Vào ngày 16/8 vừa qua, 2020 QG - một tiểu hành tinh đã bay "sượt" qua Trái Đất ở khoảng cách 2.950km, kỷ lục tiếp cận gần nhất địa cầu của một tiểu hành tinh, nhưng không ai phát hiện ra. Đài quan sát Palomar tại California, Mỹ chỉ nhận biết được sự tồn tại của 2020 QG sau khi nó bay qua Trái Đất được 6 giờ.
Với kích thước rộng từ 2-5,5m, tương đương với kích thước của một chiếc ôtô, 2020 QG gần như vô hại nếu va chạm với Trái đất. Khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất, tiểu hành tinh 2020 QG sẽ nổ tung tạo ra một quả cầu rực lửa. Vụ nổ sẽ giải phóng nguồn năng lượng tương đương với vài chục kiloton thuốc nổ TNT, bằng quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Nhật Bản năm 1945. Do diễn ra trong bầu khí quyển nên âm thanh của vụ nổ sẽ lẫn vào tiếng giao thông đông đúc.
Mặc dù tiểu hành tinh 2020 QG chẳng gây nguy hiểm gì cho con người trên mặt đất nhưng việc không ai phát hiện ra sự tồn tại của nó đã gióng lên hồi chuông báo động đối với giới thiên văn học về lỗ hổng trong nhiệm vụ thực hiện các cuộc “săn” mối đe dọa từ không gian đến Trái Đất.