3D là công nghệ gây sức hút lớn trong năm nay, tuy nhiên có vẻ như nó chưa thích hợp lắm khi được tích hợp lên di động.
Giá thành cao
3D là một công nghệ thời thượng và dĩ nhiên cái giá phải trả cho công nghệ tiên phong này cũng không phải là số nhỏ. Tuy nhiên, việc các hãng di động như LG, HTC đưa ra cái mức giá chót vót cho các siêu di động 3D này (xấp xỉ 500 Bảng Anh, khoảng 17 triệu VNĐ) thì đây lại là một con số làm khó ngay cả những người sành chơi nhất.
Một điều hiển nhiên là giá các sản phẩm này sẽ rớt rất nhanh và người chơi tiên phong thường là người... chịu thiệt. Giới sành công nghệ giờ đều đã “tỉnh đòn” hơn rất nhiều. Thay vì ném cả đống tiền ra mua để rồi rớt giá cái oạch thì họ sẵn lòng chờ thêm 1,2 tháng để sở hữu điện thoại 3D khi giá cả bình ổn hơn.
Và điều này thực sự đang nghiệm đúng với LG Optimus 3D khi mới về Việt Nam có giá 21 triệu thì hiện nay đang được rao bán giá xấp xỉ 12,6 triệu cùng mặt hàng xách tay.
Nội dung nhỏ giọt
Chưa nói đến điện thoại 3D mà hãy ngó sang thị trường nội dung 3D cho Blu-ray hay công nghiệp game 3D. Đó là một nội dung giải trí mới mẻ và thực sự ấn tượng nhưng dường như các nhà sản xuất nội dung vẫn chưa tập trung cho thị trường này.
Thường thì sau khi chiếu rạp, một tựa phim 3D sẽ có bản HD sau khoảng 6 tháng và phải 1 năm sau mới có Blu-ray 3D. Vậy tính ra người xem phải mất tới 18 tháng mới được thưởng thức tại gia.
Trên điện thoại cũng vậy, ngoại trừ một số nội dung được cài đặt sẵn để “mồi” khách khi mua máy thì hiện tại vẫn chưa có nguồn nội dung 3D nào cho di động. Gameloft hứa hẹn rằng các siêu di động Android 3D sẽ được hỗ trợ vài tựa game nhưng đó chỉ là 4,5 đầu game cũ với công nghệ 3D nội suy.
Phải 1 đến 2 năm nữa mới có nhiều nội dung 3D hơn cho các dòng điện thoại này và ắt hẳn lúc đó những siêu di động của ngày hôm nay sẽ chỉ còn là lịch sử.
Công nghệ chưa tối ưu
3D thụ động, 3D chủ động, 3D không cần kính... toàn là thuật ngữ đánh đố người tiêu dùng bởi mấy ai hiểu được bản chất cho từng công nghệ. Hầu hết các điện thoại 3D hiện nay đều quảng cáo là không cần dùng kính tương tự như trên các dòng máy Nintendo 3DS.
Nội dung 3D khi hiển thị trên màn hình điện thoại thường không đẹp so với những gì bạn thấy trên rạp chiếu bóng và dĩ nhiên nó không thể xuất hình 3D ra HDTV được mà yêu cầu bạn phải có một 3D HDTV đồng bộ.
Vậy thưởng thức 3D trên cái màn hình 4.0 inch sẽ được gì? Tính hấp dẫn chân thực mất hẳn đi, âm thanh cũng không thể bằng so với việc cắm ra dàn loa home theatre và nội dung như đã nói ở trên thì rất giới hạn.
Nếu cố vớt vát một chút thì tính năng quay phim 3D dựa vào camera kép ở các siêu di động 3D hiện nay cũng không tệ. Tuy nhiên đây chỉ là máy quay side-by-side và dĩ nhiên độ sâu, sắc nét của các tệp tin thành phẩm còn khuya mới sánh bằng các thước phim ngoài rạp quay bằng máy chuyên dụng.
Chưa đa dạng chủng loại
Điểm mặt trên thị trường hiện nay ngoài Nintendo 3DS là máy console cầm tay không phải di động thì tính ra cũng chỉ vài ba đầu sản phẩm thương mại hóa gồm HTC EVO 3D, LG Optimus 3D và Sharp SH8158U.
Tất nhiên tương lai là khó nói nhưng rõ ràng smartphone 3D vẫn là một thị phần hẹp không đem lại doanh thu cho các hãng mà đó chỉ xem như một cuộc đua công nghệ.
Nhìn vào các streamline sản phẩm từ nay đến hết năm, có thể thấy rõ chiến lược của các ông lớn như Samsung, Nokia hay thậm chí là Apple chưa chú trọng nhiều đến thị phần này trên toàn cầu.
Giới hạn về phần cứng
Một thực tế dễ thấy là các dòng máy di động 3D đang bị giới hạn khá lớn về phần cứng. Chưa nói đến di động, ngay cả với PS3 khi thực thi các nội dung 3D thì độ phân giải đã bị giảm đi rõ rệt, khiến đồ họa không còn long lanh như nội dung 2D, ví dụ qua các tựa game Dynasty Warriors 7 hay Killzone 3.
Di động cũng vậy, nếu chụp ảnh 3D từ di động, độ phân giải sẽ bị giảm chỉ còn xấp xỉ 2 Megapixel và quay phim chỉ ở mức 720p thay vì full HD 1080p. Việc trải nghiệm game, phim trên các di động 3D cũng vậy, bị giới hạn góc nhìn cũng như độ phân giải, sắc độ không còn lung linh so với chế độ 2D khiến việc thưởng thức ít nhiều mất đi sự thú vị.
Lý do nằm ở chỗ, cấu hình máy vẫn chỉ loanh quanh các bộ vi xử lý lõi kép, đồ họa tích hợp tăng cường, chưa có sự đột phá thật sự về xung nhịp vi xử lý hay GPU nên thật khó để bắt các dòng máy này đem tới trải nghiệm 3D như các laptop, console chuyên dụng.