Google, Trung Quốc và trò chơi mèo vờn chuột

Quản Trị Mạng - Google đang đứng trước nguy cơ mất đi thị trường rộng lớn với 384 triệu người sử dụng Internet sau khi hãng quyết định ngừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc.

Việc Google đe dọa sẽ đối đầu trực tiếp với với một trong số các cường quốc hùng mạnh nhất trên thế giới đã làm cho hãng này phải dừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc và giờ đây, hãng đang phải gánh chịu hậu quả.

Cuối tháng trước, một tuần sau khi Google ngừng kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm tại Trung Quốc, hãng phát hiện Trung Quốc đã chặn một số truy cập Internet trong thời gian ngắn.

Lúc đầu, Google tự nhận lỗi về việc truy cập gián đoạn hôm thứ Hai tuần trước nhưng sau đó cho biết, có nhiều khả năng chính những thay đổi từ phía Trung Quốc mới là nguyên nhân của tình trạng trên.

Quyết định của Google chuyển người sử dụng Trung Quốc từ trang Google.cn sang trang Google.com.hk tại Hồng Kông là kết quả từ lời thách thức hôm 12/1 của hãng về việc sẽ rút các hoạt động kinh doanh tại đất nước này. Ở thời điểm đó, Google cho rằng vụ tấn công “cực kỳ tinh vi và có mục đích” nhằm vào hãng trong năm 2009 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Google không cáo buộc chính phủ Trung Quốc gây ra vụ tấn công đó (trong đó, những kẻ xâm nhập đã tìm cách vào hòm thư Gmail của các nhà hoạt động nhân quyền).

Tuy nhiên, Google đã yêu cầu người sử dụng các dịch vụ máy chủ Google Apps trên toàn cầu giám sát khả năng xuất hiện của các dịch vụ này tại Trung Quốc và nhận thấy, chính phủ Trung Quốc có thể chặn các dịch vụ này bất cứ lúc nào.

Ezra Gottheil, nhà phân tích của Technology Business Research Inc. cho biết có thể sự gián đoạn của các trang Google cho thấy, hoặc là phía Trung Quốc chỉ mới tiến hành kiểm tra các đường truyền dữ liệu hoặc nước này cũng đang gây một vài khó khăn nho nhỏ đối với việc truy cập của người sử dụng mà thôi.

Ông cũng cho biết thêm, “nếu số người truy cập trang Google.com.hk không lớn, phía Trung Quốc có thể sẽ không gây khó dễ, nhưng nếu con số này là đáng kể thì việc truy cập có thể sẽ bị chặn”.

Sau khi Google cho biết hãng có thể “lách luật” trước các quy định kiểm duyệt tại Trung Quốc thì chính phủ Trung Quốc đã ngay sau đó nhanh chóng có các biện pháp bảo vệ các nguyên tắc của chính mình.

Trong một bản tin vắn thường nhật của Trung Quốc, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Qin Gang cho biết các hành vi trên mạng Internet đều bị xem xét “nhằm phòng trừ các thông tin đe dọa đến an ninh quốc gia và lợi ích của xã hội”.

Ông không cho biết liệu việc Google chuyển người sử dụng từ Google.cn sang Hồng Kông có là vi phạm luật pháp Trung Quốc hay không, nhưng ông giữ vững quan điểm về việc các công ty hoạt động tại Trung Quốc phải tuân theo luật pháp tại đất nước này. Ông Qin cũng tiết lộ một chút thông tin về việc chính phủ có thể phản ứng trước động thái trên của Google trong thời gian dài.

Dan Olds, nhà phân tích của Gabriel Consulting Group Inc. cho rằng: “Những gì chúng ta có thể nhận thấy giờ đây chính là sự bắt đầu của cuộc chơi mèo vờn chuột với một bên là chính phủ Trung Quốc cùng những thay đổi hết sức tinh vi trong bức tường lửa “Great Firewall” nhằm ngăn chặn hoặc làm giảm các dịch vụ của Google tại Trung Quốc".

Ông cũng cho biết thêm: “Sự ngăn chặn gián đoạn này có thể là do phía Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm các công nghệ mới hoặc Trung Quốc cũng cho rằng đây là cách hiệu quả nhất nhằm gây khó dễ cho Google”.

Augie Ray, nhà phân tích của Forrester Research Inc. cho rằng mặc dù vẫn chưa có gì chắc chắn về việc Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trong thời gian dài, nhưng có thể cho rằng quyết định chuyển người sử dụng sang trang tại Hong Kong là một bước đi khôn ngoan. “Thay vì đơn phương rút lui, họ đã đẩy quả bóng về phía luật pháp Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc sẽ xem đây chính là một hành vi lách luật”.

Trong khi đó, cuối tháng trước, Microsoft tiếp tục khẳng định kế hoạch tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và sẽ tuân theo luật pháp của đất nước này. Cornelia Kutterer, giám đốc chính sách pháp luật của Microsoft cho biết “Chúng tôi đã kinh doanh ở Trung Quốc hơn 20 năm nay và vẫn dự định sẽ tiếp tục tiến hành kinh doanh ở đây”.

Thứ Ba, 06/04/2010 10:18
51 👨 479
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp