Âm thầm nhưng cuốn hút, thú chơi máy tính "rạp hát tại gia" (Home Theater PC- HTPC) tại Việt Nam dần trở nên phổ biến bởi sức hấp dẫn đan xen của công nghệ và sự tinh tế. Loại "máy tính phòng khách" này cũng kén người chơi và có đặc thù riêng biệt.
"Nếu phân loại các kiểu chơi máy tính thì hiện nay có 3 loại chính. Kiểu thứ nhất chuyên "vọc" tìm kiếm giới hạn công nghệ hoặc bí mật sản phẩm như ép xung, cook BIOS, mở khóa... Kiểu thứ hai đam mê sức mạnh công nghệ, đặc biệt là các game thủ, luôn sôi sục với những sản phẩm mới. Kiểu thứ ba là tận hưởng thành tựu, kết hợp hi-tech và high-end, đó chính là kiểu chơi HTPC", anh Quang MD, một "dân vọc" Hà Nội, đúc kết.
HTPC dần chiếm chỗ những thiết bị điện tử khác trong phòng khách.
Sức hấp dẫn của loại máy tính này nằm ở khả năng giải trí cao cấp của công nghệ số phục vụ nhiều nhu cầu. Một hệ thống căn bản phải xem được phim HD (High Definition - Phân giải cao) trên màn hình lớn, nghe nhạc không nén (lossless). Tiếp theo là chơi game, xem truyền hình, rồi dần dần kết hợp thành thiết bị ghi hình, chơi đĩa DVD/Blu-ray cho đến hàng tá thiết bị multimedia khác.
"Nếu chơi các thiết bị riêng biệt, bạn sẽ cần phải bật từng thứ như dàn âm thanh, máy chơi phim HD, chọn đĩa v.v... Còn chơi HTPC thì chỉ cần bật máy tính lên là có thể sẵn sàng mọi thứ. Cứ ngả người trên salon vừa nghe nhạc vừa lướt web, check mail, xem ảnh hoặc chọn phim ưa thích trong kho", anh Quang nói.
Thực tế, thú lắp những máy tính giải trí có từ khá lâu, nhưng phải thời gian gần đây mới trở thành xu hướng chơi rộng. Do tiến bộ công nghệ cả về phần cứng và phần mềm, việc điều khiển chiếc máy tính đã đơn giản như những đồ điện tử gia dụng khác.
"Giá bàn phím, chuột không dây giao tiếp Bluetooth cũng chỉ còn vài trăm nghìn. Sử dụng điều khiển từ xa để duyệt nội dung với Vista Media Center chẳng khác gì bạn chuyển kênh tivi cả. Những công cụ đó khiến việc điều khiển máy tính dễ dàng và thoải mái hơn. Card âm thanh tích hợp sẵn trên mainboard đời mới cũng hỗ trợ các loại âm vòm 5.1, 7.1, có cả ngõ xuất nhập quang học cho chất lượng chấp nhận được", anh Trần Thành Công, chủ cửa hàng XSoft chuyên bán đồ chơi máy tính, nói. "Tất cả những cái đó khiến việc giải trí bằng máy tính trở nên hấp dẫn"
Không cần cấu hình quá mạnh, nhưng HTPC phải được trang bị điều khiển từ xa và bàn phím, chuột không dây. |
Thậm chí, một số "fan" của HTPC khẳng định xem phim HD trên máy tính cho chất lượng hơn hẳn các máy xem phim, bất kể dùng đĩa BlueRay hay ổ cứng. Lý do là HTPC được trang bị card màn hình và card âm thanh tốt hơn. Việc chia sẻ phim HD trên máy tính cũng dễ dàng và rẻ hơn nhiều bởi đĩa phim BlueRay quá đắt.
Với những ưu điểm của mình, HTPC đã chinh phục được người dùng. Trên những diễn đàn như Nghe Nhìn Việt Nam, VOZ Forums... đều có những box riêng dành cho "máy tính rạp hát". Tuy nhiên, thú chơi này không trở nên phổ biến rầm rộ mà ngấm ngầm "thấm" vào giới mê công nghệ.
Trau chuốt từ vỏ đến lõi
Về căn bản, một HTPC đơn giản là một... chiếc máy tính. Nhưng điểm khác biệt của nó là những tính năng multimedia được khai thác tối đa và điều khiển lại phải thật đơn giản. "Máy tính phòng khách" không cần cấu hình siêu mạnh như dành cho game thủ, chỉ cần vừa đủ giải mã phim HD là được. Nhưng nó bắt buộc phải có điều khiển từ xa và bộ chuột, bàn phím không dây, ổ cứng lớn và đặc biệt là một vỏ "lịch sự".
Từ cái nhìn đầu tiên, người ta có thể thấy ngay sự khác biệt của những "máy tính rạp hát" (Home Theater PC - HTPC) so với những anh em khác trong phòng làm việc ở lớp vỏ bên ngoài. Thậm chí, nhiều người nhận xét rằng đây là kiểu máy tính "vỏ đắt hơn ruột"
Case HTPC thường được chế tạo kiểu nằm để dễ sắp xếp với các thiết bị điện tử khác
"Bộ cánh" của loại máy tính này thường mang hình dáng của các loại thiết bị điện tử gia dụng như dàn âm thanh, máy chơi đĩa, v.v... Đương nhiên trong các kiểu vỏ máy, người chơi phải chọn được chiếc vỏ cùng tông, cùng kiểu với những thiết bị khác trong hệ thống của mình. Nhiều khi chi phí cho chiếc vỏ case cũng bằng, thậm chí nhiều hơn cả tiền mua những linh kiện khác bên trong.
"HTPC được dịch nôm na là "máy tính rạp hát tại gia". Như vậy, để chơi loại máy này thì người chơi cũng phải có một hệ thống "rạp hát tại gia" đã. Sau đó mới đặt chiếc PC vào giữa để kết nối các thiết bị. Nó bắt buộc phải ăn nhập với những "đối tác" của mình", anh Hoàng Việt (Hà Nội), một dân chơi máy tính, chia sẻ.
Để có được sự "ăn nhập" đó, anh Việt quyết "xuất quỹ" gần 600 USD đặt mua chiếc vỏ Zalmal từ nước ngoài, có sẵn màn hình LCD cảm ứng, điều khiển từ xa và hệ thống nút điều khiển media ngay trên vỏ.
"Điều quan trọng là bề mặt trước bằng nhôm được phay rất hợp với amply và reciever của mình", anh Việt nói.
Các hãng chuyên sản xuất vỏ máy như Thermaltake, Antec, SilverStone, Lian-Li... hiện đều có dòng case HTPC riêng mình. Những model đắt tiền được chế tạo từ nhôm, trang bị màn hình cảm ứng và điều khiển từ xa, hỗ trợ mainboard ATX đầy đủ (full size) lên tới hàng trăm USD. Các loại rẻ hơn được làm từ khung tôn, vỏ nhựa, ít khe cắm mở rộng, không có sẵn điều khiển từ xa và thậm chí phải dùng nguồn nhỏ chế tạo riêng.
Bên trong chiếc vỏ cáu cạnh đó là một hệ thống đủ khỏe để xem phim nhưng quan trọng là phải thật mát và êm. Tiếng gió rít, ổ cứng kêu... có thể làm ảnh hưởng đến không gian thưởng thức của phim hoặc nhạc. Điều này HTPC trái ngược hẳn với những Gaming PC luôn đòi hỏi hiệu năng cao nhất với vỏ máy như những "nhà máy gió".
Tùy theo khả năng của mỗi người, một hệ thống HTPC có thể bắt đầu từ vài trăm USD lên tới hàng nghìn USD. Nếu khả năng tài chính có hạn, người dùng có thể xây dựng hệ thống từ những thiết bị giá rẻ như màn hình Full HD của Acer, loa vi tính 5.1 hoặc 7.1... Nếu hầu bao dư dả, bạn có nhiều cơ hội để đầu tư như màn hình Full HD trên 50 inch, receiver và amply có cổng quang (optical) và bộ loa 7.1 "xịn".