Sao lưu dữ liệu là một công việc mà tất cả chúng ta đều biết rằng nên làm thường xuyên hơn những gì chúng ta đã và đang làm. Đáng tiếc rằng chúng ta vẫn hay quên bài học “việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Trên thực tế, hậu quả của việc không sao lưu các dữ liệu quan trọng lại có thể là một thảm hoạ. Vậy nhưng, việc tiến hành các bước sao lưu dữ liệu lại không hề phức tạp như nhiều người tưởng, và có thể làm giảm nguy cơ một thảm hoạ xuống mức chỉ còn là một mối quan tâm không quá nặng đầu.
Hỏi: Tôi nên sao lưu máy tính của tôi và các tệp dữ liệu thường xuyên tới mức nào?
Đáp: Câu trả lời phụ thuộc vào tốc độ bạn tạo ra các tệp mới hoặc thay đổi các tệp đang có. Nếu bạn làm rất nhiều việc trong mỗi ngày, việc sao lưu thường nhật là một ý tưởng tốt. Hãy lưu ý rằng, máy tính của bạn có thể trục trặc bất cứ lúc nào, và bạn có thể mất những gì bạn chưa lưu trữ. Và trong tám giờ lao động mỗi ngày, bạn có thể làm ra được rất nhiều việc.
Hỏi: Tôi có phải quan tâm tới việc chống virus trong các bản sao lưu?
Đáp: Vâng, tất nhiên. Rất có khả năng bạn sẽ sao lưu cả một tệp có chứa virus. Bạn thực sự cần có phần mềm diệt virus mới nhất với các bản cập nhật virus mới nhất. Bạn có thể dùng phần mềm này để quét và bảo vệ các tệp dữ liệu bạn lưu trên các phương tiện lưu trữ sao lưu. Hãy diệt hoặc xoá các tệp nhiễm virus.
Hỏi: Tôi có cần phải sao lưu các tệp chương trình và các tệp dữ liệu?
Đáp: Đây là vấn đề liên quan tới ý muốn cá nhân. Các tệp chương trình (các tệp chứa các thông tin thực hiện lệnh chạy của một phần mềm và cần thiết để phần mềm đó có thể hoạt động) thường có dung lượng lớn và bạn nên có đĩa CD-ROM chương trình gốc. Nếu máy tính bạn ‘chết’, bạn có thể cài đặt lại chương trình. Tuy nhiên, các tệp dữ liệu độc lập (chẳng hạn các văn bản, hình ảnh, âm thanh và PowerPoint) không như vậy. Để thực hiện việc sao lưu đơn giản hơn, nhiều người lưu các tệp dữ liệu của họ vào một thư mục con trong My Documents và sau đó sao lưu tất cả các tệp này. Nếu bạn có đủ dung lượng lưu trữ, tốt nhất là tạo một hệ thống sao lưu phản chiếu (mirror – sao lưu một bản copy toàn bộ hệ thống) vào ổ cứng của bạn.
Hỏi: Tôi không có phần mềm sao lưu. Trong Windows XP Home có tiện ích nào như vậy không?
Đáp: Tất nhiên, nhưng bạn phải cài đặt. Trình WinXP Backup không được tự động cài đặt với phiên bản Windows XP Home và không xuất hiện trong Add/Remove Programs ở Control Panel. Tuy nhiên, bạn có thể tìm thấy chúng trong đĩa CD cài đặt WinXP, ở thư mục E:\Valueadd\Msft\NTBackup (với E: mặc định là ổ đĩa CD của bạn). Kích đúp vào tệp NTBackup.msi để cài đặt.
Tiện ích Backup sẽ nằm trong nhóm System Tools (menu Start/All Programs/Accessories). Khi bạn kích hoạt, một hướng dẫn trợ giúp sẽ giúp bạn thực hiện các bước của quá trình sao lưu và khôi phục.
Hỏi: Tiện ích sao lưu của WinXP có lưu trữ các dữ liệu như cấu hình hệ thống hoặc đánh dấu (bookmark)?
Đáp: Câu trả lời là tất nhiên. Khi sử dụng WinXP Backup/Restore, bạn có thể sao lưu toàn bộ ổ cứng, bao gồm đánh dấu, thiết lập màn hình và cấu hình hệ thống, cũng như tạo đĩa khôi phục hệ thống. Bạn cũng có thể lựa chọn các khả năng tùy biến cao cấp cho phép bạn chỉ sao lưu các dạng tệp nhất định, bao gồm: Normal (sao lưu các tệp được chọn và đánh dấu mỗi tệp là tệp sao lưu), Copy (chỉ sao lưu các tệp được chọn nhưng không đánh dấu), Incremental (sao lưu các tệp chỉ khi chúng được tạo mới hoặc chỉnh sửa sau lần sao lưu gần nhất), Differential (giống Incremental nhưng không đánh dấu), và Daily (chỉ sao lưu các tệp được tạo ra hoặc chỉnh sửa trong ngày).
Hỏi: Trong trường hợp hệ thống sụp đổ, có thể sử dụng phương tiện sao lưu để khôi phục hệ thống như thế nào?
Đáp: Phần mềm lưu trữ sẽ có các chỉ dẫn cụ thể để tiến hành các bước khi tiến hành việc sao lưu toàn bộ (full backup). Đọc hướng dẫn sử dụng phần mềm để biết các bước thực hiện. Nếu bạn chưa có phần mềm sao lưu, hãy cài đặt vào máy tính mới (hoặc máy tính cũ đã được sửa và hệ thống yêu cầu cài đặt lại), sau đó copy tất cả dữ liệu từ phương tiện sao lưu.
Hỏi: Việc sao lưu diễn ra quá lâu, và tôi đã tốn hàng chục đĩa CD để làm việc này. Tôi có thể tiến hành nhanh hơn không?
Đáp: Cách tốt nhất để vừa tiết kiệm dung lượng lưu trữ, vừa tăng thời gian sao lưu trên đĩa CD là nén các tệp và thư mục. Bạn có thể mua một phần mềm nén dữ liệu, hoặc nếu bạn sử dụng WinXP, hệ điều hành này có thể tự nén các tệp, thư mục. Lấy ví dụ, bạn có thể nén các tệp và thư mục con trong thư mục My Documents.
Để làm được điều này, kích chuột phải vào My Documents, chọn Properties/Advanced trong tab General. Đánh dấu vào ô Compress Contents To Save Disk Space và kích OK. WinXP sẽ nén tất cả các tệp trong thư mục này, cũng như các tệp mà bạn copy vào đó. Các tệp sẽ được tự động giải nén và chạy bình thường khi được kích hoạt.
Hỏi: Tôi có thể sử dụng thêm một ổ đĩa khác như một hệ thống sao lưu?
Đáp: Các ổ đĩa thứ hai là cách sao lưu tệp và các chương trình với chi phí thấp. Bạn có thể dùng ổ đĩa trong hoặc ngoài, tuy nhiên các ổ đĩa ngoài có ưu thế hơn. Chúng nhỏ, có dung lượng lớn, tương đối rẻ và có thể truyền dữ liệu nhanh qua cổng USB (Universal Serial Bus) 2.0 hoặc cổng FireWire. Hãng Iomega giới thiệu dòng ổ cứng di động với tên gọi REV (khoảng 400 USD, http://www.iomega.com). Chúng có dung lượng 35 GB và khi được nén có thể lưu tới 90 GB.
Một nhà sản xuất khác, AcomData, cũng tung ra RocketPod (khoảng 200 USD, http://www.acomdata.com). RocketPod cho phép bạn chọn cổng giao tiếp USB 2.0 hoặc FireWire. Dung lượng lưu trữ lên tới 160 GB. Nếu bạn dùng đế kết nối AcomData DockPod, bạn có thể kết nối cùng một lúc nhiều ổ đĩa RocketPod.
Hỏi: Làm thế nào để sử dụng một hệ thống sao lưu di động?
Đáp: Giải pháp lưu trữ di động là một cách tuyệt vời để sao lưu dữ liệu và sử dụng chúng giữa các máy PC. Có hai dạng phương tiện lưu trữ cơ động: các ổ nhớ USB và các ổ cứng USB. So với ổ cứng USB, các ổ nhớ USB có dung lượng lưu trữ nhỏ hơn và có giá thành cao hơn song lại nhỏ gọn và có độ bền cao hơn (bởi chúng không sử dụng các bộ phận chuyển động cơ).
SanDisk có dòng ổ nhớ Cruzer Titanium USB 2.0 tốc độ cao (199,99 USD, http://www.sandisk.com) có dung lượng 512 MB. Sản phẩm này có lớp vỏ kim loại mạ titan, có thể chịu lực lên tới gần 900 kg. Bán kèm là phần mềm Cruzer PocketCache, cho phép bạn thực hiện thường xuyên việc sao lưu các tệp và thư mục. Phần mềm CruzerLock cung cấp tính năng bảo mật để bảo vệ các dữ liệu cá nhân, cho phép bạn mã hoá và giải mã các tệp.
Nếu bạn muốn nhiều không gian lưu trữ hơn, hãy cân nhắc sản phẩm MPIO HS 100 của Digitalway (199 USD, http://www.mpio.com) với dung lượng 1,5 GB. MPIO có kích thước một quân bài tú lơ khơ. Tốc độ truyền dữ liệu nhanh, 38 Mb/s thông qua cổng USB 2.0.
Hỏi: Có thể dùng các dịch vụ trực tuyến để sao lưu?
Đáp: Có nhiều lý do để cân nhắc việc sao lưu trực tuyến. Việc sao lưu trực tuyến được diễn ra không phụ thuộc vào không gian thực. Nếu bạn bị mất dữ liệu ở các địa chỉ vật lý (chẳng hạn do hoả hoạn), các dữ liệu được sao lưu trực tuyến vẫn còn nguyên. Sao lưu trực tuyến có thể bao gồm luôn tính năng mã hoá trong quá trình truyền dữ liệu và trên máy chủ. Lưu trữ trực tuyến đồng nghĩa với việc bạn có thể truy nhập, đưa lên hoặc tải về các tệp dữ liệu từ bất cứ nơi đâu.
Nếu bạn quyết định sử dụng các dịch vụ trực tuyến để sao lưu, hay lưu tâm tới các kết nối Internet tốc độ cao, DSL (Digital Subscriber Line) và cáp modem cung cấp tốc độ lên tới 1,5 Mb/s cho phép bạn đưa lên hoặc tải về lượng dữ liệu lớn như khi sao lưu một ổ đĩa cứng. Với kết nối 1,5 Mb/s, một tệp có dung lượng 8 MB sẽ mất khoảng 43 giây để đưa lên hoặc tải về. Một tệp 8 MB tương tự sẽ tiêu tốn của bạn tới 20 phút nếu sử dụng kết nối quay số 56 Kb/s.
Iomega có dịch vụ sao lưu trực tuyến iStorage (http://www.iomega.com/istorage). Bạn có thể dùng tài khoản của mình để lưu trữ các tệp sao lưu lên mạng hoặc tải chúng về máy tính hoặc máy PDA của mình. Dịch vụ này áp dụng công nghệ mã hoá 128 bit SSL (Secure Sockets Layer). Giá dịch vụ phụ thuộc dung lượng, từ 2,49 USD/tháng cho 50 MB tới 17,95 USD/tháng với 1.000 MB. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo các dịch vụ sao lưu trực tuyến khác, bao gồm FilesAnywhere (http://www.filesanywhere.com), CapSure (http://www.capsure.com) và Xdrive (http://www.xdrive.com).
Phan Hoàng Long (Theo smartcomputing)