Có được những tấm hình sắc nét và rõ ràng trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ sớm trở thành hiện thực nhờ vào cảm biến ảnh mang tính đột phá của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học công nghệ Nanyang (Singapore).
Cảm biến này được làm từ graphit, được cho là sensor đầu tiên có khả năng nhận diện ánh sáng quang phổ rộng từ ánh sáng hữu hình tới bán hồng ngoại với độ nhạy cao gấp 1.000 lần hiện nay.
Không những thế, nó còn tiêu thụ năng lượng ít hơn 10 lần cũng như sẽ có chi phí sản xuất chỉ bằng 1/5 so với các cảm biến ảnh truyền thống. Nó cũng dễ dàng được ứng dụng bởi cảm biến mới giữ nguyên quy trình sản xuất hiện tại, trừ việc thay đổi chất liệu cơ bản sang graphit.
Cảm biến ảnh mới giúp chụp hình đẹp trong điều kiện thiếu sáng.
Sản phẩm của Đại học Nanyang tương thích với mọi camera như DSLR, máy ảnh compact hay cả camera thống kế và đo tốc độ của các phương tiện giao thông.
"Công trình của chúng tôi đã chứng minh rằng khả năng tạo ra những cảm biến ảnh linh hoạt, nhạy sáng cao, giá rẻ chỉ từ chất liệu graphit là hoàn toàn có thể. Chúng tôi hy vọng bước đột phá này sẽ có tác động lớn không chỉ đến nền nhiếp ảnh phổ thông mà cả ảnh vệ tinh...", Phó giáo sư Wang Qijie chia sẻ. Đội của ông đã dành hai năm nghiên cứu sensor và đã gửi đơn xin cấp bằng sáng chế cho phát minh này.