Trong năm 2014, công cụ tìm kiếm của Google vẫn tiếp tục chiếm lĩnh ngôi đầu ở thị trường thế giới. Chỉ tính riêng ở Mỹ, công ty đã có được 67% thị phần tìm kiếm trên máy tính. Còn ở thị trường toàn cầu, Google nổi danh là một doanh nghiệp với 50 tỷ USD doanh thu mỗi năm.
Tuy nhiên, nguồn thu trong tương lai sẽ đến từ đâu vẫn luôn là nỗi niềm trăn trở của ban điều hành công ty. Vào lúc thành lập năm 1998, Google đã định hướng bản thân sẽ trở thành "tổ chức thông tin của thế giới". Giờ đây, khi nhiệm vụ cũ đã hoàn thành, công ty đang cần một hướng đi mới.
Như CEO của Google, Larry Page đã chia sẻ vào tháng 12/2014, "Tôi nghĩ rằng tuyên ngôn về sứ mệnh cũ của công ty đã có chút quá hạn hẹp. Bởi vậy, chúng tôi đang suy nghĩ về những việc cần làm để mở rộng nó (tầm nhìn cho những nhiệm vụ trong tương lai) hơn nữa."
Dưới đây sẽ là 3 điều đáng mong đợi từ Google trong năm 2015, theo nhận định của trang công nghệ Cnet.
1. Google Glass phiên bản "người tiêu dùng"
Bạn còn nhớ về Google Glass? Đây là một chiếc kính thông minh có khả năng kết nối Internet được Google tích hợp cả những tính năng như quay phim, chụp ảnh, lướt web, ... Thiết bị này chiếm được nhiều sự quan tâm, chú ý từ phía những chuyên viên công nghệ cao và giới truyền thông khi ra mắt bản hạn chế trong năm 2013. Tuy nhiên, qua năm 2014, tương lai của sản phẩm lại khá tăm tối.
Nhiều vấn đề đã liên tiếp xảy đến với Google Glass. Đơn cử nhất là những sự lo ngại về việc thiết bị này có thể xâm phạm quyền riêng tư cá nhân của con người (dùng để quay phim/chụp lén), hay nhiều lệnh cấm từ Hiệp hội điện ảnh Mỹ hoặc một vài quán bar, casino cũng liên tục được ban hành với kính thông minh trong năm vừa qua, … Nhưng, những "sự cố" này vẫn không thể ngăn được bước tiến của Google Glass. Thiết bị vẫn được người khổng lồ công nghệ tiến hành thử nghiệm công khai và kêu gọi những người tiên phong sở hữu phiên bản "khám phá" của sản phẩm.
Theo phân tích của giới chuyên môn, giá thành hiện tại của sản phẩm, 1500 USD, là quá "đắt" so với những linh kiện cấu thành và khả năng phục vụ mà nó có thể mang lại cho người dùng. Bên cạnh đó, Paul Saffo - giáo sư tại trường Stanford và là chuyên gia có tiếng ở thung lũng công nghệ Sillicon - lại có suy nghĩ ngược lại. Ông cho rằng đây là một trong những chiến lược kinh doanh của Google, "đẩy giá cao, trình diễn những tính năng ấn tượng và sau đó hạ giá bán để kích cầu từ phía người tiêu dùng."
Dù 2 luồng ý kiến trái chiều, cả hưởng ứng lẫn chê bai, về sản phẩm vẫn liên tục được dấy lên. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, phiên bản thương mại cho người tiêu dùng với giá bán "hợp lý" hơn của Google Glass vẫn là một điều rất đáng mong đợi từ Google trong năm 2015.
2. Thay thế dịch vụ quảng cáo truyền thống
Nền tảng video trực tuyến YouTube vẫn luôn là đứa con "cưng" của Google kể từ khi phát triển. Lý do là bởi, đây chính là một trong những cỗ máy "in tiền" chủ chốt của công ty. Thực vậy, theo hãng nghiên cứu thị trường eMarketer dự đoán, chỉ tính riêng trong năm 2014, doanh thu mà những quảng cáo trên YouTube ở thị trường Mỹ mang lại cho Google đã lên tới 1,13 tỷ USD. Hay trên thị trường toàn cầu, YouTube có được lượng truy cập khổng lồ với hơn một tỷ người truy cập mỗi tháng và cứ trung bình mỗi phút lại có hơn 100 tiếng video được người dùng tải lên.
Qua những con số ấn tượng ở trên, dễ thấy doanh thu từ quảng cáo trên YouTube mang lại cho Google là không hề nhỏ. Nhưng, mục tiêu của hãng không chỉ dừng lại ở đó. Ở thời điểm hiện tại, truyền hình truyền thống vẫn là điểm đến yêu thích của những thương hiệu và các cơ quan muốn thuê quảng cáo. Song, chỉ cần đến năm 2016, số tiền mà các doanh nghiệp dành cho quảng cáo trên Web sẽ vượt qua ngân sach họ dành cho quảng cáo trên truyền hình (theo một nghiên cứu công bố vào tháng 11/2014 của Forrester).
Bởi vậy, theo Sameet Sinha, một nhà nghiên cứu tại B. Riley & Co, nhiều khả năng trong năm 2015, Google sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược hợp tác cùng những thương hiệu lớn và các cơ quan quảng cáo để thực hiện mục tiêu "thế chỗ" cho dịch vụ quảng cáo truyền hình truyền thống của hãng.
3. Android ở mọi nơi
Có thể nói rằng, ở Google năm vừa qua, không có bộ phận nào bận rộn bằng bộ phận Android của hãng. Mức độ phổ biến của hệ điều hành Android giờ đây đã chiếm tới 80% lượng điện thoại thông minh trên thế giới. Trên hết, bước tiến và đà tăng trưởng của nền tảng này vẫn đang liên tục không ngừng nghỉ qua từng ngày.
Vào tháng 9/2014, Google đã chính thức vận hành dự án "Android One", một sáng kiến mới nhằm mang những chiếc điện thoại Android "siêu rẻ", có chất lượng cao tới những thị trường mới nổi. Với dự án này, Google có thể kiểm soát được cả phần cứng lẫn phần mềm của chiếc điện thoại được sản xuất, qua đó có thể tạo nên được những chiếc smartphone giá rẻ mà vẫn hoàn thành được tiêu chí mạnh mẽ, mượt mà và tối ưu.
Chiếc điện thoại Android One đầu tiên đã xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 9/2014. Sang tháng 12, Google tiếp tục mở rộng chương trình tới lần lượt các quốc gia đang phát triển khác như Bangladesh, Nepal và Sri Lanka. Các quốc gia Đông Nam Á như Philippines và Indonesia cũng nằm trong mục tiêu của Google cuối năm 2014, nhưng sau đó hãng đã tạm hoãn lại để chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Dự kiến, sang năm 2015, dự án Android One sẽ có thể "đặt chân" tới những quốc gia này.
Bên cạnh đó, tham vọng "phổ cập" Android cũng được "tiếp bước" nhờ có phiên bản Android 5.0 Lollipop với nhiều thay đổi lớn về thiết kế và giao diện người dùng (giới thiệu vào tháng 6/2014). Phó chủ tịch cấp cao của Google, Sundar Pichal mô tả đây chính là bản Android "lớn nhất, tham vọng nhất" trong những phiên bản hệ điều hành từ trước đến nay của công ty.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác như đồng hồ thông minh (smartwatch), hay ô tô tự động, nhà thông minh (smarthome), … đâu đâu cũng đều thấy có xuất hiện của Google trong đó. Thực vậy, trong khuôn khổ hội nghị dành cho các nhà phát triển I/O diễn ra vào tháng 6/2014 vừa qua, ngoài Android L (Lollipop) thì Google cũng đã công bố một loạt các dự án quan trọng, trong đó có Android Auto (xe hơi) và cả Android Wear (thời trang công nghệ).
Đặc biệt, với việc phát hành bản Android Wear dành riêng cho những thiết bị đeo tay, Google đã quyết tâm củng cố vị thế của mình tại thị trường mới nhiều tiềm năng này. Dù hiện tại, giá của sản phẩm đeo vẫn còn quá đắt và chưa được người tiêu dùng hưởng ứng. Tuy nhiên, theo Hiroshi Lockheimer, kỹ sư Android hàng đầu của Google nói với Cnet vào tháng 9/2014, "hãng đã có sẵn kế hoạch để giúp Android Wear tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới (2015)".