Lịch sử y học nhân loại đã ghi nhận không ít dịch bệnh lớn gây chết chóc kinh hoàng trên toàn thế giới. Trong số này, cái tên khiến các nhà khoa học đau đầu nhất, cũng như gây ám ảnh cho các nhà dịch tễ học giàu kinh nghiệm nhất chính là Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 - đại dịch cúm dây chết người một cách bất thường và có liên quan đến vi-rút cúm A H1N1.
Đại dịch kinh hoàng này bùng phát vào tháng 1 năm 1918 và kéo dài cho đến tháng 12 năm 1920. Lây nhiễm cho khoảng hơn 500 triệu người trên khắp thế giới và lấy đi sinh mạng của 17 tới 100 triệu người trong số đó (tương đương từ 3 đến 5% dân số toàn cầu). Vậy điều gì đã góp phần tạo nên một trong những thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại này?
Một nghiên cứu mới được tiến hành gần đây cho thấy bên cạnh một nguyên nhân chủ quan là chất lượng y tế cộng đồng ở nhiều quốc gia thời điểm bấy giờ đã xuống cấp trầm trọng do tác động từ Thế chiến I, đại dịch cúm Tây Ban Nha còn trở nên tồi tệ hơn bởi các yếu tố bất thường về khí hậu toàn cầu. Kết luận này được các nhà nghiên cứu đưa ra sau khi phân tích các mẫu lõi băng khai quật từ những dòng sông băng ở châu Âu và nhận thấy nhiều yếu tố bất thường liên quan đến lượng mưa và nhiệt độ không khí tổng thể vào thời điểm đó.
Ví dụ, bằng cách đo đạc sự hiện diện của các dấu hiệu hóa học của khí biển trong lõi băng, các nhà khoa học có thể tìm ra bằng chứng về các cơn bão quy mô lớn và một số hình thái thời tiết cực đoan khác. “Những bất thường trong tính chất hóa học của không khí từ biển ẩn chứa trong lõi băng thu được dường như có liên quan mật thiết đến hoạt động của những cơn bão đặc biệt nghiêm trọng hình thành tại khu vực Bắc Đại Tây Dương trong các năm 1914–1918, 1921–1922 và 1926”, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
“Những trận mưa xối xả và nhiệt độ lạnh giá bất thường được ghi chép rõ ràng đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả của nhiều trận đánh lớn ở Mặt trận phía Tây trong những năm thế chiến I từ 1914 đến 1918. Ngoài ra, kết quả phân tích lõi băng cũng chứng thực sự xuất hiện của những trận mưa xối xả trên các chiến trường thuộc Mặt trận phía Tây, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng do đuối nước, phơi nhiễm, viêm phổi, suy giảm miễn dịch và các bệnh nhiễm trùng khác”.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng có một sự đối nghịch lớn giữa tình trạng khí hậu Trái đất trước và trong lúc Đại dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra so với đại dịch COVID-19 đang hoành hành toàn cầu hiện nay. Chẳng hạn, trong năm nay, các đợt nắng nóng nghiêm trọng và cháy rừng đã kết hợp làm điều kiện không khí trở nên tồi tệ hơn ở nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe miễn dịch của mọi người cũng như tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên các sự kiện khí hậu năm 1917 và 1918 lại diễn ra ngược lại: Cực lạnh và mưa nhiều. Các nhà nghiên cứu cho rằng rằng điều này có khả năng ảnh hưởng đến một phương thức lây truyền dịch bệnh cực lớn vào thời điểm đó, với vật chủ chính là các loại gia cầm, đặc biệt là vịt trời. “Vịt trời là ổ chứa vi rút cúm H1N1 và 60% vịt trời có thể bị nhiễm vi rút cúm H1N1 mỗi năm”.
Khi cái lạnh kéo dài tấn công toàn bộ lục địa, các loài chim di cư là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chúng dựa vào các yếu tố thời tiết để báo hiệu việc di cư, và khi kế hoạch thông thường bị phá vỡ bởi các yếu tố thời tiết bất hợp lý, chúng cũng phải thích nghi để tồn tại trong những hoàn cảnh không báo trước. Ở trường hợp này, nhiều loài gia cầm chọn cách ở xung quanh và thậm chí hòa nhập gần hơn với con người để tồn tại. “Việc truyền vi rút cúm H1N1 từ động vật (gia cầm và động vật có vú) sang người xảy ra chủ yếu qua nguồn nước bị nhiễm phân từ các loài chim bị nhiễm bệnh”, các nhà nghiên cứu giải thích.
Động vật mang theo những căn bệnh nguy hiểm trên cơ thể chúng trong suốt quá trình sống, và sự di cư của chúng được quy định bởi các điều kiện môi trường. Mọi sự bất thường có thể tạo ra những xáo trộn nguy hiểm mà thiệt hại sau cùng sẽ rất khó tưởng tượng.