Từ mầm non lên lớp 1 là một bước ngoặt lớn của bất kỳ trẻ nào. Đây là một giai đoạn quan trọng, vậy nên các bậc cha mẹ nên đặc biệt quan tâm đến tâm lý, tâm thế trẻ trong thời gian này, bởi lúc này trẻ sẽ gặp nhiều điều bỡ ngỡ, đôi khi là những khó khăn khi chập chững bước chân vào lớp 1.
Một môi trường học mới, thầy cô mới, rồi thì đang quen được chăm sóc, vui chơi này lại phải chuyển sang hoạt động học tập là chính, ngồi một chỗ, viết bài, làm toán trong thời gian dài... điều này sẽ khiến trẻ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo sợ khi phải đi học. Chính vì vậy, mỗi bậc phụ huynh nếu có con chuẩn bị vào lớp 1 hãy quan tâm đến con và chuẩn bị cho con những kỹ năng sau để con tự tin bước vào lớp 1.
1. Về tâm lý
Có thể thấy, nhiều trẻ sau khi đi khai giảng về thường rơi vào trạng thái lo âu, hoảng sợ... Việc này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ tác động nặng nề tâm lý trẻ khiến trẻ sợ đến trường, chán nản không những ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách sau này.
Đa phần trẻ sẽ tự thích nghi được với môi trường mới nếu được cha mẹ chuẩn bị tâm lý tốt trước khi vào lớp 1:
- Đầu tiên, cha mẹ nên cho các con được làm quen với cặp sách, những đồ dùng học tập như bút, quyển sách, bảng,... Cha mẹ có thể hướng dẫn con cách sử dụng những đồ dùng này, như bút, cách đeo cặp,... và khi sử dụng xong nên cất cẩn thận vào cặp để tránh gây nguy hiểm và mất mát đồ dùng. Bên cạnh đó cha mẹ nên quan tâm đến thời khóa biểu của con để giúp con làm bài tập cũng như soạn sách đầy đủ khi mang đi học.
- Hướng dẫn cho trẻ cách ứng phó với những tình huống thường gặp trong trường, lớp học như không được giẫm chân lên bàn, không nên trêu chọc bạn, cách đi vệ sinh, khi muốn phát biểu ý kiến,... Quan trọng nhất là giúp bé hòa nhập với môi trường, tăng khả năng tự lập, tự biết giữ sức khỏe, khi nào cởi áo, mặc áo, lúc nào cần rửa tay...
- Dạy cho trẻ khả năng tập trung, để bé có thể nhanh chóng làm quen với môi trường mới. Khi con ở nhà thay vì cho con sử dụng điện thoại hay xem TV thì cả gia đình có thể cùng nhau chơi những trò chơi, cuộc thi liên quan đến việc học của trẻ như thi kể chuyện, nhập vai vào nhân vật, tập tô...
- Giúp con làm quen với môi trường mới, cho con gặp và chơi với bạn nhiều hơn để dần quen với mọi người, giúp con thích thú hơn mỗi khi đến trường.
- Khi con bắt đầu đi học, sau mỗi buổi, bố mẹ cần hỏi chuyện con về bạn bè, cô giáo, xem bé thích hay không thích gì nhất ở trường để biết cách giúp trẻ hào hứng tới lớp, dần khắc phục những khó khăn.
2. Về kỹ năng
Bên cạnh chuẩn bị tâm lý cho trẻ đi học lớp 1, thì bậc cha mẹ cũng cần chuẩn bị trước cho con những kỹ năng cơ bản về việc học này như tư thế ngồi học đúng, cách viết, kỹ năng giao tiếp... Nghe có vẻ vô dùng đơn giản nhưng hầu hết những kỹ năng này đều bị bố mẹ bỏ qua khiến bé không được trang bị kỹ càng khi đến trường.
- Về tư thế ngồi: đây là một trong những kỹ năng quan trọng đối với việc học tập của các con. Việc ngồi học đúng cách không chỉ giúp kết quả học tập tốt mà còn bảo vệ thị lực và cột sống của trẻ. Ngày nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ các con có tư thế ngồi đúng như bàn ghế học, đèn chiếu sáng hoặc cha mẹ có thể mua những bức tranh về tư thế ngồi học để các con có thể rèn luyện.
- Kỹ năng giao tiếp: bậc cha mẹ nên hướng dẫn cho con cách giao tiếp với mọi người, giới thiệu về bản thân, cảm ơn hoặc xin lỗi, bày tỏ ý kiến của mình. Những điều này sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều để trẻ cảm thấy tự tin hơn và việc học ở trường trở nên thú vị hơn.
Ngoài những điều trên, bố mẹ cũng có thể chuẩn bị góc học tập cùng con, chọn bàn học, giá sách, trang trí cùng trẻ, chuẩn bị đồ dùng học tập cùng trẻ.
Sẽ còn những cảnh hồi hộp của mẹ cha khi ngày đầu con nhập học. Sẽ còn những cảnh sốt ruột đợi chờ cho ngày đầu của con nhanh kết thúc, để hỏi han, để yêu thương. Nhưng để giúp con tự tin bước vào lớp học cũng như để chính các bậc cha mẹ yên tâm phần nào đối với ngày đầu đến lớp của con, việc trang bị những kỹ năng tiền học đường luôn có những ý nghĩa nhất định.