An ninh mạng là gì?

An ninh mạng (Cyber Security) là hành động bảo vệ máy tính, máy chủ, các thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng và dữ liệu khỏi những tấn công độc hại. An ninh mạng cũng được biết đến như đảm bảo an ninh công nghệ hoặc thông tin điện tử. Cụm từ này được áp dụng cho mọi lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến điện toán và có thể được chia thành nhiều danh mục phổ biến.

  • Bảo mật mạng (Network Security) là thuật ngữ mô tả việc bảo vệ mạng máy tính khỏi những kẻ xâm nhập, dù là tấn công có mục đích hoặc những phần mềm độc hại gây rối.
  • Bảo mật ứng dụng (Application Security) tập trung vào việc ngăn chặn các phần mềm hoặc thiết bị khỏi những đe dọa bên ngoài. Một ứng dụng bảo mật thấp sẽ làm tăng nguy cơ dữ liệu bị xâm nhập. Nên triển khai đảm bảo an toàn cho ứng dụng từ những bước đầu tiên.
  • Bảo mật thông tin (Information Security) là bảo vệ tính an toàn và riêng tư của dữ liệu, kể cả trong lưu trữ và chuyển đổi.
  • Bảo mật hoạt động (Operational Security) bao gồm các quy trình và quyết định xử lý để giải quyết và bảo vệ tài sản dữ liệu. Các quyền truy cập mạng của người dùng, những phương thức xác định vị trí và cách thức dữ liệu được lưu trữ hoặc chia sẻ trong vùng quyền này.
  • Phục hồi sau thảm họa và tiếp tục kinh doanh là định nghĩa cho việc các doanh nghiệp phản ứng với một sự cố an ninh mạng hoặc bất kì sự kiện nào dẫn đến việc mất dữ liệu hoặc không thể hoạt động. Các chính sách phục hồi sau thảm họa giúp các doanh nghiệp khôi phục nguồn thông tin và hoạt động, quay trở về với quỹ đạo làm việc như trước khi xảy ra sự cố. Tiếp tục kinh doanh là kế hoạch doanh nghiệp phải đưa ra trong tình trạng cố gắng hoạt động khi không có nguồn lực nhất định.
  • Giáo dục người dùng cuối (End-user Education) nói đến yếu tố khó lường nhất của an ninh mạng: con người. Bất cứ ai cũng có thể vô tình mang virus đến một hệ thống máy tính chỉ vì không tuân theo những bước bảo đảm an toàn. Chỉ cho người dùng cách xóa những email chứa tệp đính kèm đáng nghi, hoặc không cắm ổ USB không xác định nguồn gốc là một trong nhiều bài học quan trọng giúp bảo đảm an ninh mạng cho mọi tổ chức và cá nhân.

Quy mô các mối đe dọa an ninh mạng

Các mối đe dọa an ninh mạng trên toàn cầu vẫn tiếp tục tăng nhanh với số lượng vi phạm dữ liệu nhiều hơn hàng năm. Báo cáo của RiskBased Security chỉ ra rằng, trong 9 tháng đầu năm 2019 đã có 7.9 tỉ trường hợp vi phạm dữ liệu được ghi lại. Con số này cao hơn gấp đôi (112%) so với cùng kì năm 2018.

Dịch vụ y tế, bán lẻ và những thực thể công là những thành phần gặp phải nhiều vi phạm nhất, hầu hết những tội phạm tinh vi đều tấn công vào các lĩnh vực này. Sở dĩ chúng thu hút tội phạm vì dữ liệu tài chính và y tế rất dễ dàng thu thập được qua mạng, nhằm mục tiêu gián điệp hoặc tấn công khách hàng.

Top mục tiêu bị của công mạng năm 2019 (tiền ảo, botnet, di động, ngân hàng, thông tin, đòi tiền chuộc)
Top mục tiêu bị của công mạng năm 2019 (tiền ảo, botnet, di động, ngân hàng, thông tin, đòi tiền chuộc)

Vì quy mô đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (International Data Corporation) đưa ra dự đoán đến năm 2022, cả thế giới sẽ đối mặt với số tiền khổng lồ để giải quyết những tình trạng vi phạm: 133.7 tỉ đô la Mỹ. Các chính phủ trên toàn cầu đều ra sức giúp đỡ các doanh nghiệp tạo lập hệ thống an ninh mạng một cách hiệu quả nhất.

Các mối đe dọa an ninh mạng

Đe dọa an ninh mạng đến từ ba thành phần chính:

  • Tội phạm mạng (Cybercrime): bao gồm cá nhân hoặc nhóm tội phạm nhằm mục tiêu tài chính hoặc muốn đánh sập một hệ thống (đôi khi là cả hai).
  • Tấn công mạng (Cyberattack): thường liên quan đến những động cơ về chính trị.
  • Khủng bố mạng (Cyberterrorism): mục tiêu thường là phá hỏng hệ thống điện tử gây hoảng loạn và sợ hãi.

Dưới đây là những phương pháp có thể đe dọa đến an ninh mạng:

Malware - Phần mềm độc hại

Malware là một trong những mối đe dọa phổ biến nhất. Nó là một phần mềm được các tội phạm mạng tạo ra để ngăn chặn hoặc phá hủy máy của một người dùng. Malware thường được phát tán dưới dạng tệp đính kèm trong email hoặc những phần mềm “trông có vẻ an toàn”. Malware được các tên tội phạm sử dụng cho mục đích kiếm tiền hoặc các động cơ chính trị, hướng đến việc tạo ra các cuộc tấn công mạng.

Các loại Malware
Các loại Malware

Một số loại Malware khác nhau bao gồm:

  • Virus: Một chương trình tự nhân chủng bám vào các file sạch và phát tán ra toàn bộ hệ thống máy, khiến các file dính mã code độc.
  • Trojans: Một loại malware ngụy trang trong vỏ bọc phần mềm an toàn. Các tội phạm mạng lừa người dùng đưa Trojans vào hệ thống rồi sau đó phá hủy và thu thập dữ liệu.
  • Spyware: Một chương trình bí mật ghi lại những hoạt động trên máy tính của người dùng. Tội phạm mạng có thể lợi dụng các thông tin này để đưa virus hoặc trojans vào máy tính.
  • Ransomware: Đây là phần mềm khóa file hay dữ liệu của người dùng lại, yêu cầu họ phải trả tiền chuộc để mở khóa.
  • Adware: Những phần mềm quảng cáo sử dụng để phát tán malware.
  • Botnets: Mạng lưới các máy tính bị nhiễm phần mềm độc, hacker sử dụng để hoạt động trực tuyến mà không cần sự cho phép của người dùng.

SQL Injection

SQL Injection cho phép những kẻ tấn công kiểm soát và đánh cắp dữ liệu từ cơ sở dữ liệu. Hacker khai thác những lỗ hổng dựa trên dữ liệu của ứng dụng, chèn mã độc thông qua những câu lệnh SQL vào hệ thống. Chúng có thể truy cập vào những thông tin nhạy cảm có trong cơ sở dữ liệu theo cách này.

Tấn công cơ sở dữ liệu
Tấn công cơ sở dữ liệu

Tấn công giả mạo

Tấn công giả mạo là phương thức tội phạm gửi email giả mạo các công ty uy tín yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin nhạy cảm. Tấn công giả mạo thường dùng để lừa lấy những dữ liệu thẻ ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác.

Tấn công giả mạo
Tấn công giả mạo

Tấn công xen giữa

Tấn công xen giữa là các tội phạm ngăn chặn giao tiếp, truyền tin giữa hai cá nhân nhằm mục đích ăn cắp dữ liệu. Ví dụ, trong một mạng WiFi không bảo mật, kẻ tấn công có thể ăn cắp các dữ liệu khi nó đang được truyền giữa hai thiết bị trong mạng đó.

Tấn công xen giữa
Tấn công xen giữa

Tấn công từ chối dịch vụ

Tấn công từ chối dịch vụ ngăn chặn một hệ thống máy tính thực hiện các yêu cầu hợp pháp bằng cách áp đảo các mạng và máy chủ có lưu lượng truy cập. Điều này làm cho hệ thống không thể sử dụng được, ngăn chặn một tổ chức thực hiện các chức năng quan trọng.

Tấn công từ chối dịch vụ
Tấn công từ chối dịch vụ

Bảo vệ người dùng cuối

Bảo vệ người dùng cuối hay bảo mật điểm cuối là một khía cạnh quan trọng của an ninh mạng. Sau tất cả, đe dọa an ninh mạng chỉ có thể xảy ra nếu một cá nhân (người dùng cuối) vô tình tải phần mềm độc hại hoặc các dạng mã độc khác xuống thiết bị của mình.

Vậy các phương pháp an ninh mạng bảo vệ người dùng và hệ thống như thế nào? Đầu tiên, an ninh mạng dựa vào các giao thức mã hóa để mã hóa email, file và các dữ liệu quan trọng khác. Nó không chỉ bảo vệ thông tin trong quá trình truyền tải mà còn ngăn chặn tình trạng bị mất hoặc đánh cắp.

Các phần mềm bảo vệ an ninh thường hoạt động hiệu quả
Các phần mềm bảo vệ an ninh thường hoạt động hiệu quả

Thêm vào đó, những phần mềm bảo vệ người dùng thường xuyên quét máy để tìm những mã độc, cô lập các mã đó và xóa chúng khỏi hệ thống. Những chương trình này còn có thể nhận biết và loại bỏ những mã độc ẩn trong Master Boot Record (MBR) và được thiết kế để mã hóa hoặc xóa dữ liệu khỏi ổ cứng máy tính.

Các giao thức bảo mật điện tử tập trung vào việc phát hiện các phần mềm độc hại đang hoạt động. Chúng phân tích hành vi và tính tự phát của một chương trình và điều khiển nó chống lại virus hoặc Trojans, khiến chúng biến dạng sau mỗi lần tấn công. Các phần mềm an ninh còn có thể giới hạn những chương trình tiềm tàng mã độc, đẩy chúng vào một bong bóng ảo tách biệt với mạng của người dùng để phân tích hành vi và phát hiện mã độc nhanh hơn).

Không những vậy, các chương trình an ninh còn phát triển thêm những hàng rào an ninh mạng chuyên nghiệp mới, giúp nhận biết các mối đe dọa mới xâm nhập và tạo ra nhiều cách thức hơn để chống lại chúng. Để có được một hệ thống mạng an toàn nhất, người dùng phải được đào tạo về cách thức sử dụng chúng. Quan trọng hơn, cập nhật các phiên bản ứng dụng mới thường xuyên là cách người dùng bảo vệ chính bản thân mình khỏi những mối đe dọa an ninh mạng mới nhất.

Phương pháp bảo vệ bản thân khỏi tấn công mạng

Các doanh nghiệp và cá nhân nên biết cách tự phòng tránh những đe dọa từ thế giới ảo. Dưới đây là tập hợp các phương pháp hữu hiệu nhất:

  • Cập nhật ứng dụng và hệ điều hành thường xuyên: việc làm này giúp bạn tránh được những lỗ hổng an ninh mới nhất.
  • Sử dụng phần mềm anti-virus: giải pháp an ninh này sẽ giúp bạn phát hiện và tiêu diệt mối đe dọa nhanh chóng. Nhưng hãy nhớ cập nhật phiên bản mới thường xuyên để luôn được bảo vệ ở mức cao nhất nhé.
  • Sử dụng mật khẩu mạnh: hãy chắc chắn rằng mật khẩu của bạn không thể dễ dàng bị đoán ra.
  • Đừng mở email từ những nguồn không xác định: đây là con đường dễ nhất để các phần mềm độc hại xâm nhập vào máy bạn.
  • Đừng click vào bất cứ đường link từ email hoặc trang web không rõ nguồn gốc: lí do cũng tương tự như trên.
  • Tránh sử dụng WiFi không có bảo mật ở nơi công cộng: một hệ thống mạng không có bảo mật sẽ rất dễ dàng bị tấn công xen giữa.
Thứ Sáu, 05/06/2020 16:15
4,54 👨 17.713
0 Bình luận
Sắp xếp theo