Tính năng bảo mật mới được Apple bổ sung trên các nền tảng hệ điều hành di động của mình đang mang lại hiệu quả như mong đợi: Buộc các nhà phát triển ứng dụng lớn, điển hình là Google phải tuân theo các chính sách chung mà họ đề ra.
Tính năng bảo mật dữ liệu mới của Apple
Bắt đầu từ tháng 12-2020, Apple đã bổ sung thêm một tùy chọn có tên Privacy trên App Store, trong đó buộc các nhà phát triển bất kể quy mô lớn nhỏ đều phải công khai tất cả các loại dữ liệu mà ứng dụng của họ thu thập trên thiết bị của người dùng iOS/iPadOS. Đáng nói hơn, các nhà phát triển không chỉ buộc công khai dữ liệu họ thu thập, mà còn phải tiết lộ mục đích và cách thức sử dụng những dữ liệu đó.
Ngay lập tức, chính sách này đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng nhà phát triển ứng dụng, trong đó đi đầu là hai ông lớn Facebook và Google - Các công ty nổi tiếng với việc thu thập dữ liệu người dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Dữ liệu người dùng là một loại “tiền tệ nóng” với các nhà phát triển, do đó sự phản ứng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Google buộc phải tuân thủ
Trong khi Facebook có màn khẩu chiến gay gắt với Apple, biện pháp phản đối được Google đưa ra là tuyên bố trì hoãn tung ra bản cập nhật mới cho hàng loạt ứng dụng nổi tiếng của mình trên iOS/iPadOS - chẳng hạn như Gmail, YouTube - ít nhất trong vòng 3 tháng, kể từ tháng 12/2020.
Tuy nhiên sau gần 2 tháng im hơi lặng tiếng, công ty Mountain View mới đây đã tiếp tục phát hành các bản cập nhật mới cho YouTube, Gmail… trên iOS/iPadOS, đồng thời tiết lộ đầy đủ danh sách những loại dữ liệu mà ứng dụng của họ thu thập từ người dùng iPhone và iPad theo đúng chính sách bảo mật mới của Apple mà họ đã phản đối gay gắt cách đây không lâu.
Nói cách khác, Google đã phải tuân thủ chính sách chung của Apple. Lấy ví dụ với Gmail, mục App Privacy của ứng dụng cho thấy Google sẽ thu thập những loại dữ liệu như lịch sử mua hàng của bạn, dữ liệu vị trí, ID thiết bị, địa chỉ email, dữ liệu quảng cáo, lịch sử tìm kiếm… và nhiều loại dữ liệu khác. Đáng chú ý, Google không chia sẻ dữ liệu YouTube hoặc Gmail với các công ty khác, nhưng nó họ dụng dữ liệu này để nhắm mục tiêu người dùng với các quảng cáo cụ thể.
Để kiểm tra những loại dữ liệu mà một ứng dụng cụ thể thu thập của mình, bạn chỉ cần gõ tên ứng dụng vào khung tìm kiếm của App Store, sau đó cuộn xuống bên dưới và điều hướng đến mục Privacy (Riêng tư).
Với sự “quy thuận” của Google cũng như nhiều nhà phát triển lớn khác, chính sách bảo mật mới của Apple được dự báo sẽ tạo ra hàng loạt thay đổi quan trọng khác trong lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như sự “tuyệt chủng” của các chính sách ẩn dữ liệu. Hãy cùng chờ xem!