MacBook Air (gọi tắt là MBA), cái tên làm nên nhiều tiếng vang cho Apple, hình mẫu thành công mà hiện nay đã có rất nhiều các công ty khác phải học theo. Tuy nhiên, Apple luôn xứng đáng với cái tên người dẫn đầu khi vừa qua đã cho ra mắt phiên bản 2011 của dòng máy tính siêu mỏng này với nhiều cải tiến đáng giá.
Thiết kế MBA 2011 không có khác biệt so với đời 2010 ngoài việc đèn bàn phím đã xuất hiện và cổng Thunderbolt được thay thế cho miniDisplayPort cũ. Giá bán của máy vẫn được Apple giữ nguyên so với bản cũ đó là 999 USD cho cấu hình thấp nhất và cao nhất là 1.599 USD.
Thiết kế
Thiết kế của MacBook Air vẫn theo truyền thống siêu mỏng. Tuy nhiên độ mỏng của máy cũng không làm cho nó có cảm giác yếu ớt hay ọp ẹp vì nó được làm từ một khối nhôm nguyên khối. Cả thân máy và màn hình đều được thực hiện như vậy, người ta lấy máy cắt CNC để cắt từng khối nhôm ra theo bản vẽ trước. Từng chi tiết trên máy được chăm chút tỉ mỉ, không thừa cũng không thiếu. Apple trước nay vẫn vậy, vẫn luôn tiết kiệm hết cỡ nhưng cũng tạo cho người dùng sự thuận tiện nhất.
Phiên bản 2011 vẫn chỉ có 2 cổng usb như bản 2010, hai cổng được phân bố đều ở hai cạnh máy vì thế thực ra nó đủ để dùng. Cổng kết nối Thunderbolt mới được bổ xung cho tốc độ truyền tải nhanh hơn miniDisplayPort rất nhiều. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có nhiều phụ kiện hỗ trợ kết nối này, có lẽ trong tương lai nó sẽ phổ biến hơn.
Màn hình
Màn hình Macbook Air vẫn như cũ, có lớp kính bóng trên phần hiển thị, không tràn ra tận mép như các dòng Macbook Pro và cũng ít chói hơn các máy Macbook Pro. Chất lượng màn hình cao cùng với vẻ đẹp, tương phản trong thiết kế giao diện của hệ điều hành OSX tạo cho chúng ta một màn hình đẹp. Khung viền của màn hình vẫn khá lớn, đây là điểm xấu nhất trên MBA nếu bạn là người khó tính, có lẽ thiết kế mỏng nên viền màn hình không thể làm mỏng hơn.
Với phiên bản 13-inch, màn hình MacBook Air có độ phân giải bằng với MacBook Pro 15-inch vì thế bạn sẽ thấy hình ảnh sắc nét hơn, không gian làm việc lớn hơn so với những chiếc máy khác. Như đã nói ở trên, việc không có lớp gương phủ toàn màn hình làm cho màn hình của MacBook Air nhìn ngoài trời tốt hơn là những chiếc MacBook Pro 15-inch hay 17-inch có lớp gương phủ.
Cấu hình
Trong cấu hình tiêu chuẩn ở tất cả các phiên bản thì bộ vi xử lý Core 2 cũ kỹ đã bị thay bằng Core i ULV tiết kiệm điện thuộc thế hệ Sandy Bridge. Với bộ xử lý mới thì Apple cho biết tốc độ tối đa tăng gấp 2 lần so với trước đây nhưng hệ quả của việc phụ thuộc vào Intel là MBA 2011 phải sử dụng chip đồ hoạ tích hợp Intel 3000. Trừ bản MBA 11 inch 999$ thì tất cả các máy MBA 2011 đều sử dụng 4GB RAM, một tiến bộ rất lớn. Tuy nhiên, những ai muốn máy 8GB RAM hay tuỳ chọn SSD lớn hơn 256Gb vẫn chưa được đáp ứng.
Apple cho biết tốc độ ổ cứng tăng tối đa 2 lần nên nhiều khả năng họ đã sử dụng ổ mới có tốc độ 400-500MBps. Thời lượng pin MBA 2011 không có thay đổi so với đời trước, ít nhất là theo lời Apple vì nó vẫn lần lượt đạt 5 và 7 tiếng cho 2 bản 11 và 13 inch.
Ổ cứng SSD là một thế mạnh của MacBook Air vì nhờ nó tốc độ khởi động máy rất nhanh, với sự kết hợp của hệ điều hành 10.7 Lion thì thời gian khởi động của máy chỉ khoảng 20s, thời gian tắt máy còn nhanh hơn rất nhiều, chỉ khoảng 5s. Hơn nữa người dùng MacOS thường xuyên chỉ sleep chứ không tắt mắy, tức là đóng nắp màn hình lại và di chuyển, do đó ổ cứng SSD cực an toàn trong trường hợp này. Ngoài việc khởi động nhanh thì tốc độ kích hoạt phần mềm cũng được tăng lên đáng kể, chính vì thế không phải tự nhiên mà ổ cứng SSD có giá cao gấp nhiều lần sao với ổ cứng HDD thông thường.
Đồ họa
MacBook Air sử dụng bộ xử lý Core i ULV tiết kiệm điện thuộc thế hệ Sandy Bridge mới, cải thiện rất nhiều hiệu năng so với phiên bản cũ của năm 2010. Không chỉ nhanh hơn trong việc xử lý các ứng dụng nặng mà trong các tác vụ thông thường nó cũng thể hiện sự mượt mà, trơn chu. Nhưng điểm trừ của hệ thống chính là việc sử dụng chip đồ hoạ Intel 3000 chứ không phải nVidia 320M như trước. Nếu bạn muốn chơi game thì đây sẽ là một hạn chế cần cân nhắc.
Dù vậy, bản thân MBA không phải là một dòng máy chơi game nên chip đồ hoạ chủ yếu dùng để hỗ trợ cho hệ thống trong các ứng dụng hỗ trợ bộ tăng tốc GPU như Photoshop hay iMovie. Các thử nghiệm cho thấy sự khác biệt giữa 2 con chip này không lớn, số game hỗ trợ 320M mà không hỗ trợ 3000 là không đáng kể trên nền tảng MacOS.
Nên chọn máy nào?
Hẳn nhiều người sẽ phân vân, vậy giờ nên sử dụng MacBook Air hay MacBook Pro? Thực tế câu trả lời lại phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và công việc mà bạn muốn làm trên chiếc máy tính xách tay của mình. Nếu muốn di động, nhẹ nhàng trong khi di chuyển thì MacBook Air là một lựa chọn rất tốt, nhưng nếu muốn một hệ thống mạnh mẽ hơn, thoải mái hơn khi làm việc thì MacBook Pro được ưu tiên hơn.
Như trên đã nói, dù màn hình MacBook Air đã được cải thiện rất nhiều nhưng thực ra nó vẫn chưa phải là loại panel cao cấp như trên MacBook Pro. Có lẽ Apple vẫn muốn có một phân cấp rõ ràng giữa hai dòng máy này. Vì thế nếu bạn quan trọng một màn hình đẹp hoàn hảo thì nên chọn cho mình một chiếc MacBook Pro 15-inch hay 17-inch.
Khác biệt tiếp theo phải nói đến là chip đồ hoạ, năm ngoái Apple đã buộc lòng sử dụng Core 2 Duo để đi kèm với chip đồ hoạ tích hợp nVidia nhằm tăng hiệu năng sử dụng nhưng năm nay họ đã nâng cấp lên Core i Sandy Bridge với chip đồ hoạ tích hợp Intel. Tất cả các thành phần khác của MBA vẫn đáp ứng tốt nhu cầu chơi game trung bình trừ chip đồ hoạ.
Cấu hình tham khảo: Bộ vi xử lý 1.6GHz Dual-Core Intel Core i5; Ram 2GB 1333 DDR3 memory onboard; Ổ cứng 64GB Flash Storage; Card đồ họa Intel HD Graphics 3000 processor with 256MB.
Giá tham khảo: 21.800.000 VND.