Công ty ARM có thể sẽ bị bán cho một trong những nhà khổng lồ CNTT Mỹ. Những cái tên được xướng lên gồm Intel, Oracle và Apple. Nhiều khả năng ARM đang... "làm giá".
Sau khi HP tuyên bố muốn mua công ty Autonomy với giá 10 tỷ USD (hôm 18/8/2011), mọi mối quan tâm đổ dồn về các công ty của Anh. Và, tin đồn về việc người ta sẽ mua nhà phát triển hàng đầu các loại chip cho máy tính bảng, smartphone và các giải pháp nhúng là ARM Holdings lại rộ lên. Giá cổ phiếu của công ty này hôm 19/8/2011 đã tăng 2% mặc dù chỉ số chung của thị trường chứng khoán London tụt giảm, theo The Telegraph.
Báo The Independent nêu tên các ứng viên tiềm năng nhất trong việc mua lại ARM, lần lượt là Intel, Oracle và Apple. Theo tin của tờ Guardian, giá dự kiến để Intel mua lại ARM là 10 tỷ bảng Anh tức gần 16,5 tỷ USD. Để so sánh, tổng giá trị vốn hoá của công ty này đang là 6,9 tỷ bảng. Cho nên, giá sang nhượng có thể cao hơn giá thị trường đến 45%.
Giám đốc điều hành ARM Warren East trả lời báo chí sau các tin đồn, nói rằng ông nghi ngờ khả năng Công ty sẽ bị bán đi. Lý lẽ của Warren East là, ARM lâu nay làm việc dựa trên nguyên tắc dành sự quan tâm đồng đều tới mọi khách hàng, mọi đấu thủ trên thị trường. Nếu ARM bị bán đi cho một đối tượng nào đó thì đối tượng đó sẽ có lợi thế, và giá trị của ARM như một nhà cung cấp công nghệ độc lập sẽ bị giảm sút. Tuy nhiên, ông Warren East cũng không nói là không thể có một hợp đồng như thế, cho nên những lời của ông có thể chỉ để diễn đạt ý muốn nâng giá Công ty mà thôi.
Người của Công ty nói rằng bán ARM chỉ làm tổn hại nó...
East tuyên bố Intel khó lòng mua được ARM vì sẽ chịu sự phản đối của các cơ quan quản lý nhà nước. Intel đang là nhà sản xuất lớn nhất của bộ xử lý kiến trúc x86 được dùng trong các máy tính cá nhân và máy chủ với khoảng 80% thị phần toàn bộ thị trường này. Nếu mua ARM, Intel sẽ kiểm soát hầu như toàn bộ thế giới bộ xử lý, chỉ trừ một số kiến trúc bộ xử lý máy chủ riêng lẻ. Hồi tháng 10/2010, Giám đốc Tài chính của Intel Stacy Smith đã tuyên bố họ có thể bắt tay vào sản xuất các bộ xử lý kiến trúc khác, mặc dù trước đó, Chủ tịch Intel Paul Otellini cực lực phản đối một khả năng như vậy.
East không thấy lý do để Apple mua lại ARM. "Nếu nói về nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối, chỉ có 2 lý do mua lại ARM: Một là để tiếp cận các công nghệ và hai là để ngăn chặn các đối thủ tiếp cận công nghệ của ARM. Vế thứ nhất, Apple đã có. Vế thứ hai, hiện tại ARM có 800 thoả thuận về bản quyền sáng chế, nhiều thoả thuận trong đó là không thời hạn. Chẳng lẽ một công ty đang hoạt động tốt lại đi mua ARM để rồi phải tranh chấp với các đối thủ cạnh tranh?", East nói.
Xin nhắc lại rằng, trong 3 năm rưỡi gần đây, Apple đã mua lại ít nhất 2 công ty chuyên phát triển chip. Năm 2008, Apple đã mua Công ty PA Semi với giá 278 triệu USD, còn trong năm rồi, Apple đã mua Công ty Intrinsity với giá 121 triệu USD. Điều đó chứng tỏ khuynh hướng của Apple như một nhà sản xuất muốn tự lực phát triển các cấu phần bán dẫn. Và, từ iPhone 4, các thiết bị di động của Apple đã sử dụng bộ xử lý nhãn hiệu riêng của hãng.
Những nguyên nhân dẫn đến suy luận rằng Oracle cũng quan tâm đến việc mua ARM không được đề cập. Oracle là nhà sản xuất máy chủ thứ tư thế giới và là một trong những nhà cung cấp hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS) hàng đầu.