Đào tạo trực tuyến: Như phận con nuôi

Phong phú và linh hoạt, dễ tiếp cận và tiện lợi, tiết kiệm và hiệu quả..., giáo dục trực tuyến (e-learning) mở ra một lối đi rộng cho giáo dục Việt Nam. Nhưng dường như loại hình đào tạo này còn chưa được coi trọng.

Đào tạo trực tuyến (ĐTTT) là một cuộc cách mạng về học tập. Người học có thể ngồi một chỗ để... “đến trường” bất cứ thời gian nào, bất kể trường đó ở đâu trên thế giới. ĐTTT cũng thay đổi cách tiếp cận, lĩnh hội tri thức. Không còn kiểu thầy đọc trò ghi nữa mà người học phải chủ động. Các hoạt động đọc, xem, khám phá, nghiên cứu, tương tác, thực hành, giao tiếp, thảo luận, chia sẻ kiến thức trên mạng mang lại cho người học nhiều hứng thú và niềm vui tìm tòi, suy nghĩ.

Với Nhà Nước, ĐTTT có hiệu quả kinh tế cao, chỉ cần một giáo viên (GV) giỏi có thể giảng cho hàng nghìn người; có thể dễ dàng mời GV, chuyên gia nước ngoài giảng dạy với chi phí không đắt... Như vậy, ĐTTT giúp nâng cao quy mô và chất lượng ĐT, làm giảm chênh lệch về cơ hội học tập giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị, giúp giáo dục VN hội nhập nhanh hơn với thế giới.

Đào tạo trực tuyến

Những bước dò dẫm

Khoa CNTT Đại Học Mở Hà Nội là đơn vị đầu tiên đào tạo trực tuyến có cấp bằng ĐH cho sinh viên (SV). Từ năm 2001, trung tâm Công Nghệ Đào Tạo Trực Tuyến của khoa đã thành lập một nhà trường ảo “FIHOU CYBERSCHOOL” đặt trên website fithou.net.vn và bắt đầu tuyển SV ngành CNTT. Khóa đầu tiên có 150 SV dự học. Đến nay, trường có hơn 1000 SV theo học CNTT trực tuyến, với mức học phí bằng 1/3 so với học trực tiếp.

Theo GS, TS Thái Thanh Sơn, chủ nhiệm Khoa CNTT, SV được trường cung cấp các bài giảng qua mạng, các PM, đĩa CD giáo trình điện tử để tự học với sự trợ giúp của chương trình phụ đạo trực tuyến (Online Tutorial). Trường còn có trung tâm học liệu ở các địa phương để SV khai thác. Thông tin về các môn học và điểm của SV cũng được đưa lên mạng. Còn lại, việc đăng ký nhập học, xét duyệt hồ sơ cũng như nộp học phí... vẫn phải thực hiện trực tiếp. Ông Sơn gọi đó là “đào tạo trực tuyến có sử dụng ngoại tuyến (offline)”.

Tại trung tâm đào tạo Trí Đức (một cơ sở tại Hà Nội của trung tâm Phát Triển CNTT ĐH Quốc Gia TP. HCM), ông Lê Hồng Lạc, phó giám đốc cho biết, mô hình đào tạo từ xa mà trung tâm Phát Triển CNTT đang áp dụng là bán trực tuyến, kết hợp giữa trực tuyến và ngoại tuyến. Theo quy chế về giáo dục từ xa của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT), trung tâm thực hiện giảng dạy trực tiếp tối đa là 30% chương trình. Phần còn lại là cung cấp tài liệu, kiến thức qua mạng, đĩa CD, phần mềm (PM) cho SV tự học. Ở khu vực phía bắc, số SV đang học CNTT từ xa tại các cơ sở của trung tâm Phát Triển CNTT khoảng gần 30.000 người, trong đó hệ ĐH chiếm một nửa. Tất cả đều học bán trực tuyến, trừ 2 lớp cao học (khoảng 50 người) là hầu như hoàn toàn học trực tuyến.

Một số đơn vị khác như Học Viện BCVT, ĐH Công Nghệ thuộc ĐH Quốc Gia Hà Nội cũng rục rịch đào tạo trực tuyến về CNTT-VT, trong đó Học Viện BCVT sang năm học tới được Bộ GDĐT cấp chỉ tiêu 2.000 SV.

Qua các đơn vị có đào tạo trực tuyến trong ngành GD, có thể thấy ĐTTT chính thống của VN mới ở mức sơ khai cả về số lượng lẫn chất lượng, phạm vi; còn thiếu nhiều công cụ, tính tương tác chưa cao, chưa có chuẩn về công nghệ, phương pháp và đội ngũ cán bộ giảng dạy.

Với tình trạng đó, có lẽ rất cần một cú hích của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, đến tháng 11/2004, ngành GD mới có một cổng e-learning chính thức tại địa chỉ http://el.edu.net.vn. Cổng do Trung Tâm Tin Học Bộ GDĐT (TTTH) tự thiết kế trên công nghệ Web Conferencing, sử dụng mã nguồn mở. Cổng cung cấp công nghệ và một số mô hình mẫu về đào tạo trực tuyến CNTT, kiến thức, tin tức về e-learning để các trường tự tìm hiểu, triển khai.

Đến nay có gần 10 ĐH sử dụng hệ thống ĐTTT của TTTH, như ĐH Quốc Gia Hà Nội, ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Y Tế Cộng Đồng... Mức độ sử dụng hiện nay mới chỉ là thử nghiệm, hỗ trợ SV học theo phương thức truyền thống. Chẳng hạn, qua website của trường, SV biết sẽ học môn gì, nội dung gì để chuẩn bị trước. Họ cũng có thể chia sẻ tài nguyên, những bài thực hành mẫu, hoặc làm các bài tập trên mạng, biết kết quả ngay.

Doanh nghiệp thể hiện

Trong khi các đơn vị thuộc ngành GD đang dò dẫm triển khai, thì một số doanh nghiệp, cơ sở tư nhân đã nhanh chân tiếp cận thị trường ĐTTT.

tháng 1/2005, công ty Global Education VN (đối tác của tập đoàn giáo dục quốc tế Global Education Mỹ, Canada, Anh, chuyên đào tạo ngôn ngữ quốc tế) bắt đầu cung cấp các khóa học tiếng Anh trực tuyến tại website hocngoaingu.com và globaledu.com.vn. Tháng đầu tiên chỉ 01 người đăng ký học! Nhưng sau đó, số học viên (HV) đã tăng nhanh chóng. Hết quý I, có 200 người đăng ký; cuối quý II, HV tăng lên đến 600; đến hết quý III, số HV trực tuyến đạt 1000 người.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, giám đốc Global Education, chương trình ĐTTT này do công ty mua của nước ngoài (Q Group) nhưng đã thiết kế lại cho phù hợp với VN. Còn PM hoàn toàn do công ty tự thiết kế nên các khóa học có giá tương đối rẻ. Về mặt kỹ thuật, chương trình được thiết kế đơn giản (low-tech), có thể truy cập để học bằng đường truyền dial-up. Ông Huy cho biết, khoảng 1 tháng nữa công ty sẽ đưa các file video vào chương trình và đầu năm sau sẽ có phần GV trực tuyến (Professor Online). Lúc đó một tuần HV sẽ được tham gia 3 buổi giảng trực tuyến.

Ở VN hiện nay còn một số website học tiếng Anh khác như elearning.com.vn, cleverlearn.com. Các website này có đầy đủ công cụ hơn và khá nổi tiếng, nhưng sử dụng toàn bộ công nghệ, chương trình của nước ngoài và đòi hỏi phải có đường truyền ADSL. Riêng Cleverlearn cung cấp những công cụ khá thú vị giúp học tiếng Anh và tra từ điển qua điện thoại di động, PDA. Người học tiếng Anh tại hai trung tâm này được cấp chứng chỉ của các tổ chức nước ngoài.

Trong các tổ chức về ĐTTT hiện nay thì trường ảo VnDG Campus là một trường hợp độc đáo. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Cổng Phát Triển VN (vietnamgateway.org) và Tổ Chức Phát Triển Nguồn Nhân Lực Đức (InWent). Theo TS Trần Thị Thu Hương, phó giám đốc công ty Điện Toán và Truyền Số Liệu Khu Vực 1 (VDC1) kiêm giám đốc dự án VnDG, về mặt công nghệ, VnDG Campus là đầy đủ và bài bản nhất VN hiện nay và toàn bộ do InWent tài trợ. Hệ thống ĐTTT Global Campus 21 đã được InWent dùng từ năm 2000 và thu được nhiều thành công trên thế giới. Vừa qua, VnDG Campus mới thực hiện một vài khóa đào tạo mang tính chất hoạt động xã hội. Trong tương lai, sau khi xin được giấy phép của Bộ GDĐT, VnDG sẽ liên kết với các trường như ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật Hưng Yên, ĐH Bách Khoa, ĐH Y Tế Cộng Đồng... để cung cấp trọn vẹn các khóa học trực tuyến.

Mặc dù ĐTTT nhiều tiềm năng, nhưng cũng có nhiều website e-learning “chết yểu”. Vài năm trước, các website ôn thi ĐH như khoabang.com.vn, truongthi.com.vn, viettraining.com.vn, ehocduong.com.vn từng là "hiện tượng", nhưng nay đã mất tăm. Điều này cho thấy nếu nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy không phù hợp; việc nghiên cứu nhu cầu, điều kiện, tâm lý của HV không kỹ thì GDTT khó thành công.

Chỉ là "con nuôi"?

Tuy nhiên, khó khăn chính đối với ĐTTT lại đến từ hướng khác. Mặc dù TTTH của Bộ GDĐT có nhiều cố gắng trong việc phổ biến e-learning, nhưng để thúc đẩy e-learning phát triển mạnh mẽ thì một TTTH là quá ít. Ông Vũ Thanh Hùng, chuyên viên phụ trách cổng e-learning của TTTH cho biết: cổng do trung tâm tự làm, không theo dự án nào của Bộ. Sở dĩ cổng chỉ có thể đưa những mô hình mẫu về giảng dạy CNTT là vì những người xây dựng cổng chỉ có chuyên môn về CNTT.

So với các nước phát triển mà mủi lòng! Các nước có hẳn những cơ quan chuyên nghiên cứu về e-learning, sẵn sàng trả lương cao để mời chuyên gia giỏi. Ở VN, lâu nay giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn cũng kêu gọi thành lập một trung tâm quốc gia về giáo dục từ xa, nhưng đến nay trung tâm ấy vẫn chưa thành hình.

Còn nhiều khó khăn nữa, nhưng khó khăn lớn nhất có lẽ là các cơ quan hữu trách chưa tích cực giải quyết khó khăn! Mặc dù sự quan trọng vẫn được thể hiện trong các chủ trương, chính sách, nhưng trong thực tế, giáo dục từ xa, trong đó có ĐTTT đang được đối xử như là... con nuôi mà thôi.

CNTTNgoại ngữCác lĩnh vực khác

el.edu.net.vn (Bộ GDĐT)
el.edu.net.vn/lms (Bộ GDĐT)
quantrimang.com
vietphotoshop.com.
e-ptit.edu.vn (Học Viện BCVT)
huukhang.com
fithou.edu.vn (Khoa CNTT, Đại Học Mở Hà Nội)

http://hocngoaingu.com
hoặc http://globaledu.com.vn
elearning.com.vn
cleverlearn.com
hp-vietnam.com

ephysicsvn.com
issad.biz (Tư vấn đào tạo từ xa chương trình quản trị kinh doanh MBA và BBA của 2 đại học ở Mỹ và Châu Âu).
eduport.com.vn cung cấp các chương trình và dữ liệu ôn tập
dbavn.com/elearning/index.php (ĐH Đà Nẵng)

14-11-2005.

Thứ Hai, 13/07/2020 14:22
51 👨 710
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp