Gã khổng lồ IBM dự đoán mức lợi nhuận trong năm 2009 cao hơn một cách đáng kể so với kỳ vọng của phố Wall - một dấu hiệu lạc quan đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế u ám như hiện nay.
Một mình vượt thác
IBM đã thể hiện niềm tin và sự lạc quan tràn trề, rằng hãng có thể bình thản và "an toàn" vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính đang bóp nghẹt thị trường công nghệ.
Hai mũi nhọn mà IBM nhắm đến lúc này là dịch vụ và gia công phần mềm.
Cụ thể, IBM dự đoán mức lãi trong năm 2009 sẽ đạt tối thiểu 9,20 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, giới phân tích chỉ dám đưa ra dự đoán khiêm tốn là 8,75 USD/cổ phiếu mà thôi.
Giới phân tích tin rằng IBM sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đà suy thoái toàn cầu, do chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu hàng năm của hãng chính là những khách hàng đại gia như ngân hàng và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả tài chính của IBM lại cho thấy một thực tế rõ ràng: dù doanh thu có bị ảnh hưởng, song IBM đã làm quá tốt công việc cắt giảm chi phí điều hành.
Nguồn: CNET |
Lãi ròng của IBM trong quý IV/2008 đạt 4,4 tỷ USD, tương đương 3,28 USD/cổ phiếu. Như vậy là so với cùng kỳ năm 2007, lợi nhuận của hãng đã tăng 12% (3,95 tỷ USD và 2,8 USD/cổ phiếu).
Giới phân tích cũng "rụt rè" dự đoán IBM sẽ bỏ túi 3,03 USD/cổ phiếu là cùng.
Đây quả là một thành tích đáng khen ngợi và ấn tượng khi mà một loạt các ông lớn của làng công nghệ đã "hụt chân" trong quý IV.
Chẳng hạn như tuần trước, Intel đã cảnh báo rằng lợi nhuận quý IV sẽ giảm tới 90% so với năm trước, còn doanh thu thì giảm tới 23%.
Nhờ có dịch vụ
IBM cho biết bộ phận dịch vụ đã có một mùa vụ làm ăn hết sức hiệu quả, với mức tăng trưởng dẫn đầu toàn hãng.
"Thành thực mà nói, tôi không tin nổi là họ có thể đưa ra một bản báo cáo đẹp thế này. Tôi cho rằng đây là một kỳ tích", chuyên gia Peter Misek của hãng Canaccord Adams bình luận.
"Họ đã điều hành quá tốt, quá quá quá tốt".
Điều tuyệt vời hơn là lợi nhuận của IBM vẫn tăng, kể cả khi doanh thu của hãng giảm 6%, khóa sổ ở mức 27 tỷ USD. Mức doanh thu này thấp hơn so với dự đoán 28,1 tỷ USD của giới phân tích.
IBM cho biết 1% thiếu hụt này không phải do biến đổi tỷ giá tiền tệ mà là vì tất cả các khu vực địa lý quan trọng đều ghi nhận mức doanh thu đi xuống.
Doanh thu của khối dịch vụ - khối kinh doanh lớn nhất tại IBM - cũng giảm 4%, song IBM đã ký được nhiều hợp đồng dịch vụ mới trị giá tới 17,2 tỷ USD.
Đây là một bằng chứng hùng hồn cho thấy IBM vẫn nổi trội với năng lực outsourcing và hỗ trợ kỹ thuật.
Ở thái cực đối lập, doanh thu phần cứng của hãng giảm 18%, trong khi doanh thu máy chủ cấp thấp giảm tới 32%.
Sự yếu kém của kinh doanh phần cứng là điều đã nằm trong tiên liệu, bởi doanh nghiệp thường không mua sắm máy mới khi kinh tế khó khăn.
Nhưng dù có lao đao đến đâu, họ vẫn phải duy trì các hợp đồng dịch vụ. Bởi lẽ nhiều dịch vụ có ý nghĩa sống còn trong công việc kinh doanh của họ, chẳng hạn như quản lý hóa đơn hay bảo dưỡng cơ sở dữ liệu vậy.
Không sa thải hàng loạt
Chuyên gia chứng khoán Rick Hanna của Morningstar hơi lo ngại về doanh thu phần cứng của IBM, vì hiển nhiên, máy tính/máy chủ và mainframe IBM sẽ giúp bán phần mềm và dịch vụ chạy hơn.
Mặc dù vậy, ông Hanna vẫn thật sự ấn tượng với việc IBM có thể tăng lợi nhuận giữa lúc sóng to gió lớn thế này.
"Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc báo cáo tài chính là "wow". IBM đã không còn là hãng quá dựa dẫm vào phần cứng như trước đây nữa.
Phần mềm và dịch vụ hoàn toàn có thể làm đầu tàu chủ lực, và IBM đã chứng minh được điều đó".
Và cũng khác với Intel, AMD hay Microsoft, IBM sẽ không công bố bất cự một đợt sa thải quy mô lớn nào.
Hãng sẽ chỉ cắt bớt nhân sự ở mức hạn chế trong kế hoạch tiết kiệm chi phí đã vạch sẵn từ năm trước mà thôi.
Mỗi năm, IBM vẫn cho vài ngàn nhân viên nghỉ việc, song tổng nguồn nhân lực vẫn tăng lên đều đều.
Nguyên do là vì IBM luôn tuyển thêm người cho các khu vực tăng trưởng nhanh hoặc những bộ phận có lãi lớn.
Trong cả năm 2008, IBM đã kiếm được tổng cộng 12,3 tỷ USD, tương đương 8,93 USD/cổ phiếu. Như vậy là lợi nhuận của hãng nhảy vọt tới 18% so với năm 2007.
Doanh thu khóa sổ ở mức 103,6 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước.