Tung ra quá nhiều công nghệ mới và áp dụng các thủ thuật marketing quá đà đã khiến khách hàng “bỏ chạy gần hết”. Có thể nói, chính các hãng sản xuất TV đã “tự bắn vào chân mình”.
Năm 2010 đã trôi qua nhưng “nỗi sợ hãi” mà các nhà sản xuất TV để lại trong tâm trí khách hàng có thể sẽ khiến họ mất cả năm 2011 để gội rửa. Kể từ năm 2010, thị trường TV thế giới được chào đón hàng loạt mẫu sản phẩm được trang bị những công nghệ và tính năng mới “mang tính đột phá”. Panasonic, Sony tiên phong trong trào lưu TV 3D màn hình lớn bất chấp nội dung 3D vẫn hiếm hoi và đắt đỏ. Sony còn tiếp tục đổ thêm vào thị trường dòng TV sử dụng phần mềm của hãng Google và buộc khách hàng phải tự mày mò tìm hiểu dòng Google TV này khác gì so với những mẫu sản phẩm có khả năng kết nối Internet khác (trong đó có cả những mẫu của chính Sony). Trong khi doanh số không tăng, bắt đầu vào mùa mua sắm cuối năm, các hãng TV lại tiếp tục dội bom bằng loạt sản phẩm mới: TV LCD, TV LED, TV có khả năng kết nối Wi-Fi, TV có ứng dụng đi kèm, TV có khả năng lướt web… Họ cho rằng, việc tung ra những tính năng mới lạ ấy sẽ khiến người dùng sẵn sàng tậu thêm một chiếc TV mới với giá bán thường là cao hơn tới 50%.
Thật không may, báo cáo từ các hãng bán lẻ cho thấy, khi năm 2010 kết thúc lượng sản phẩm TV tồn kho, ế khách đã lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua – một kết quả nghe qua có vẻ như khá ngược đời. Vậy đâu là nguyên nhân? “Sự quá dư thừa trong các phương án lựa chọn, các tiểu xảo marketing được áp dụng thái quá khiến khách hàng hoảng sợ”, Paul Gagnon, giám đốc khu vực Bắc Mỹ, chuyên trách thị trường TV của hãng nghiên cứu thị trường DisplaySearch nêu ý kiến, “Các nhà sản xuất chỉ biết nhắm mắt tung ra những công nghệ mới, trong khi giá bán lại liên tiếp bị đẩy lên cao. Kết quả là người ta liên tục trì hoãn những kế hoạch mua TV để đợi cho đến khi tính năng mới được tung ra hết và giá bán giảm xuống”.
Tại Bắc Mỹ, cho đến hết quý III/2010, doanh số TV chỉ tăng 0,4%. Riêng thị trường TV LCD, lần đầu tiên thị trường này có mức tăng trưởng âm kể từ khi TV LCD ra mắt (năm 2006). Theo hãng nghiên cứu thị trường iSuppli, nguyên nhân là các hãng sản xuất tung ra quá nhiều mẫu mới với những công nghệ “lạ”. Thay vì phải mất công tìm hiểu và lựa chọn, người tiêu dùng quay về với dòng TV Plasma bởi giá rẻ và chất lượng vẫn ngang ngửa, qua đó đẩy doanh số của dòng sản phẩm này tăng vọt bất chấp trước đó người ta đã soạn sẵn “điếu văn” cho TV công nghệ Plasma.
“Có một lượng khách hàng ảo tương đối lớn. Họ bày tỏ ý định mua nhưng rốt cuộc lại không mua bởi họ tin rằng khi các mẫu mới ra đời, sản phẩm này sẽ lạc hậu và giảm giá nhanh chóng” George Sherman, phó chủ tịch cấp cao của Best Buy - hãng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ, cho biết. Một cuộc nghiên cứu, khảo sát do Best Buy và Impulse Research cùng thực hiện cho thấy, có đến 40% số khách hàng cho biết sự lo ngại sản phẩm mình mua sẽ bị lạc hậu về công nghệ sau một thời gian ngắn đã ngăn cản họ mua sắm các đồ dùng điện tử, trong đó có TV.
Đến lúc này, Samsung, Panasonic đã bắt đầu tìm cách sửa sai. Theo tiết lộ của ông Boo-Keun Yoon, chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm nghe nhìn của Samsung cho biết trong năm nay hãng sẽ tung ra khoảng 40 mẫu mới nhưng được chia thành các nhóm với kích cỡ màn hình khác nhau, cấu hình, công nghệ khác nhau trong đó có cả những chiếc TV Plasma 50 inch với giá 850 USD cho đến mẫu TV LED 3D 75 ich có khả năng lướt web với giá lên tới 4.000 USD. Chưa biết thị trường có “ấm lên” hay không nhưng mục tiêu số 1 của các nhà sản xuất lúc này là giải phóng hàng tồn kho.
Giám đốc Panasonic Hoa Kỳ, Joseph M. Taylor thừa nhận: “Đừng bao giờ mang đến những tính năng mà khách hàng chưa quen thuộc mà không có sự giải thích cặn kẽ. Khi đó, bạn chỉ đuổi khách đi mà thôi”.