YouTuber tên "ChromaLock" đã biến chiếc máy tính vẽ đồ thị Texas Instruments TI-84 thành một thiết bị có khả năng kết nối Internet và truy cập ChatGPT của OpenAI cho phép người dùng có thể nhập các bài toán phức tạp, sau đó nhận câu trả lời trực tiếp từ ChatGPT.
ChromaLock đã đăng tải video giới thiệu về dự án này với tiêu đề "I Made the Ultimate Cheating Device" (Tôi đã tạo ra thiết bị gian lận tối thượng). Ngay lập tức, video và tiêu đề này đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng giáo dục vì khả năng gây gian lận trong các kỳ thi.
Để bắt đầu dự án này, ChromaLock đã hack cổng kết nối của máy tính TI-84, thường được sử dụng để chia sẻ các chương trình giáo dục giữa các thiết bị. Sau đó, chỉ với giá khoảng 5 USD, YouTuber này đã thiết kế một bo mạch tùy chỉnh "TI-32", tích hợp vi điều khiển Seed Studio ESP32-C3 có khả năng kết nối Wi-Fi. ChromaLock cũng sử dụng nhiều linh kiện khác để giao tiếp với hệ thống của máy tính.
Trong quá trình thực hiện dự án, ChromaLock liên tục gặp vấn đề kỹ thuật như không tương thích điện áp, lỗi tín hiệu… Cuối cùng, sau nhiều phiên bản, anh đã cài đặt thành công bo mạch tùy chỉnh vào bên trong vỏ máy tính. Điều đặc biệt là nếu chỉ nhìn từ bên ngoài thì khó có thể nhận ra sự khác biệt.
Để hỗ trợ cho phần cứng, cho phép máy tính tương tác với vi điều khiển và tải các “applets” (ứng dụng nhỏ), như giao diện ChatGPT, ChromaLock còn phát triển phần mềm tùy chỉnh để kết hợp với TI-32. Hệ thống này cho phép học sinh sử dụng bàn phím của máy tính để nhập câu hỏi và nhận được câu trả lời của ChatGPT ngay trên màn hình.
Tuy nhiên, nó vẫn còn hạn chế và bất tiện khi nhập câu hỏi dài trên bàn phím máy tính, chỉ hữu ích với câu trong việc trả lời các câu hỏi ngắn.
Ngoài ra, thiết bị còn cung cấp nhiều công cụ gian lận khác như trình duyệt hình ảnh để truy cập các tài liệu hình ảnh đã chuẩn bị sẵn, tải “phao” được ngụy trang dưới dạng mã nguồn.
ChromaLock tuyên bố rằng chương trình khởi động trên thiết bị của mình có thể được tải về theo yêu cầu, tránh bị phát hiện nếu giáo viên kiểm tra hoặc xóa bộ nhớ máy tính trước kỳ thi nên có thể vượt qua các biện pháp chống gian lận thông thường.
ChromaLock cũng trang bị cho bản hack này khả năng phá “Test Mode” (Chế độ Kiểm tra) - chế độ khóa được sử dụng để ngăn chặn gian lận.
ChromaLock cũng thừa nhận nguy cơ người dùng sử dụng công cụ này sai mục đích. Tuy nhiên, anh khẳng định thực hiện dự án này với mục đích sáng tạo chứ không phải là khuyến khích gian lận. Bảng mạch và mã nguồn phần mềm tùy chỉnh của dự án này đã được ChromaLock công khai trên GitHub.
ChromaLock cũng đang ấp ủ một tính năng camera sắp tới.
Biến gấu bông thành ChatGPT (17/6/2024)
Spiritual_Aside_7859 - một anh chàng game thủ mới đây đã tạo ra một chú gấu koala nhồi bông chạy bằng Raspberry Pi và hỗ trợ ChatGPT hoàn chỉnh với hình ảnh động có động cơ và một số đèn LED vui nhộn, khiến cộng đồng mạng phải ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, kèm theo sự ngỡ ngàng đó là sự sợ hãi bởi tạo hình ngoài đời của chú gấu này. Khi nhìn thấy chú gấu này vào buổi đêm, khi hệ thống đèn led khởi động, các game thủ không khỏi liên tưởng tới tựa game kinh dị nổi tiếng Five Night at Freddy's.
Rất may là chú gấu này vẫn cực kỳ hữu ích và chạy tốt như một trợ lý ảo có thật. Anh chàng game thủ sử dụng Raspberry Pi song song với Arduino Uno R4 để chú gấu có thể giao tiếp ChatGPT. Chú gấu cũng được trang bị một cảm biến siêu âm để phát hiện khi có vật thể ở gần và nhận biết người trong phòng. Ở hốc mắt của chú gầu là một màn hình OLED mini.
Chú gấu có thể nói bằng cách sử dụng ứng dụng chuyển văn bản thành giọng nói để trả lời người dùng thông qua phản hồi của ChatGPT đối với lời nhắc bằng văn bản.
Spiritual_Aside_7859 dự định sẽ tích hợp thêm khả năng chuyển động cho chú gấu này trong tương lai. Khi đó, chú gấu này chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người thích thú kèm theo kinh hãi.