Quản lý các mạng Windows dùng Script - Phần 1: Những khái niệm cơ bản

Mitch Tulloch

Đây là phần đầu tiên trong loạt bài về các mạng Windows scripting. Phần này đề cập đến những khái niệm cơ bản nhất về kỹ thuật scripting (kỹ thuật viết kịch bản) trong các mạng chạy hệ điều hành Windows. Những phần còn lại của loạt bài sẽ chuyển đến các bạn nội dung chi tiết của nhiều khía cạnh khác nhau trong chủ đề này.

Có một câu nói như thế này, không rõ của vĩ nhân hay thường dân nào nhưng tôi thấy quả rất chí lý: “Đưa cho một anh chàng sắp chết đói một con cá, bạn nuôi được anh ta một ngày; nhưng nếu dạy cho anh ta cách câu cá, bạn nuôi anh ta cả đời”.

Còn gì đúng hơn thế, và càng đúng hơn trong thế giới bận rộn của các chuyên gia công nghệ thông tin (mà chúng ta vẫn quen miệng gọi là dân IT) khi làm việc với kỹ thuật scripting: “Đưa cho một admin một script, bạn giúp anh ta giải quyết một vấn đề; nhưng nếu dạy anh ta cách viết script như thế nào, bạn giúp anh ta làm được công việc gắn liền với cả đời anh ta”.

Giá mà tự động hoá được công việc quản trị hàng ngày bằng các script, cuộc sống của những admin sẽ thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều. Tại sao cần phải biết và dùng script? Không phải đã có hàng trăm script được viết sẵn trôi nổi trên thế giới mạng mà bạn có thể tải về dùng một cách dễ dàng, như lấy từ nguồn trung tâm Script Center Script Repository của Microsoft chẳng hạn. Vậy tại sao? Hàng trăm kịch bản (script) viết sẵn, xin thưa rằng đúng. Tải về dùng dễ dàng, xin thưa rằng lại càng đúng. Ấy vậy mà đúng nhưng chưa đủ. Chúng hữu ích và giúp đỡ bạn rất nhiều, nhưng nhiều khi đòi hỏi riêng theo cấu hình cụ thể trong môi trường của bạn lại làm khó chúng. Có khi trong hàng trăm hàng nghìn script tải về bạn chỉ chọn lọc được một script phù hợp mà vẫn phải điều chỉnh đôi chút. Đơn giản vì tác giả viết ra nó không nằm trong tổ chức của bạn, không thực hiện theo cấu hình của bạn và mối quan tâm của họ lại hướng đến một cái gì khác cơ. Khi đó các admin phải trở thành những ông thợ sửa chữa lành nghề, thay đổi chỗ này một chút, thay đổi chỗ kia một tý, ghép ghép nối nối để biến vài scrip nhỏ lẻ thành một script hợp nhất lớn hơn hay dùng dữ liệu đầu ra của script này làm thành dữ liệu đầu vào cho script khác, hay biến nó thành công cụ hoạt động cho một máy từ xa… Quả là rất nhiều việc!

Anh thợ máy muốn sửa chữa được máy móc thì phải hiểu cấu trúc của nó, đó là điều không ai phản bác. Bởi vậy mà anh “thợ” admin muốn biến đổi, điều chỉnh script thì phải hiểu về nó, phải biết cách xây dựng và viết ra nó, biến những cái mới hay cái có sẵn thành cái của riêng mình, phù hợp nhất với mình. Và lúc đó người ta gọi anh là “thợ lành nghề”. Muốn được như vậy, ai cũng phải bắt đầu với những điều cơ bản nhất, ở đây là Windows scripting. Nói đến script, nhiều người tưởng chừng rất khó, thực sự khó vì trước hết… script rất khó dịch sang tiếng Việt! Script nghĩa là “kịch bản”, nhưng dân công nghệ chúng ta đâu phải là người làm phim nên kịch bản của thế giới IT chỉ toàn những đoạn mã loằng ngoằng mà chỉ có các chuyên gia mới hiểu, còn nhiều người “thường thường bậc trung” như… sinh viên công nghệ thì chịu! Chính bởi vậy mà hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu từ những cái cơ bản nhất, sau đó nâng cao dần khả năng hiểu những khía cạnh sâu xa hơn trong viết và dùng script ở các mạng Windows. Mục đích cuối cùng mà chúng ta hướng tới là kể cả những người mới bắt đầu tìm hiểu như bạn, như tôi đều có thể script hoá tự động công việc, để cuộc sống của các admin an nhàn hơn. Chúng ta sẽ thực hiện điều này trên cả script do chính bạn viết ra hoặc download về từ nhiều nguồn khác nhau. Chúng ta cũng sẽ được biết một số tài nguyên liên quan đáng tìm hiểu để có cái nhìn sâu sắc hơn về Windows scripting, cũng như một số công cụ trợ giúp có thể sẽ rất hữu ích trong tương lai.

Các thiết lập TCP/IP scripting

Hầu như admin nào cũng dùng Visual Basic Script (VBScript) để viết kịch bản quản trị Windows (Windows admin script). VBScript không chỉ là một ngôn ngữ mạnh mà cú pháp của nó còn khá đơn giản để học và làm. VBScript có thể dùng chung với Windows Management Instrumentation (WMI) và Active Directory Services Interfaces (ADSI) để viết kịch bản cho bất kỳ khía cạnh nào của một hệ thống chạy hệ điều hành Windows hay một mạng dùng Active Directory. Chúng ta sẽ bắt đầu học về Windows scripting bằng cách dùng VBScript với WMI để thực hiện một điều sẽ rất hữu ích: thay đổi địa chỉ IP của một network adapter.

Tại sao lại cần thực hiện điều này? Đó là do chúng ta sẽ phải sử dụng nhiều đến một máy chủ ảo và một PC ảo để thiết lập môi trường kiểm tra. Chúng ta sẽ cần phải chuyển một máy ảo (VM) chạy hệ điều hành Windows Server 2003 từ mạng ảo này sang mạng ảo khác để sử dụng lại server (máy chủ) cho một số mục đích khác. Như thế có nghĩa là chúng ta sẽ cần thay đổi địa chỉ IP trên server (cũng có thể là cổng vào mặc định nữa). Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách mở Network Connections trong Control Panel và kích phải chuột lên Local Area Connections, chọn Properties > Internet Protocol (TCP/IP) trên tab General và bấm chọn Properties, nhập địa chỉ IP mới rồi ấn OK hai lần. Đây là cách thực hiện phổ biến nhưng nghe qua bạn đã thấy khá dài dòng và mệt mỏi. Với những chuyên gia, họ thích sử dụng Command Promt hơn, lệnh dùng ở đây là Netsh. Song, khi sử dụng lệnh này bạn cần cẩn trọng vì nó có nhiều ngữ cảnh, lệnh và tham số khác nhau rất khó nhớ. Thực hiện sai một thao tác cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu chưa thực sự chắc chắn, hãy nhờ sự giúp đỡ của phần trợ giúp Help hoặc quay trở lại cách thứ nhất.

Nhưng mục đích của chúng ta ở đây là học về script. Do đó, chúng ta sẽ xem xét cách thay đổi địa chỉ IP của máy dùng VBScript và WMI như thế nào mà trước hết là phải biết đến một số khái niệm cơ bản như đối tượng (object), phương thức (method), thuộc tính (property), namespace…

Để bắt đầu, hãy chạy script trên một máy cục bộ:

strComputer = "."

Ở đây, tiền tố str- được đặt đầu đối tượng là để chỉ strComputer là một biến có chứa xâu, còn dấu chấm là ký hiệu tham chiếu tới máy cục bộ và được dùng như một điểm bắt đầu của namespace WMI. Vậy không gian tên WMI là gì? Thực ra, đó là một tập hợp phân cấp các lớp đối tượng khác nhau, có thể được dùng để quản lý nhiều mặt khác nhau của máy tính Windows. Ví dụ, có một namespace gốc và bên dưới nó là hàng tá namespace con khác như SECURITY, CIMV2, perfmon… Hầu hết các lớp WMI hữu ích nằm trong không gian tên root\cimv2 và trước khi làm việc với bất kỳ lớp nào trong số đó, chúng ta cần diễn giải chúng thành các đối tượng. Sau đó là xem xét thuộc tính của các đối tượng này và gọi phương thức để thao tác chúng.

Lớp, đối tượng, thuộc tính, phương thức - chúng là những gì? Dưới đây là một phân tích đơn giản có thể giúp bạn hiểu về chúng: xem xét lớp MicrowaveOven, tức tập hợp trừu tượng của tất cả các lò vi sóng (không có một lò thực nào được đưa vào trong đó cả). Lớp này có thể có các thuộc tính: màu sắc (Color), kích thước theo khối lập phương (CubicInches), mặt quay tròn (HasTurntable)… Có lẽ bạn hiểu thuộc tính chính là các đặc điểm, tính chất đặc trưng cho một lớp. Nói cách khác, các lò vi sóng này sẽ có một màu nào đó, có một kích thước bên trong nào đó và chúng có thể quay tròn hoặc không.

Lớp MicrowaveOven cũng có các phương thức. Phương thức, tức là một hàm tính toán hoặc được định nghĩa theo một quy luật nhất định để lớp có thể thao tác hoặc bạn có thể thao tác với lớp. Với lớp cụ thể này, một số phương thức có thể dùng là SetCookingTime (thiết lập thời gian nấu), SetPowerLevel (thiết lập mức điện sử dụng), Reset (nấu lại)… Thông thường, để gọi một phương thức bạn phải đưa tham số vào cho nó. Ví dụ, để gọi phương thức SetCookingTime (thiết lập thời gian nấu), chúng ta có thể định nghĩa biến CookingTime (thời gian nấu) trong một số giây nhất định và sau đó đưa biến này vào phương thức SetCookingTime thiết lập cho một trường hợp cụ thể của lớp này (một trường hợp thực, không phải là lò vi sóng trong lớp trừu tượng). Với WMI VBScript, chúng ta có thể thực hiện như sau:

intCookingTime = 120
errSetCookingTime = objMicrowave.SetCookingTime(intCookingTime)


Nhưng đối tượng lò vi sóng (objMicrowave) ở đâu ra? Chúng ta vẫn chưa tạo nó, vì vậy hãy tạo bằng cách dùng lệnh Set và phương thức CreateObject:

Set objMicrowave = CreateObject("MicrowaveOven")

Thực ra, nếu xét kỹ hơn thì objMicrowave không phải là đối tượng của lớp MicrowaveOven. Chính xác hơn nó là một đối tượng tham chiếu tới một thể hiện của lớp MicrowaveOven. Nhưng hiện tại chúng ta mới chỉ bắt đầu với những gì cơ bản nhất nên các khía cạnh sâu hơn này sẽ được tìm hiểu ở sau.

Tiếp theo, tạo thêm biến strColor để thiết lập thuộc tính màu sắc cho lò vi sóng của chúng ta. Đặt giá trị biến là Green (màu xanh là cây), script sẽ có dạng như bên dưới (với một số chú thích bên cạnh):

strColor = "Green" 'gán màu cho lò vi sóng
intCookingTime = 120 'quy định thời gian nấu (tính theo giây)
Set objMicrowave = CreateObject("MicrowaveOven") 'tạo một thể hiện của đối tượng
errSetCookingTime = objMicrowave.SetCookingTime(intCookingTime) 'gọi một phương thức để
‘thiết lập thời gian nấu và ghi lại đoạn mã lỗi kết quả

objMicrowave.Color = strColor 'thiết lập giá trị thuộc tính Color (màu sắc)


Cũng không quá khó phải không các bạn!

Trở lại với script

Muốn truy cập các thiết lập cấu hình TCP/IP của máy dùng WMI, bạn cần viết mã:

Set objWMIService = GetObject("winmgmts:\\" & strComputer & "\root\cimv2")

Lệnh này sẽ kết nối bạn tới namespace root\cimv2 trên máy cục bộ bằng cách định nghĩa một đối tượng có tên objWMIService và thiết lập nó bằng với giá trị trả về của phương thức GetObject. Sau khi kết nối tới namespace này, bạn có thể thu thập thông tin như bên dưới:

Set colNetAdapters = objWMIService.ExecQuery("Select * from Win32_NetworkAdapterConfiguration where IPEnabled=TRUE")

Dòng lệnh này chạy như thế nào? Đầu tiên, bạn có thể thấy đối tượng có tên objWMIService mà chúng ta vừa mô tả một phút trước ở dòng bên trên. Sau đối tượng này là ExecQuery, có thể là thuộc tính mà cũng có thể là phương thức (cấu trúc của lệnh luôn luôn là doituong.thuoctinh hoặc doituong.phuongthuc). Chúng ta có thể dễ dàng đoán ra đó là một phương thức vì đằng sau nó là một câu truy vấn. Phương thức ExecQuery được gọi bằng cách thêm một tham số vào nó. Tham số ở đây là một lệnh SQL (SELECT), trả ra tập hợp (được đánh dấu bởi tiền tố “col-”) của tất cả (dấu hoa thị) cấu hình bộ điều hợp mạng trên máy có đường bao TCP/IP và được cho phép trên bộ điều hợp. Tập hợp trả về sau khi thực hiện phương thức này sẽ được gán với biến colNetAdapters.

Chúng ta có thể làm gì với tập hợp này? Khi có một tập hợp trong tay, bạn phải lặp vòng nó, dùng một lệnh lặp như For Each. Vòng lặp tiếp theo sẽ như thế này:

For Each objNetAdapter in colNetAdapters
' do something to each network adapter's configuration
Next


Bạn luôn phải lặp vòng các tập hợp cho dù tập hợp đó chỉ có một đối tượng.

Bây giờ, điều chúng ta thực sự muốn là thay đổi địa chỉ IP cho adapter của mình. Vì thế, hãy định nghĩa thêm một số biến:

arrIPAddress = Array("172.16.11.99")
arrSubnetMask = Array("255.255.255.0")


Chú ý là các biến định nghĩa địa chỉ IP và subnet mask mới phải là các biến mảng. Tại sao lại như thế? Lý do đầu tiên là các máy tính Windows nhiều khi không phải chỉ có một địa chỉ IP, một cổng vào mặc định… Vậy thì tại sao không dùng biến mảng cho tất cả các thiết lập IP được nhất quán. Và lý do thứ hai, nếu tìm kiếm lớp Win32_NetworkAdapterConfiguration trong WMI Reference trên MSDN, bạn sẽ thấy được phải dùng đến biến mảng. Chúng ta sẽ nghiên cứu sâu hơn về WMI Reference trong tương lai, còn bây giờ thì tạm thời chấp nhận ở mức độ chưa rõ ràng một chút.

Cuối cùng, cần gọi phương thức EnableStatic của lớp Win32_NetworkAdapterConfiguration để thay đổi địa chỉ IP và cổng vào mặc định của bộ điều hợp mạng sang thiết lập mới chúng ta đã định nghĩa trong các biến mảng. Thực hiện như sau:

errEnableStatic = objNetAdapter.EnableStatic(arrIPAddress, arrSubnetMask)

Ở đây, biến err- là cần thiết, giống như một nơi lưu trữ đoạn mã lỗi trả về khi phương thức chạy.

Mang tất cả lại với nhau

Bây giờ, ghép tất cả các phần lại với nhau và hãy xem chúng ta có những gì:

strComputer = "."
arrIPAddress = Array("172.16.11.99")
arrSubnetMask = Array("255.255.255.0")
Set objWMIService = GetObject("winmgmts:\\" & strComputer & "\root\cimv2")
Set colNetAdapters = objWMIService.ExecQuery("Select * from Win32_NetworkAdapterConfiguration")
For Each objNetAdapter in colNetAdapters
errEnableStatic = objNetAdapter.EnableStatic(arrIPAddress, arrSubnetMask)
Next

Bạn biết đấy, đoạn mã này đưa ra các định nghĩa biến, điều khiển lỗi, dùng dữ liệu đầu vào và kiểm chứng kết quả trả về. Chúng ta sẽ sử dụng lại đoạn mã này trong những phần sau của loạt bài, nhưng đầu tiên hãy xem liệu nó có làm việc hay không. Ghi script lại với tên ChangeIPAddress.vbs (nhớ là phải tắt Word Wrap trong Notepad) và copy nó lên desktop của máy chủ có địa chỉ tĩnh 172.16.11.45. Sau đó, mở cửa sổ dòng lệnh Command Promp với vai trò người dùng Administrator, chuyển tới thư mục Desktop và chạy script, dùng Cscript.exe. Kết quả trả về:

C:\Documents and Settings\Administrator\Desktop>ipconfig

Windows IP Configuration

Ethernet adapter Local Area Connection:

Connection-specific DNS Suffix . :
IP Address. . . . . . . . . . . . : 172.16.11.45
Subnet Mask . . . . . . . . . . . : 255.255.255.0
Default Gateway . . . . . . . . . : 172.16.11.1

C:\Documents and Settings\Administrator.DC-1\Desktop>cscript ChangeIPAddress.vbs

Microsoft (R) Windows Script Host Version 5.6
Copyright (C) Microsoft Corporation 1996-2001. All rights reserved.

C:\Documents and Settings\Administrator\Desktop>ipconfig

Windows IP Configuration

Ethernet adapter Local Area Connection:

Connection-specific DNS Suffix . :
IP Address. . . . . . . . . . . . : 172.16.11.99
Subnet Mask . . . . . . . . . . . : 255.255.255.0
Default Gateway . . . . . . . . . : 172.16.11.1

Vâng, nó đã làm việc! Địa chỉ IP của máy đã được thay đổi thành công từ .45 thành .99 như hiển thị trên lệnh Ipconfig thứ hai.

Còn nhiều điều thú vị nữa về Windows scripting, nhưng xin hẹn các bạn ở phần hai. Và bây giờ thì xin tạm biệt!

Phần 2: Hoàn chỉnh script
Phần 3: Hiểu về WMI
Phần 4: Sử dụng Win32_NetworkAdapterConfiguration
Phần 5: Vượt qua thử thách
Phần 6: Những bước đầu tiên về scripting remote
Phần 7: Xử lý sự cố lỗi
Phần 8: Xử lý lỗi kịch bản điều khiển từ xa bằng Network Monitor 3.0
Phần 9: Tìm hiểu kịch bản điều khiển xa
Phần 10: Các thủ thuật của kịch bản điều khiển xa
Phần 11: Các thủ thuật kịch bản khác
Phần 12: Các thuộc tính của lớp WMI
Phần 13: Kịch bản trả về tất cả các giá trị

Thứ Ba, 15/05/2007 11:13
41 👨 7.243
0 Bình luận
Sắp xếp theo