Nếu bạn có dữ liệu trên các dịch vụ lưu trữ đám mây, có thể bạn sẽ tò mò muốn biết chúng được lưu chính xác ở chỗ nào. Nhưng các nhà cung cấp dịch vụ lại thường không công bố thông tin này.
Khi bạn chọn dịch vụ đám mây công cộng dạng IaaS (Infrastructure-as-a-Service) để lưu trữ dữ liệu, về cơ bản dữ liệu của bạn sẽ được lưu trữ tại trung tâm dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, thực tế chỉ nhà cung cấp dịch vụ mới biết rõ dữ liệu của bạn đang lưu trữ ở đâu, tại trung tâm dữ liệu của họ hay tại các trung tâm dữ liệu của đối tác. Và vì lý do bảo mật các nhà cung cấp dịch vụ thường không cung cấp thông tin này.
Michael Dickson, Giám đốc kinh doanh và công nghệ của GBQ, một công ty tư vấn CNTT, nói rằng qua quá trình làm việc, ông nhận thấy khách hàng thường yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cho biết nơi lưu trữ dữ liệu của mình nhằm đảm bảo các kết nối có độ trễ thấp. Tuy nhiên, theo ông các yêu cầu này không cần thiết vì nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm về an toàn dữ liệu, tính sẵn sàng cao và bảo mật dữ liệu; họ cần chủ động di chuyển dữ liệu qua các trung tâm dữ liệu tùy theo mức độ dịch vụ, chi phí, nhu cầu nhân lực, xuất hiện thảm họa và các yếu tố khác.
Người dùng thông thường không nhất thiết cần biết dữ liệu trên mây của mình được lưu chính xác ở đâu.
Với những khách hàng cần biết rõ nơi lưu trữ dữ liệu "trên mây", họ có thể thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ hay truy cập trang web của nhà cung cấp để biết những nơi mà dữ liệu có thể lưu trữ. Trong vài trường hợp, bạn có thể chọn nơi lưu trữ dữ liệu, tùy theo điều kiện của nhà cung cấp dịch vụ.
Chẳng hạn, dịch vụ lưu trữ trên mây Simple Storage Services (S3) của Amazon cho phép khách hàng tùy chọn một trong bảy địa điểm lưu trữ dữ liệu của hãng trên toàn cầu. Mỗi địa điểm sẽ có mức giá dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên Amazon không tiết lộ chính xác các trung tâm dữ liệu của mình vì lý do bảo mật.
Các nhà phân tích cho rằng các nhà bán lẻ, các tổ chức tài chính, công ty game mới thật sự cần biết nơi lưu trữ dữ liệu vì họ muốn đảm bảo tốc độ kết nối đến người dùng cuối. Nếu việc truy cập dữ liệu chậm sẽ khiến người chơi game hay người mua sắm trên mạng bỏ đi và chuyển sang trang web khác.
Ngày nay, nhu cầu của khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trữ "trên mây" càng cao. John Landau, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách công nghệ và dịch vụ của Tata Communications cho biết, Tata hiện gặp bài toán khá "hóc búa" đó là các khách hàng vừa muốn cơ sở hạ tầng toàn cầu vừa muốn khả năng cung cấp tại địa phương. Vì dữ liệu lưu trữ tại địa phương giúp việc truy cập dữ liệu nhanh hơn. Hiện khách hàng của Tata là các công ty, các nhóm nghiên cứu của Mỹ đang làm việc tại quốc gia mà hãng cung cấp dịch vụ IaaS. Tata Communications cung cấp dịch vụ IaaS tại Ấn Độ và Singapore từ năm 2010, dự kiến sẽ mở rộng sang châu Âu và Mỹ.
Với người dùng thông thường và các doanh nghiệp không có nhu cầu quá cao về độ trễ kết nối thì việc nhà cung cấp lưu trữ dữ liệu ở đâu cũng không thật sự quan trọng bằng khả năng bảo mật, mức an toàn dữ liệu.