Có bao nhiêu nước đón tết Trung thu như Việt Nam? Trung Thu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm là một ngày lễ quan trọng ở nhiều nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore... trong đó có Việt Nam.
Dưới đây là những nước đón tết Trung thu như Việt Nam và những phong tục trong ngày Tết Trung Thu của họ.
Tết Trung Thu ở các nước trên thế giới
- 1. Trung thu tại Việt Nam
- 2. Trung thu tại Trung Quốc
- 3. Trung thu tại Hàn Quốc
- 4. Trung thu tại Nhật Bản
- 5. Trung thu tại Singapore
- 6. Trung thu tại Thái Lan
- 7. Trung thu tại Campuchia
- 8. Trung Thu tại Lào
- 9. Trung Thu tại Malaysia
- 10. Trung Thu tại Triều Tiên
- 11. Trung Thu tại Myanmar
- 12. Trung Thu tại Philippines
1. Trung thu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngày tết Trung thu còn được gọi là tết Trông trăng hay tết Đoàn viên. Có ba truyền thuyết gắn liền với nguồn gốc của tết Trung thu là Đường Minh Hoàng, Hằng Nga và Hậu Nghệ. Cho đến nay vẫn chưa rõ tết Trung thu có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Việt Nam là một nước nông nghiệp với nền văn minh lúa nước, nên vào dịp này cũng là lúc mùa màng đã gieo trồng xong, mọi người cùng nhau vui tết Trung thu, cầu mong sắp tới sẽ có một mùa màng bội thu. Trung thu là dịp để người Việt tỏ lòng biết ơn đến ông bà, cha mẹ, ân nhân; là dịp để cả gia đình sum vầy bên nhau.
Ảnh: Nguồn Internet
Theo phong tục của người Việt, vào ngày này, các gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ cúng trăng, gồm 5 loại quả và một cặp bánh nướng, bánh dẻo. Cũng giống như bánh chưng, bánh dày vào ngày tết Nguyên Đán, bánh trung thu cũng tượng trưng cho sự sum vầy, vỏ bánh bao bọc lấy nhân thể hiện sự đoàn kết, gắn bó. Bánh nướng hình vuông tượng trưng cho đất, bánh dẻo hình tròn tượng trưng cho trời. Triết lý đất trời hòa quyện, vạn vật gắn bó được thể hiện trong bánh trung thu, kính dâng lên đất trời, tổ tiên.
Ảnh: Nguồn Internet
Tết Trung thu là ngày lễ mà trẻ em Việt Nam mong chờ nhất, vì chúng sẽ được cha mẹ tặng cho các loại đèn như: đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù...và cùng nhau rước đèn khi trăng lên. Khi trăng lên thật cao, mọi người cùng nhau phá cỗ, ca hát, nhảy múa dưới ánh trăng.
Bên cạnh đó, ở mỗi khu vực người ta còn tổ chức múa lân, múa rồng trong tiếng trống náo nhiệt. Từng đoàn múa lân đi trước, những đứa trẻ nối đuôi chạy theo cổ vũ, tạo thành một hàng dài đông đúc. Họ đi đến từng nhà biểu diễn, xin bánh kẹo rồi cùng nhau liên hoan.
2. Trung thu tại Trung Quốc
Nhiều người cho rằng, tết Trung thu của Việt Nam có nguồn gốc và bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Tuy nhiên phong tục của người Trung Quốc trong ngày này cũng có những nét khác biệt so với Việt Nam.
Vào ngày rằm tháng tám, người Trung Quốc sẽ đón tết Trung thu bằng việc ăn bánh trung thu và ngắm trăng. Trong ngày này, mặt trăng được cho là sáng nhất, đẹp nhất, vì thế người Trung Quốc còn gọi tết Trung thu là "lễ hội mặt trăng". Họ làm lễ tế trăng, thờ mặt trăng ở ngoài trời với rượu, hoa quả và đồ ăn để cầu mong mang lại sự may mắn.
Khắp nơi trên đường phố được treo rất nhiều câu đối hoặc câu đố vui, câu đối còn được ghi trên các đèn lồng treo trước cửa mọi nhà. Người dân Trung Quốc thường tập trung lại cùng nhau giải câu đố để lấy may. Họ cũng tổ chức múa lân, múa rồng tạo không khí vui tuơi, náo nhiệt cho ngày tết.
Ảnh: Nguồn Internet
Giống như Việt Nam, người dân Trung Quốc cũng tổ chức rước đèn lồng vào đêm Trung thu. Chủ yếu họ rước đèn màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Người Trung Quốc còn thắp nến vào những chiếc đèn hình hoa sen thả trôi sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời. Họ quan niệm, chiếc đèn sẽ mang điều ước, tâm nguyện của mình đi thật xa để mọi mong ước đều thành sự thật.
3. Trung thu tại Hàn Quốc
Cũng giống như Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á, tết Trung thu ở Hàn Quốc (Tết Chuseok) cũng diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là một trong những ngày lễ lớn và quan trọng đối với người Hàn Quốc được kéo dài trong 3 ngày. Trong ngày này, người Hàn Quốc dù ở đâu xa cũng trở về quây quần bên gia đình, dùng những nguyên liệu tươi ngon đã thu hoạch đươc trong mùa vụ trước chế biến thành các món ăn hấp dẫn để bày lễ tạ ơn tổ tiên và tận hưởng thành quả sau một mùa vụ vất vả. Rượu và bánh songpyeon là hai thứ không thể thiếu được trong ngày tết Trung Thu của người Hàn Quốc. Bánh songpyeon là một loại bánh gạo được làm từ bột gạo nhào kỹ, bên trong có nhân được làm từ đỗ xanh, hạt dẻ, đậu đỏ, mè và các loại nguyên liệu bổ dưỡng khác. Bánh có hình trăng khuyết hoặc bán nguyệt chứ không phải hình tròn như nhiều nước khác vì người Hàn Quốc quan niệm rằng, trăng có lúc tròn lúc khuyết cũng giống như cuộc đời con người có thể đổi thay.
Ảnh: Nguồn Internet
Sau khi làm lễ cúng tại nhà, các gia đình Hàn Quốc sẽ đến viếng mộ tổ tiên của họ và thực hiện nghi thức nhổ cỏ mọc trên mộ.
Đấu vật là trò chơi đặc trưng trong ngày lễ Trung thu của người Hàn Quốc. Hai đô vật sẽ thi đấu trên một hố cát tròn và phải vật ngã được đối phương. Người chiến thắng sẽ được tôn vinh là tráng sĩ và nhận được nhiều giải thưởng của làng. Còn phụ nữ Hàn Quốc sẽ mặc trang phục truyền thống hanbok rồi tập trung giữa sân làng, nắm tay thành vòng tròn cùng nhau ca hát, nhảy múa.
4. Trung thu tại Nhật Bản
Khác với các nước trong khu vực, Nhật Bản có ngày Tết Trung Thu được tổ chức 2 lần/năm. Lần đầu tiên là Zyuyoga gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi, thường được diễn ra vào đúng ngày rằm tháng tám âm lịch khi trăng đẹp nhất. Lần thứ hai là Tết trăng khuyết thường được tổ chức vào tháng chín hoặc tháng 10 âm lịch hàng năm.
Ảnh: Nguồn Internet
Người Nhật thường ăn bánh Tsukimi-Dango trong ngày tết Trung thu. Bánh được xếp thành hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, bên cạnh là bình cỏ susuki (một loại cỏ lau của Nhật Bản) và hoa quả. Người Nhật quan niệm, thỏ ngọc sống trên mặt trăng, nên họ nặn nhiều loại bánh gạo mô phỏng hình thỏ ngọc và những chiếc bánh nếp tròn mô phỏng hình mặt trăng để cúng trời đất.
Truyền thuyết Nhật Bản cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ Samurai vì nó dám lội ngược dòng thác nước. Đèn lồng cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai. Vì thế họ sử dụng đèn cá chép trong lễ rước đèn để mong muốn mang lại sức mạnh và may mắn.
5. Trung thu tại Singapore
Ảnh: Nguồn Internet
Tổ tiên người Hoa du nhập vào Singapore đã mang tết Trung Thu đến với đất nước đa sắc tộc này. Tết được tổ chức vào tháng tám hoặc tháng chín hàng năm, là dịp để người Hoa thể hiện bản sắc văn hóa của mình. Những ngày này, tại khu China Town rực rỡ với những chiếc đèn lồng nhiều màu sắc. Những món ăn truyền thống của người Hoa trong dịp lễ được bày bán khắp nơi. Năm 2013, ngày lễ Trung thu của Singapore đã đạt kỷ lục với chiếc đèn lồng khổng lồ được ghép từ 580 đèn lồng các loại, thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
6. Trung thu tại Thái Lan
Ảnh: Nguồn Internet
Tại Thái Lan, tết Trung thu còn được gọi là "tết cầu trăng", tất cả mọi người đều phải tham gia vào lễ cúng trăng và cầu nguyện những điều tốt lành nhất. Đồ ăn đặc trưng trong tết Trung thu được dâng lên thờ cúng của người Thái là quả đào, bưởi và bánh trung thu. Người Thái cho rằng, khi làm như vậy Bát Tiên sẽ mang quả đào đó tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, giúp cho lời nguyện cầu của họ trở thành sự thật. Họ cũng tin rằng, quả bưởi tượng trưng cho sự viên mãn, tròn đầy, phù hợp với ý nghĩa của tết Trung thu.
7. Trung thu tại Campuchia
Ảnh: Nguồn Internet
Tết Trung thu của Campuchia được tổ chức vào ngày 15/10 âm lịch hàng năm. Sáng sớm hôm ấy, người ta sẽ tổ chức lễ "bái nguyệt tiết" (lễ hội vái lạy ánh trăng) với các vật cúng lễ như: hoa tươi, súp sắn, gạo dẹt, nước mía. Buổi tối, mọi người đặt đồ cúng vào khay rồi để trên một chiếc chiếu lớn, ngồi chờ trăng lên. Khi mặt trăng nhô lên, mọi người sẽ cùng nhau vái lạy và cầu xin những điều tốt lành. Sau đó, những người lớn tuổi trong làng sẽ nhét gạo dẹt vào miệng của trẻ con cho đến khi không thể nhét vào được nữa để cầu mong sự tròn đầy, viên mãn.
8. Trung Thu tại Lào
Tết Trung thu ở Lào được gọi là “nguyệt phúc tiết” có nghĩa là lễ hội trăng phước lành. Đây là ngày mà các chàng trai, cô gái Lào nhảy múa hát ca thâu đêm, mọi người dân đều ngắm trăng.
9. Trung Thu tại Malaysia
Tết Trung Thu của người Malaysia có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa sôi động ở trên các đường phố như múa lân, múa sư tử… Người Malaysia cũng làm bánh Trung Thu và thắp đèn lồng vào ngày rằm tháng 8.
10. Trung Thu tại Triều Tiên
Ở Triều Tiên, Tết Trung thu gọi là Tết Chuseok là ngày lễ quan trọng nhất và lớn nhất ở Triều Tiên. Vào ngày này, các thành viên trong gia đình sẽ đoàn tụ, sum họp, thưởng thức các món ăn truyền thống cùng nhau, kể những câu chuyện trong cuộc sống cho nhau nghe. Với người Triều Tiên, Tết Trung thu còn là ngày lễ tạ ơn tổ tiên vì vụ mùa bội thu.
11. Trung Thu tại Myanmar
Ở Myanmar, tết Trung Thu còn gọi là “Lễ trăng tròn” hay “Tiết quang minh”. Vào đêm rằm tháng 8, nhà nhà ở Myanmar đều thắp đèn lồng để thành phố sáng rực. Trong đêm lễ hội này, mọi người sẽ cùng nhau xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác.
12. Trung Thu tại Philippines
Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức bởi những người gốc Hoa. Trong ngày này, người gốc Hoa sống ở Philippines cũng sẽ làm bánh trung thu và tặng cho tất cả người thân, bạn bè và hàng xóm của mình.