Nếu đang tìm mua một chiếc TV hoặc màn hình mới, có thể bạn đã không ít lần bắt gặp thuật ngữ “tỷ lệ tương phản” hay “độ tương phản” trong các tài liệu tiếp thị cũng như những bài đánh giá trực tuyến. Vậy chính xác thì độ tương phản là gì? Nó có ý nghĩa như thế nào trong khả năng hiển thị hình ảnh?
Độ tương phản là gì?
Tỷ lệ tương phản, hay độ tương phản, là một thuật ngữ được sử dụng để đo sự khác biệt giữa độ sáng tối đa và tối thiểu mà màn hình thể hiện được. Nói cách khác, đây là thông số để chỉ sự khác biệt giữa màu trắng trắng nhất có thể và màu đen sẫm nhất có thể trên màn hình. Độ tương phản được đo bằng cách cho màn hình hiển thị hình ảnh bàn cờ đen trắng (như hình minh họa dưới đây) và so sánh các giá trị.
Tại sao bạn nên quan tâm đến độ tương phản?
Độ tương phản của màn hình được hiển thị dưới dạng một thông số biểu hiện tỉ lệ, chẳng hạn như 1000:1. Khi màn hình có tỷ lệ tương phản 1000:1, điều đó có nghĩa là hình ảnh màu trắng toàn trường sẽ sáng hơn 1000 lần so với hình ảnh màu đen. Con số này càng lớn, màn hình càng có nhiều khả năng tạo ra hình ảnh tự nhiên, chân thực hơn.
Nói theo cách “học thuật” hơn, mỗi mốc giữa hai mức đen và trắng gần nhau nhất được gọi là “step”. Như vậy, màn hình càng có nhiều bước step trong khoảng giữa mức sáng nhất và tối nhất thì càng có khả năng hiển thị hình ảnh sắc nét, sống động hơn. Như vậy có thể hiểu rằng giữa một mức tương phản có 500 step và 1000 step, mức 1000 step sẽ cho hình ảnh mịn và sắc nét hơn.
Tỷ lệ tương phản của màn hình nhìn chung phụ thuộc nhiều vào công nghệ cơ bản. Màn hình OLED có tỷ lệ tương phản "vô hạn" cao, trong khi màn hình LCD tốt nhất cũng có thể cho mức tương phản vượt quá 7000:1. Tỷ lệ tương phản được coi là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chất lượng hình ảnh, vì vậy hãy nhắm đến con số cao nhất có thể.
Tỷ lệ tương phản cao sẽ tốt hơn
Tỷ lệ tương phản thường nói lên nhiều điều về mức độ màu đen của màn hình. Màn hình có thể tối đến mức nào cuối cùng phụ thuộc vào loại màn hình đó.
Màn hình và TV LCD có đèn LED phải chiếu ánh sáng rực rỡ qua lớp bóng bán dẫn màng mỏng (TFT) của màn hình để tạo ra hình ảnh. Khi hiển thị màu đen, màn hình sẽ cố gắng hết sức để chặn càng nhiều ánh sáng này càng tốt. Với công nghệ LCD cũ hơn, điều này thường dẫn đến khả năng tái tạo màu đen kém. Màu đen xuất hiện dưới dạng màu xám nhạt hoặc chúng có thể có các vùng trên màn hình nơi ánh sáng dễ xuyên qua hơn, dẫn đến độ đồng đều kém.
Hãy so sánh điều này với các công nghệ màn hình tự phát sáng như OLED, vốn đạt được tỷ lệ tương phản "vô hạn" về mặt lý thuyết. Vì các điểm ảnh có thể được tắt hoàn toàn nên màn hình có thể tạo ra màu đen thuần khiết ngay bên cạnh màu trắng sáng. Đây là điều khiến màn hình OLED trở nên được ưa chuộng, mặc dù chúng không phải không có nhược điểm riêng.
LCD không tụt hậu hoàn toàn trong lĩnh vực này, với màn hình Mini-LED mới hơn cung cấp khả năng làm mờ đèn nền được điều khiển bằng thuật toán. Điều này cho phép công nghệ LCD tiến gần hơn đến màu đen như mực của OLED bằng cách thay đổi mức độ ánh sáng trên bề mặt màn hình. Thật không may, những màn hình này vẫn gặp phải các vấn đề như bóng mờ và hiện tượng nhòe đen.
Màn hình có tỷ lệ tương phản cao hơn thường sẽ hiển thị tốt hơn trong phòng tối, trong khi màn hình có tỷ lệ tương phản thấp hơn thường được tối ưu hóa về độ sáng. Tùy thuộc vào nơi bạn đang xem TV và nội dung bạn sẽ xem trên đó, màn hình OLED cao cấp với tỷ lệ tương phản vô hạn có thể là một sự lãng phí rất lớn, trong khi màn hình LCD sẽ hoạt động tốt.