Tháng 8/2015, Google khiến cộng đồng công nghệ sửng sốt khi thông báo về sự ra đời của công ty mẹ Alphabet và một quá trình cải tổ toàn bộ doanh nghiệp có tính chất đột phá. Một tháng sau đó, "gã tìm kiếm khổng lồ" lại tiếp tục gây bất ngờ bằng một logo mới tròn trịa hơn với phong cách thiết kế đúng xu hướng hiện đại. Trong khi không dễ dàng để dự đoán được liệu những thay đổi này sẽ tác động tới tương lai của Google – một trong những công ty đổi mới nhất thế giới như thế nào thì đa phần giới công nghệ đều hết sức ủng hộ trước những bước tiến đó.
Điều lạ lùng nhất trong quyết định tái cấu trúc đó là hai đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã nhường lại vị trí CEO Google cho Sundar Pichai – giám đốc mảng Android, Google Chrome và có vai trò chủ chốt trong hầu hết các sản phẩm, dịch vụ của Google hiện tại. Tuy nhiên, dù là gì đi nữa thì đằng sau câu chuyện này vẫn để lại cho chúng ta – những người đã và đang nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp 3 bài học vô cùng lớn về điều hành doanh nghiệp trong dài hạn.
Sự khác biệt giữa doanh nhân và chủ kinh doanh
Các chủ kinh doanh (business owner) thường dồn hết nỗ lực của họ vào việc giữ công ty của mình được tồn tại trên thị trường và có lợi nhuận. Trái lại, các doanh nhân đích thực lại tập trung vài việc tạo ra những tác động lớn nhất đối với xã hội thông qua việc biến những ý tưởng "bất thường" thành những sản phẩm "bình thường" phục vụ cho tất cả mọi người. Các chủ kinh doanh nhỏ thường ngại rủi ro trong khi các doanh nhân với tầm nhìn lớn lại sẵn sàng đương đầu với mọi sóng gió miễn là họ còn thấy những mục tiêu của mình có thể đạt được.
Larry Page và Sergey Brin là những con người sở hữu tinh thần doanh nhân đích thực đó.
3 nguyên tắc của "cặp đôi hoàn hảo" Larry Page và Sergey Brin
1. Thuê những người giỏi hơn
Sundar Pichai được xem là "nhân tố" cốt lõi quyết định tương lai của Google sau khi Alphabet trở thành công ty mẹ nắm giữ toàn bộ hoạt động của "gã khổng lồ" này. Trong những năm gần đây, Sundar đã giành được ngày càng nhiều những trọng trách quan trọng trong việc kiểm soát các sản phẩm "lõi" của Google như Android, Chrome, Google Drive, Gmail, Google Maps và được nắm giữ cương vị CEO thay hai nhà đồng sáng lập. Thực tế, các nhân viên của Google đều cho rằng việc đưa Sundar lên làm CEO là một quyết định sáng suốt bởi anh chàng này có nhiều tài năng trong việc điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của "gã khổng lồ" về tìm kiếm.
Rõ ràng, Larry Page không còn tập trung sự chú ý của mình vào hoạt động kinh doanh quảng cáo số thông qua việc khai thác sức mạnh của thông tin như trước nữa. Thay vào đó, anh muốn đắm chìm trong những lĩnh vực mà anh cân nhắc rằng sẽ quan trọng trong việc cải thiện cuộc sống của rất nhiều người trên thế giới.
Các hoạt động kinh doanh chủ đạo của Google đòi hỏi một người phải toàn tâm toàn ý vào việc điều hành chúng. Đối với vấn đề này, đây không phải là lần đầu tiên các nhà sáng lập Google trao chức CEO cho một người khác. Trong quá khứ, CEO Eric Schmidt đã từng là người góp phần xây dựng nền tảng cho sự thành công của "gã khổng lồ" này. Larry Page và Sergey Brin là những nhà phát minh, nhà sáng tạo và doanh nhân đa tài nhưng không phải lúc nào, họ cũng là "ứng cử viên" sáng giá nhất cho vị trí điều hành toàn bộ doanh nghiệp.
Vậy thì nguyên tác này của hai nhà sáng lập Google nói lên điều gì mà các công ty hiện nay cần chú ý? Chính xác ở đây là trong quá trình chiêu mộ nhân tài, startup nên tìm kiếm các ứng viên có thể làm tốt hơn những gì mà chính bản thân họ đã làm được.
Một CTO (giám đốc công nghệ) nên tuyển một người có tư duy thiết kế trong lĩnh vực công nghệ có khả năng thiết kế, phát triển và quản lý sản phẩm tốt hơn mình. Một CMO (giám đốc marketing) nên tuyển một growth hacker (người có nhiệm vụ thúc đẩy việc tiêu dùng sản phẩm tăng lên một cách thông minh, bao gồm thu hút người dùng mới, chăm sóc người dùng hiện tại và khiến họ cảm thấy gắn bó với sản phẩm) thành thạo về công nghệ thông tin, có thể lên kế hoạch và thực thi một chiến lược marketing hoàn hảo. Một CSO (giám đốc chiến lược) nên là một "guru" về bán hàng mà có thể thúc đẩy doanh số tăng lên một cách ấn tượng và theo nhiều cách khác nhau mà những nhân viên bình thường không hề nghĩ đến.
Đã đến lúc, các doanh nhân nên tìm kiếm một CEO giỏi hơn mình để điều hành doanh nghiệp.
2. Giao phó quyền quản lý công ty cho các giám đốc điều hành
Nguyên tắc của việc chiêu mộ nhân tài có khả năng hỗ trợ người đứng đầu các công việc quản lý phức tạp đã được mô tả bởi Napoleon Hill khi thành lập Mastermind Group. Bằng cách làm như vậy, những người đứng đầu một công ty không cần thiết phải giỏi trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, họ cần khôn khéo trong việc giao phó công việc cho những cấp dưới phù hợp nhất.
Điều hành một doanh nghiệp có nghĩa là dành rất nhiều thời gian cho việc quản lý con người và dòng tiền thay vì trực tiếp tham gia vào từng khâu trong hoạt động kinh doanh đó. Thông qua việc tìm kiếm những con người đáng tin cậy và tài năng, bạn sẽ có thể dồn sức vào việc phân bổ nguồn lực và sắp đặt các nhân tài vào vị trí thích hợp để tạo ra giá trị tối đa cho doanh nghiệp.
Với việc thành lập công ty mẹ Alphabet và bổ nhiệm Sundar Pichai làm CEO của Googe, Larry Page đã tìm ra một con đường rút khỏi vị trí điều hành các hoạt động kinh doanh hàng ngày của "gã khổng lồ" để tập trung hơn vào các dự án mới. Điều quan trọng ở đây đó là thời gian đưa ra quyết định. Đầu tiên, Sundar Pichai phải đảm bảo giành được sự tín nhiệm và được biết đến với các nhân viên. Thứ hai, giám đốc tài chính Ruth Porat phải cắt giảm các chi phí để tăng sự ổn định và sức mạnh tài chính của Google. Cuối cùng đó là đưa ra những lý lẽ thuyết phục để trấn an sự lo lắng của các cổ đông về tình lợi nhuận trong tương lai của Google khi chuyển sang những mảng kinh doanh mới tiềm ẩn nguy cơ thất bại khá cao, bao gồm cả việc bắn tên lửa lên Mặt Trăng. Rõ ràng, việc "chuyển giao quyền lực" là điều rất cần thiết giúp cho Larry Page và Sergey Brin có thể tập trung vào nhiều thứ quan trọng khác.
Sundar, Ruth cùng với các giám đốc điều hành khác đã góp phần giúp cho giấc mơ về công ty mẹ Alphabet của hai nhà sáng lập Google trở thành hiện thực bởi vì họ đã xây dựng một nền tảngđầy hứa hẹn và vững chắc của Google trong tương lai mà không cần hai cựu CEO phải can thiệp trực tiếp. Đồng thời, niềm tin của Larry vào những con người này và sự đồng thuận của cả công ty cũng khiến cho tầm nhìn này trở nên có thể.
Từ thực tế tại Google, thời điểm mà các ông chủ muốn rút khỏi công ty để nhường vị trí CEO cho các nhân tài mới có thể căn cứ vào:
- Nhà sáng lập cần tìm kiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng viên tiềm năng có thể tích lũy được các kỹ năng cần thiết trong một khoảng thời gian đủ dài.
- Nhà sáng lập tin tưởng CEO mới trong việc điều hành hoạt động kinh doanh thành công, sẵn sàng giao phó trách nhiệm mà không đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ từ phía mình (tối thiểu hóa sự hỗ trợ).
- Các cổ đông tin tưởng rằng các CEO mới sẽ điều hành hoạt động kinh doanh với lợi nhuận bền vững.
3. Duy trì tinh thần doanh nhân ngay sau khi đã thành công
Thường, các nhà sáng lập sẽ rất sung sướng khi xây dựng được một công ty tỷ đô và sẵn sàng rút lui dành thời gian nghỉ ngơi để nhường vị trí điều hành cho các nhân tài mới. Tuy nhiên, Larry Page và Sergey Brin lại khác. Họ "không ngủ quên trong chiến thắng" mà rời bỏ thành công hiện tại để mưu cầu những giấc mơ cá nhân và theo đuổi mục tiêu tạo ra những lợi ích lớn hơn cho xã hội.
Như đã đề cập ở trên, một doanh nhân không đơn giản chỉ là người "nổi lên" một lần và sau đó, duy trì vai trò chủ kinh doanh của công ty đó cả đời mà là người sẵn sàng mạo hiểm và tiếp tục lao vào những thử thách mới. Họ không ngừng đổi mới, khám phá thêm nhiều lĩnh vực mới và dấn thân. Họ không cần thiết phải thành lập thật nhiều công ty. Ngược lại, các ý tưởng có thể được thử nghiệm ngay tại phòng nghiên cứu – phát triển hay dựa vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Xe tự lái, mang Internet đến với mọi người trên toàn cầu bằng máy bay hay dịch vụ giao hàng bằng máy bay không người lái (Drone), những ý tưởng này được cho là không thể và không tin được. Tuy nhiên, cho tới khi thực sự bắt đầu làm thì dường như chẳng có gì là "không" cả. Động lực mạnh mẽ để các doanh nhân không từ bỏ công cuộc đổi mới, sáng tạo đã cung cấp cho chúng ta những cơ hội và tiện ích tuyệt vời nhất mà thực tế đã chứng minh thấy rõ.