít nhất cũng đã từng nghe nói đến bệnh viêm tai giữa. Viêm tai, hay nhiễm trùng tai là một trong những vấn đề sức khỏe thường hay gặp phải đối với trẻ em. Trong đó, viêm tai giữa nổi lên như một chứng bệnh phổ biến nhất đối với trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Nghiên cứu của bệnh viện Lucile Packard Children tại Stanford, Hoa Kỳ đã cho thấy hầu hết những đứa trẻ đều bị viêm tai ít nhất một lần (lên đến 80% ) cho đến năm 3 tuổi. Viêm tai giữa thường là nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus ảnh hưởng đến tai giữa. Viêm tai giữa thường gây đau do viêm và tích tụ dịch ở tai giữa và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí điếc hoàn toàn nếu tái phát nhiều lần mà không được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Như vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm tai cần được thực hiện nhanh chóng và triệt để. Tại các bệnh viện hiện nay, việc chẩn đoán viêm tai nói chung khá đơn giản và nhanh chóng với chi phí không quá đắt đỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển kì diệu của khoa học công nghệ như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tự chẩn đoán bệnh viêm tai giữa cho trẻ tại nhà thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh đặc biệt, vừa tiện lợi, nhanh chóng, lại giúp tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn đảm bảo có độ chính xác tương đương nếu không muốn nói là cao hơn cả thiết bị y tế chuyên dụng (trong một vài tình huống).
Theo đó, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Hoa Kỳ mới đây đã phát triển thành công một ứng dụng điện thoại thông minh, cho phép các bậc cha mẹ có thể dễ dàng tự phát hiện bệnh viêm tai cho con mình ở nhà. Điểm mạnh của ứng dụng này đó là không cần phải đi kèm với trang thiết bị cồng kềnh như ở tại phòng khám, mà chỉ yêu cầu sử dụng thêm một vài vật dụng đơn giản có sẵn trong gia đình - kéo, giấy và băng dính - tạo thành một cái phễu nhỏ để đặt trong tai. Ứng dụng sẽ sử dụng loa và microphone của điện thoại thông minh, phát âm thanh vào bên trong tai thông qua phễu giấy và thu lại sóng phản xạ tương tự như máy đo chuyên dụng tại phòng khám.
Cách thức vận hành cụ thể của ứng dụng được mô tả như sau:
Đầu tiên, bạn hướng phễu vào ống tai để tập trung âm thanh. Ứng dụng sau đó sẽ phát ra một loại sóng âm đặc biệt, nghe gần giống như tiếng chim kêu, ở nhiều cường độ khác nhau. Tiếp theo, các sóng âm phản xạ tiếp tục giao thoa với những sóng phát ra từ loa điện thoại, micro trên thiết bị sẽ nhận diện và thụ lại sóng âm thanh dội ra khỏi màng nhĩ để ứng dụng phân tích.
Ứng dụng sẽ phân tích tiếng vang đó, nếu màng nhĩ của trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, không bị viêm, tiếng vang thu được sẽ là một rung động phổ rộng. Trái lại, mủ hoặc chất lỏng bị nhiễm trùng sẽ làm thay đổi tính di động của màng nhĩ và từ đó, khiến âm thanh phản xạ trở nên bất thường. Sau khi quá trình phân tích hoàn tất, ứng dụng sẽ gửi cho bạn một văn bản cho biết rõ tình trạng cụ thế của màng nhĩ, nhằm xác định xem có sự xuất hiện của dịch viêm nhiễm hay không - đây là một yếu tố quan trong, cùng với các triệu chứng khác, có thể được sử dụng để chẩn đoán tình trạng bệnh viêm tai giữa với độ chính xác cao.
Các nhà nghiên cứu đã công bố báo cáo của họ về ứng dụng này - với tên gọi EarHealth - vào thứ tư tuần trước trên tạp chí Science Translational Medicine.
Hiện ứng dụng EarHealth đang được sử dụng thử nghiệm với 2 nhóm trẻ em ở Mỹ. Một nửa trong số đó đã được đưa vào Bệnh viện Trẻ em Seattle phẫu thuật để loại bỏ dịch tai tích tụ, trong khi các em con lại đã được chẩn đoán hoàn toàn bình thường và đang thực hiện các thủ tục y tế có liên quan. Thử nghiệm thực tế này đã cho thấy ứng dụng có thể phát hiện dịch viêm nhiễm nguy hiểm trong tai của bệnh nhân với độ chính xác lên đến 85% - một con số cực kỳ ấn tượng, không thua kém gì so với các thử nghiệm từ những hệ thống máy móc hiện đại tại bệnh viện, lưu ý rằng việc phát hiện dịch tai giữa khá phức tạp.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm ứng dụng trên các em bé trong độ tuổi từ 9 đến 18 tháng tuổi - nhóm tuổi có nguy cơ nhiễm trùng tai giữa cao nhất. Kết quả là EarHealth cho chẩn đoán chính xác trên cả 15 em bé tham gia thử nghiệm.
"Có một diều thực sự độc đáo về nghiên cứu này là chúng tôi đã sử dụng tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán nhiễm trùng tai. Trên thực tế, các công cụ sàng lọc hiện nay dù là tiên tiến đến mấy cũng vẫn không dễ gì có thể phát hiện được dịch mủ xuất hiện đối với những trường hợp viêm tai giữa. Thay vào đó, cách duy nhất để bạn có thể chắc chắn 100% là phẫu thuật, rạch vào màng nhĩ và hút dịch mủ ra ngoài. Những ca phẫu thuật kiểu này đã truyền cảm hứng cho nghiên cứu của chúng tôi”, Tiến sĩ Sharat Raju, bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa tai mũi họng tại Trường Y khoa UW, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết.
Với mục tiêu khuyến khích cha mẹ sử dụng công nghệ tại nhà, các nhà nghiên cứu cũng đã hướng dẫn cho phụ huynh cách sử dụng hệ thống này sao cho thật chuẩn xác để đem lại hiệu quả cao nhất. Nếu làm đúng theo hướng dẫn, các bậc phụ huynh cũng có thể việc phát hiện hiện tượng viêm nhiễm bất thường trong tai trẻ với tỷ lệ thành công gần như tương đương với các bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện.
Nhóm phát triển hy vọng ứng dụng này có thể được sử dụng rộng rãi trong tương lai, giúp các bậc phụ huynh có thể tiết kiệm được đáng kể chi phí cũng như công sức, và quan trọng là phát hiện kịp thời bệnh viêm tai ở con mình. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và không cần đến bệnh viện khi không cần thiết.
Triển vọng của EarHealth là rất lớn. Ứng dụng này hoàn toàn có thể được sử dụng tại một số nước kém phát triển, cũng như các khu vực vùng sâu vùng xa không có điều kiện lắp đặt máy móc y tế hiện đại, hỗ trợ các bác sĩ ở đây chẩn đoán tốt hơn nhiều so với việc chỉ sử dụng mắt thường như hiện tại.
Hiện nhóm nghiên cứu EarHealth đã được Quỹ khoa học quốc gia và Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ trao tiền thưởng. Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng đã nộp đơn cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để cấp phép và thông qua ứng dụng EarHealth như một thiết bị y tế chuyên sâu.