Câu chuyện lạ lùng về việc Google tham gia vào mảng thực tế ảo

Cardboard là một thiết bị rất đặc biệt của Google. Nó là một tấm bìa carton có thể xếp thành một chiếc kính thực tế ảo (VR), người dùng chỉ cần nhét smartphone của mình vào là đã có thể trải nghiệm nội dung VR.

Jump: máy quay phim thực tế ảo của Google và GoPro

Cardboard lần đầu tiên xuất hiện hồi năm ngoái như một món đồ tặng kèm cho những ai tham dự hội nghị Google I/O 2014, sau đó được phân phối rộng rãi dưới dạng bản vẽ kĩ thuật để ai cũng có thể tự mình làm ra một chiếc kính tương tự. Và phía sau sự ra đời của Cardboard là cả một câu chuyện thú vị, từ một dự án mà nhân viên Google chỉ dành 20% thời gian phát triển đã biến thành một nhóm riêng có vai trò quan trọng cho tương lai của Google.

Mọi chuyện bắt đầu…

David Coz là nhân viên của Google Pháp, tuy nhiên anh rất muốn đến làm ở ngay trụ sở chính của công ty tại Thung lũng Silicon.

Mùa xuân năm ngoái, Coz đáp máy bay đến thẳng trụ sở này với hi vọng rằng anh có thể nói chuyện với ai đó có thể lắng nghe về dự án mới nhất của anh. Coz nhớ lại: “Tôi đến với một nguyên mẫu và một cái túi xách. Tôi đã gặp khoảng 10 hay 15 người gì đó”. Và một trong số họ là Christian Plagemann, một nhà khoa học của Google chịu trách nhiệm tìm ra những cách giúp người dùng giao tiếp với thiết bị theo những cách mới. Trước đó Plagemann và Coz chưa từng gặp nhau, thế nhưng Coz vẫn đưa cho Plagemann coi một chiếc kính thực tế ảo làm từ bìa carton (Google Cardboard) do anh và nhóm của mình làm ra.

Plagemann ngay lập tức tỏ ra vô cùng hứng thú. “David cho tôi xem cái hộp carton đó, và tôi nghĩ nó thật sự rất kinh ngạc”. Thế rồi anh bắt đầu cầm sản phẩm ngộ nghĩnh này đến những người có chức lớn ở Google, trong đó có cả CEO Larry Page cũng như phó chủ tịch kĩ thuật Sundar Pichai. “Tôi thuyết phục Coz để lại cho tôi một cái, sau đó anh ấy bay trở về Paris. Còn tôi thì bắt đầu cho mọi người xem về chiếc kính này”.

Chỉ 2 tháng sau, Pichai giới thiệu dự án thực tế ảo mới tại hội nghị thường niên Google I/O 2014. Khi kết thúc bài thuyết trình, lúc người tham dự đi ra khỏi khán phòng, mỗi người được phát cho một tấm carton kì lạ. Không kỳ lạ sao được khi mà một buổi nói chuyện toàn về công nghệ cao, về smartphone, máy tính, web, lại đi tặng quà lưu niệm là một tấm carton. Thế nhưng, chính sản phẩm “công nghệ thấp” này đã tạo ra động lực để Google nghiên cứu một mảng mới vô cùng tiềm năng, song song đó mang lại chỗ đứng cho Google trong thị trường thực tế ảo với chi phí cực kì thấp.

Mọi người đang trải nghiệm Google Cardboard

Thế rồi Coz và nhóm của mình đã đạt được ước mơ làm việc ở trụ sở chính của Google. Anh, Plagemann cùng một số kĩ sư khác giờ đang làm việc trong nhóm Google VR, và theo họ mô tả thì nhóm này “lớn hơn so với những gì mọi người nghĩ”. Hồi tháng 12 năm ngoái nhóm này còn có thêm sự góp mặt của nhiều chuyên gia về hình ảnh 3D được dẫn đầu bởi Steve Seitz, một giáo sư ở Đại học Washington từng tham gia phát triển ứng dụng quét ảnh Photosynth của Microsoft. Sau này John Wiley, người chịu trách nhiệm về thiết kế giao diện của Google Search, cũng góp mặt vào nhóm. Giờ thì đội ngũ này đã bắt đầu nghiên cứu những kĩ thuật thực tế ảo phức tạp hơn để giúp Google cạnh tranh với Facebook, Microsoft trong thời gian tới.

Chỉ mới 5 tuần trước nhóm Google VR cũng đã ra mắt một hệ thống camera bao gồm 16 chiếc có khả năng quay video 360 độ. Ngoài ra, hãng còn phát triển một phần mềm để biến những đoạn video này thành thứ có thể xem được trong không gian thực tế ảo với cảm giác hòa nhập rất cao. Đây gọi là nền tảng Jump VR, và GoPro sẽ bắt đầu cung cấp một số thiết bị dùng cho nền tảng này ngay trong mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, tất cả những thứ nói trên chỉ mới là bước khởi đầu mà thôi. Google đang nhắm đến một thứ còn lớn hơn. “Chúng tôi có những tham vọng vượt xa khỏi biên giới của Google Cardboard. Vẫn còn rất nhiều trò để làm”, Clay Bavor - người đứng đầu nhóm VR - cho hay.

Jump, máy quay phim thực tế ảo

Những dự án 20%

Sự “trỗi dậy” của Google Cardboard vô tình lại phản ánh cách thức mà Google hoạt động, một cách thức rất lạ thường. Ở Paris, Coz và đồng nghiệp của mình làm ở một bộ phận gọi là Viện văn hóa Google, nơi họ tìm cách cũng như giúp đỡ các bảo tàng và những học viện, viện nghiên cứu đưa các tác phẩm nghệ thuật lên mạng. Trong môi trường như thế, những dự án như Cardboard không phải là ưu tiên hàng đầu của nhân viên nơi đây, họ chỉ dành 1 ngày mỗi tuần (tức là 20% trong tổng số 5 ngày làm việc) cho chúng mà thôi. Chính vì vậy mà Cardboard ban đầu được gọi là “dự án 20 phần trăm”.

Thế mà cái dự án 20% ấy lại trở thành một thứ vô cùng quan trọng với tương lai của Google, thậm chí nó còn được nhắc đến và phát cho hàng nghìn lập trình viên đổ về tham dự Google I/O. Đây chính là cái lạ thường trong cách hoạt động của hãng. Mọi thứ tưởng như không quan trọng đều có thể trở thành thứ chủ chốt vào một ngày nào đó, chính vì thế mà Google sẽ không bao giờ bỏ qua những ý tưởng nhỏ nhưng hữu ích như thế này. Hộp thư Gmail hay hệ thống quảng cáo AdSense cũng đều xuất thân từ những dự án 20% như thế này.

Quay trở lại với những ngày đầu làm, ý tưởng của Google Cardboard xuất phát từ việc nhóm của Coz được xem một đoạn video ngắn trên YouTube được quay từ một cái máy bay drone. Đoạn clip này đáng ra phải được xem trên một chiếc kính 3D đặc biệt, nhưng Coz lại không có cái kính đó trong tay. Về sau, nhóm nhận thấy rằng họ có thể xem những đoạn video tương tự như thế này nếu họ gắn thêm một thứ gì đó vào điện thoại. Coz nói: “bạn chỉ cần đảm bảo rằng điện thoại biết đầu bạn đang nhìn về hướng nào”. Thế rồi nhóm đưa ý tưởng này cho sếp của mình ở Paris như là một cách giúp sinh viên tham quan viện bảo tàng ảo.

Brian Blau, một nhà phân tích cho công ty nghiên cứu nổi tiếng Gartner, thì bình luận về Cardboard như sau: “Khi nó ra mắt hồi năm ngoái, nó giống như một cái tát cực mạnh vào mặt thế giới thực tế ảo - một cái tát vào những người nghĩ rằng VR phải là một thứ cao siêu gì đó.” Và giờ thì cái tát đó đã trở thành một thứ được Google đầu tư nghiêm túc, thậm chí còn cả một nhóm riêng nữa mà.

Những tên cuồng VR

Quay trở lại phần trên một tí xíu. Khi Plagemannn mang Cardboard cho những người có vai trò quan trọng trong Google xem, có ai đó đã gợi ý rằng anh nên mang nó đến Bavor. Bavor từng là phó chủ tịch quản lý sản phẩm, người chịu trách nhiệm về thiết kế giao diện của Gmail, Google Docs, Google Drive cũng như Google Apps. Và trong công ty, ông được biết đến như một tên “cuồng VR”,

Clay Bavor trên sân khấu giới thiệu về Google Cardboard​
Clay Bavor trên sân khấu giới thiệu về Google Cardboard​

Tôi đã thử nghiệm nhiều thứ về thực tế ảo và cảm giác hòa nhập cao độ. Làm thế nào mà bạn và tôi có thể nói chuyện nếu cả hai ta đang không cùng ở một nơi?”, Bavor nói. Đây chính là điều mà anh luôn trăn trở và luôn tìm tòi, thử nghiệm. Anh thậm chí còn tạo ra một ứng dụng thực tế ảo đầu tiên của mình từ năm 12 tuổi bằng cách sử dụng chương trình Hypercard của Google để tạo ra một tấm ảnh panorama chụp ngôi nhà của mình. “Thời đó không có kính. Nó là trải nghiệm thực tế ảo của một người nghèo. Nhưng đó cũng là thứ mà tôi thật sự nghĩ về rất nhiều”.

Dưới sự lãnh đạo của Bavor, nhóm đã biến Cardboard thành một thứ giờ đang được sử dụng bởi hàng triệu người, và Blau nói rằng chính yếu tố đó đã biến Cardboard thành thiết bị VR thành công nhất từ trước đến nay. Nếu bạn chưa biết thì Google có cung cấp rộng rãi bản vẽ của Cardboard, ai cũng có thể làm ra một chiếc kính thực tế ảo của riêng mình bằng cách xài bản vẽ này kết hợp với một cái máy cắt laser, vài tấm bìa carton và hai cái thấu kính. Nội dung thực tế ảo thì có thể tìm được khá nhiều trên mạng, từ app cho đến hình ảnh và cả video nữa.

Theo thời gian, dự án này tuyển thêm một số nhà thiết kế camera cũng như Seitz và nhóm của ông. Seitz vẫn tiếp tục công việc giảng dạy của mình ở Đại học Washington, nhưng ít người biết rằng 5 năm trước ông đã từng làm việc cho Google trong một nhóm chuyên về hình ảnh 3D. “Tôi được nói là hãy tới Google đi, sau đó tuyển bất kì ai mà tôi muốn và phát triển bất kì thứ gì tôi thích. Tôi đã thuê được một nhóm trong mơ”. Nhóm này từng làm ra một cộng cụ giúp lấy nét lại một tấm ảnh sau khi đã chụp, cũng như hệ thống hình ảnh 3D dùng trong Google Maps.

Đúng thời điểm

Cũng hay ở chỗ dự án Cardboard này ra đời ngay thời điểm Facebook bắt đầu nhảy vào thị trường VR bằng việc mua lại công ty khởi nghiệp Oculus. Tới cuối năm nay thì chiếc Rift của Oculus sẽ bắt đầu bán ra thị trường, nhưng tấm carton kì diệu của Google thì đã có mặt từ tận năm ngoái và thậm chí còn được nâng cấp lên phiên bản 2.0 trong năm nay nữa.

Mà Cardboard không chỉ dùng được cho thực tế ảo, nó còn có thể áp dụng cho các ứng dụng tăng cường thực tế ảo nữa (Augmented reality - AR). Nếu như VR sẽ mang bạn vào một thế giới hoàn toàn khác thì AR lại sử dụng chính hình ảnh của thế giới thực xung quanh bạn, có điều nó bổ sung thêm các lớp hình ảnh và nội dung chồng lên trên. Đây cũng là thứ mà Microsoft theo đuổi với dự án HoloLens của riêng họ, và nó có rất nhiều tiềm năng để khai thác: hiển thị thêm thông tin lúc đi mua sắm, các kĩ sư có thể thử nguyên mẫu ảo dễ dàng hơn, hay thậm chí đơn giản là dùng để xem phim.

Nói cách khác, Cardboard xuất hiện rất đúng lúc, bởi nó giúp Google cạnh tranh được với Facebook và Microsoft ngay lập tức. Ngay chính Coz cũng nhận xét như thế.

Kết

Vẫn còn phải mất một thời gian nữa thì Cardboard mới có thể được sử dụng hay bán rộng rãi cho người dùng thông thường. Tuy nhiên, thành thật mà nói thì những hạn chế về mặt thiết bị, giá cả cũng như nội dung thực tế ảo đang dần biến mất với tốc độ rất nhanh so với các năm trước, dọn đường rộng rãi cho cả thế giới tiến đến một tương lai VR tươi sáng. Chúng ta hãy chờ xem Google nói riêng và các công ty công nghệ nói chung sẽ mang đến những bất ngờ nào nữa trong mảng công nghệ đầy thú vị này nhé.

Thứ Ba, 09/06/2015 08:30
31 👨 212
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp