Hoạt động của các sở Bưu Chính Viễn Thông: Khó!

Do trách nhiệm được giao chưa rõ ràng, khung pháp lý quá thiếu, bộ chủ quản lại chưa thật quan tâm, nhiều sở Bưu Chính Viễn Thông (BCVT) mới chỉ được "làm đẹp đội hình".

Tại hội thảo "Phát triển BCVT & Công Nghệ Thông Tin (CNTT) và giải pháp cho nền hành chính điện tử" do Sở BCVT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 14/6/2006, nhiều sở BCVT các tỉnh phía Bắc đã phàn nàn về việc không thực hiện được chức năng và vai trò quản lý.

Ông Đỗ Thanh, giám đốc (GĐ) Sở BCVT tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp (DN) còn chưa biết có Sở BCVT, vì thế họ không chấp hành các quy định và yêu cầu của Sở. Có tình trạng này là do trách nhiệm giao cho các Sở BCVT chưa rõ ràng, nhất là trách nhiệm đối với các DN và các hộ kinh doanh trong lĩnh vực CNTT - viễn thông.

Ở Bắc Giang, các DN CNTT, kinh doanh thiết bị BCVT và CNTT 100% là tư nhân, từ trước đến nay chưa phải báo cáo ai, nên nay cũng không báo cáo hoạt động về Sở BCVT! Theo ông Nguyễn Văn Diệu, GĐ Sở BCVT Bắc Giang, tỉnh này hiện vẫn xếp nhiều DN (trong đó có bưu điện tỉnh) là cơ quan ngang sở, tạo nên những nhận thức khác nhau, gây khó cho công tác chỉ đạo của các sở với DN. Không những thế, nhiều lãnh đạo sở, huyện đến nay vẫn chưa rõ chức năng, nhiệm vụ của Sở BCVT khác thế nào so với Bưu Điện tỉnh. Nhiều người còn nghĩ Sở BCVT từ Bưu Điện tỉnh tách ra. Cũng chính vì thế, vai trò của Sở BCVT trong việc triển khai các Đề Án (ĐA) 112 và 47 còn mờ nhạt.

Mặt khác, việc triển khai đầu tư ứng dụng về CNTT hiện nay chưa có một đầu mối thống nhất, mà còn qua nhiều kênh: Đầu tư theo dự án (DA) do Sở KH-ĐT đề xuất; Đầu tư dự toán hằng năm của các đơn vị do Sở Tài Chính đề xuất; Đầu tư thiết bị, dụng cụ dạy học do Sở Giáo Dục - Đào Tạo đề xuất... Tất cả các nguồn đầu tư này đều từ ngân sách địa phương cấp. Sự thiếu định hướng, thiếu đồng bộ, chồng chéo trong đầu tư làm cho hiệu quả mang lại chưa cao.

Ông Nguyễn Văn Được, GĐ Sở BCVT tỉnh Yên Bái phàn nàn: Khó nhất đối với các Sở BCVT là thực hiện chức năng quản lý nhà nước (QLNN) về CNTT. Hiện nay, các DA CNTT của các ngành đều do ngành quản lý, việc báo cáo chỉ thực hiện với chủ đầu tư, chưa có sự quản lý thống nhất trên địa bàn tỉnh. Cơ chế thẩm định các DA cũng chưa rõ ràng. Có DA do DN trực tiếp đề nghị thẩm định. Có DA do Vụ Kế Hoạch – Tài Chính của Bộ BCVT gửi đề nghị Sở tham gia ý kiến. Sở có chức năng là cơ quan QLNN về CNTT nhưng những quy định làm căn cứ thẩm định chưa có. Chẳng hạn trường hợp mua trang thiết bị tin học cho các cơ quan từ nguồn ngân sách thì do Sở Tài Chính thẩm định, nhưng chỉ thẩm định về giá. Còn các DA lớn, như ĐA 112, ĐA 47 phụ thuộc vào nguồn vốn của Trung Ương nên địa phương không chủ động trong quá trình thực hiện.

Đã thế, bộ máy các Sở BCVT còn rất thiếu và yếu. Sở BCVT Bắc Giang có 5 phòng thì 4 phòng chưa có lãnh đạo vì 100% cán bộ làm hợp đồng tạm thời. Sở BCVT Thanh Hoá vẫn chưa có lực lượng thanh tra. Ở Nghệ An, sở chủ quản lĩnh vực CNTT trước đây không muốn bàn giao lĩnh vực này cho Sở BCVT vì Sở BCVT còn thiếu ban bệ và nhân lực. Ở Yên Bái, Sở BCVT đã xây dựng đề án thành lập trung tâm CNTT, nhưng do không có hướng dẫn từ Bộ nên các cơ quan chức năng còn đang xem xét, chưa quyết định. Về tổ chức, hầu như các sở tự nghĩ ra chứ chưa có mô hình nào...

Hầu hết đại biểu cho rằng phần lớn các vướng mắc là do Thông Tư Liên Tịch 02/2004/TTLT-BBCBT-BNV (hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở BCVT) không phù hợp thực tế, không cụ thể trong việc phân cấp, phân quyền, khó vận dụng để xây dựng bộ máy... Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như Nghị Định 55/2001/NĐ-CP, Thông Tư 05/2004/TT-BBCVT, Nghị Định 24/2004/NĐ-CP cũng đã có nhiều điều lạc hậu, hoặc quá chung chung, rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Được (Yên Bái) đặt câu hỏi: "Thông Tư 02 chỉ do 2 Bộ soạn, hoàn toàn có thể sửa được, tại sao lại không sửa? Các Sở BCVT sinh ra là vì lợi ích chung và cần có chức năng rõ ràng, chứ không phải chỉ để làm đẹp cho bộ máy".

Thực ra, tình trạng đó đã được một số Sở BCVT nêu ra trước đây, nhưng chưa được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Chúc, GĐ Sở BCVT Vĩnh Phúc ví Sở BCVT các tỉnh như những đứa con bị Bộ BCVT bỏ mặc. Trong khi các sở đang rất lúng túng thì lãnh đạo Bộ và các vụ rất ít đi công tác đến các tỉnh để nắm bắt tình hình. Các sở đã ra đời 1-2 năm nhưng Bộ vẫn chưa tổng kết xem vướng mắc ở đâu để khắc phục. Khi tổ chức hội thảo, Sở BCVT Vĩnh Phúc đã trực tiếp mời lãnh đạo Bộ BCVT và các vụ, nhưng rốt cuộc không có đại diện nào của Bộ đến dự. Tuy nhiên, ông Chúc cho biết sẽ tập hợp góp ý, kiến nghị của Sở BCVT các tỉnh để chuyển cho Bộ.

Ông Hoàng Lê Minh, phó giám đốc Sở BCVT TP.HCM

"Khó khăn trong kết nối hệ thống thông tin"

Với Sở BCVT TP.HCM, khó khăn không nằm ở nhân lực, sự giao trách nhiệm hay kinh phí như các sở ở các địa phương bạn đã đề cập. Khó khăn của chúng tôi là ở quy mô rộng lớn của TP.HCM. Với 24 quận huyện và trên 20 sở ngành đang xây dựng hệ thống tin của mình, bài toán cần giải là làm sao kết nối và tích hợp chúng thành một hệ thống thống nhất, có dữ liệu dùng chung giữa các ngành. Bài toán này liên quan đến các vấn đề: chuẩn kết nối dữ liệu, quy trình chia sẻ thông tin, bảo mật và an ninh mạng... Xây dựng một hệ thống thông tin thống nhất, có thể tiếp tục phát triển trong khi vẫn gắn với các hệ thống đã được đầu tư từ trước tại các đơn vị là vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên không phải không có cách giải quyết.

Mọi hệ thống thông tin bao giờ cũng gồm 3 phần, trong đó phần gốc là cơ sở dữ liệu (CSDL), ở giữa là các phần mềm xử lý dữ liệu, và phần ngọn là giao diện truy cập dữ liệu (cổng giao dịch). Kết nối phần gốc không khả thi vì rất khó đưa toàn bộ CSDL của các nơi về một hệ thống chung. Kết nối phần ngọn cũng không tiện vì sẽ khiến người truy cập thông tin phải qua "nhiều cửa", mặt khác các phần mềm lại không thể tự động chia sẻ dữ liệu qua các "cổng", vốn chỉ dành cho người sử dụng. Cách giải quyết hợp lý là kết nối ở phần giữa. Cách này giúp các đơn vị vẫn chia sẻ, dùng chung dữ liệu với nhau mà không bắt buộc phải cung cấp toàn bộ CSDL cho nhau. Tuy nhiên khi đó cần có một chuẩn chung về mô tả dữ liệu chia sẻ và khung công nghệ thích hợp để các phần mềm lớp giữa có thể "nói chuyện" được với nhau. Sở BCVT đang tìm cách giải quyết các vấn đề này để sớm đưa ra thí điểm.

Huyền Sa ghi

Thuỵ Anh

Thứ Năm, 06/07/2006 11:23
31 👨 374
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp