Trong khi Apple và Samsung tranh đấu để giành vị trí thống trị thị trường bằng các sản phẩm cạnh tranh và những vụ kiện liên hồi, các hãng điện tử Nhật Bản lại tìm thấy chính mình trong cuộc chiến ngày càng nguy hiểm để không bị quên lãng, và trong vài trường hợp, còn là để sống sót.
Chậm thích ứng với nhịp độ công nghệ thế giới
Những công ty như Sony, Panasonic và Sharp từng một thời điều khiển ngành công nghiệp, ở đẳng cấp cao hơn và bán chạy hơn hẳn đối thủ từ Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay họ lại đại diện cho tín hiệu đáng báo động nhất của các doanh nghiệp Nhật Bản qua hai thập kỉ chật vật thích ứng, thu hẹp quy mô và đổi mới.
Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản đang chao đảo, các công ty điện tử tiêu dùng nước này rơi tự do, không thể bắt kịp thế giới kĩ thuật số với smartphone và máy tính bảng. Họ thay đổi lãnh đạo, chứng kiến giá cổ phiếu xuống mức thấp nhất trong 10 năm và sa thải hàng loạt nhân công. Các công ty từng hái ra tiền từ tivi không thể trông đợi vào kinh doanh truyền thống và chuyển sang phát triển mọi thứ từ pin năng lượng mặt trời tới thiết bị y tế.
Họ vẫn sở hữu những thương hiệu nổi tiếng, các chuyên gia công nghệ vẫn nói họ sẽ sản xuất ra các thiết bị phần cứng chất lượng tốt nhất thế giới. Song họ đối mặt với vấn đề cơ bản: Đã hàng năm rồi họ chưa thể mang lại sản phẩm nào khiến mọi người thực sự cần.
Giới quan sát ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng xem đây là một thập kỉ của những bước sảy chân và tính toán sai. Các ông lớn Nhật Bản chỉ tập trung vào thiết bị độc lập như tivi, điện thoại và máy tính mà không bỏ công tìm tòi phần mềm và cách những thiết bị đồng bộ với nhau. Như một hệ quả, sản phẩm của họ không hoạt động hài hòa theo cách mà iPhone kết nối tự nhiên với laptop và kho ứng dụng số.
Mặt khác, các công ty Nhật đơn giản là quá chậm chạp trong việc biến công nghệ tiên tiến trở thành công nghệ khả dụng. Ví dụ, Sony sớm đưa ra công nghệ sách điện tử (ebook) song lại gặp khó khi cặp đôi với phần mềm trực giác hay kho sách dễ tải về. Các công ty cũng hoàn toàn bỏ lỡ làn sóng smartphone rồi để Apple, Samsung chiếm gần hết thị trường.
Ngay cả thế mạnh của các công ty Nhật cũng không thể phát huy tác dụng khi người tiêu dùng đã đánh mất thiện chí trả một khoản tiền lớn cho sản phẩm chất lượng. Sharp, Sony, Panasonic làm ra những tivi tốt nhất thế giới, song đối thủ từ Hàn Quốc như LG và Samsung lại tìm ra cách sản xuất sản phẩm vừa tốt vừa giá phải chăng.
Michael Gartenberg – chuyên gia của hãng nghiên cứu Gartner nhận định: “Trong quá khứ tồn tại một khoảng cách lớn giữa thứ tốt nhất và tốt nhì. Hiện tại, có lẽ vẫn còn một khoảng cách nhỏ giữa màn hình HD của Sony và LG, song phần lớn người tiêu dùng không nhận ra điều đó. Nếu họ không thể thấy, tức là không có khoảng cách nào cả”. Các công ty Nhật bận rộn che chở cho mô hình kinh doanh lỗi thời và dễ dàng bị vượt qua.
Rời xa hào quang quá khứ
Nhịp độ rắc rối ngày càng tăng nhanh. Trong 4 năm nay, Sony chưa có năm nào lãi, còn Panasonic lỗ 3 năm. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, giá trị thị trường của Sony, Panasonic và Sharp cộng lại là 32 tỉ USD, chỉ bằng 1/5 của Samsung và 1/20 của Apple.
Không công ty nào phải lo lắng hơn Sharp – hãng từng thống trị thị trường tivi LCD và hứa hẹn sẽ “tạo ra sản phẩm khiến người khác muốn bắt chước”. Từ năm 2008, doanh số LCD của Sharp đã giảm 39%. Chỉ vài tuần trước, Standard & Poor đã hạ xếp hạng tín dụng của công ty xuống mức báo động, thậm chí còn phải thế chấp thủ phủ tại Osaka để vay nợ.
Tháng 9/2012 đánh dấu 100 năm thành lập công ty, song Sharp lại dành cả tháng để đề nghị giảm 10% lương và sa thải 7% lao động. Công ty cũng vạch kế hoạch bán vài nhà máy ở nước ngoài. Trầm trọng hơn, vì đánh mất giá trị quá nhanh chóng – giá cổ phiếu giảm 70%, ban lãnh đạo đang gặp khó khăn trong việc giữ được khoản tiền bơm vào từ tập đoàn Hon Hai Đài Loan.
Tháng 3/2012, Hon Hai đồng ý mua lại 10% cổ phần của Sharp bằng cách mua lại cổ phiếu trị giá 864 triệu USD. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu giảm, Hon Hai yêu cầu thỏa thuận lại giao dịch. Nếu Hon Hai dùng 864 triệu USD này để mua cổ phần Sharp, tập đoàn sẽ kiểm soát 30% công ty Nhật.
Tình thế của các hãng công nghệ Nhật vô cùng nguy hiểm. Những năm gần đây chứng kiến họ thực hiện từng bước một, trong đó có cả việc sa thải lao động. Trong trường hợp của Sony, hãng phải bổ nhiệm một người nước ngoài lên điều hành. Tuy nhiên, bước đi quyết liệt nhất bây giờ mới bắt đầu hình thành: Họ đang dần rời xa những sản phẩm điện tử đã mang lại sự nổi tiếng.
Sony và Panasonic cắt giảm mạnh dây chuyền sản xuất tivi. Trớ trêu thay, bảo hiểm nhân thọ của Sony mới là phân khúc kinh doanh có lãi nhất năm 2011, trong khi hãng lỗ 5,9 tỉ USD vì nhu cầu thiết bị điện tử sụt giảm. Cả Panasonic và Sharp đang bán pin năng lượng mặt trời. Sharp tiến xa hơn một bước khi trong báo cáo thường niên năm 2012 có mục “tạo ra sản phẩm cần thiết mới” mà mọi người đều mong muốn là màn hình chuẩn đoán hình ảnh y tế, gương kĩ thuật số 3D độ phân giải cao và sách giáo khoa điện tử.
Nói về điều này, Takashi Okuda – Chủ tịch Sony đã viết trong lá thư gửi các cổ đông: “Khai thác sự sáng tạo đang chảy trong DNA, chúng tôi sẽ đẩy nhanh sự ra mắt các dòng sản phẩm hoàn toàn mới thực sự gây ấn tượng và kinh ngạc.”