CIDR, viết tắt của Classless Inter Domain Routing, là một IP addressing scheme (phương pháp định vị địa chỉ IP) giúp cải thiện việc phân bổ địa chỉ IP. CIDR thay thế hệ thống cũ dựa trên các lớp A, B và C. CIDR giúp kéo dài đáng kể "tuổi thọ" của IPv4, cũng như làm chậm sự tăng lên của các bảng định tuyến.
Trong bài viết này, bạn sẽ khám phá cách CIDR thực sự hoạt động, cũng như cung cấp các ví dụ để minh họa tốt hơn cho những khái niệm được giải thích.
Sự cố với việc cấp địa chỉ IP dựa trên lớp
Phương pháp cấp địa chỉ IP cũ thiếu hiệu quả và làm cạn kiệt tính khả dụng của địa chỉ IPv4 nhanh hơn mức cần thiết. Hệ thống định tuyến đầy đủ bao gồm các lớp A, B và C:
- Lớp A - Hơn 16 triệu định danh host
- Lớp B - 65.535 định danh host
- Lớp C - 254 định danh host
Vấn đề thường xảy ra khi một tổ chức yêu cầu nhiều hơn 254 máy chủ. Trường hợp này sẽ không còn rơi vào lớp C nữa mà thay vào đó là lớp B. Điều này có nghĩa là tổ chức sẽ sử dụng giấy phép lớp B mặc dù họ có ít hơn 65.535 host. Do đó, nếu một tổ chức chỉ yêu cầu 2.500 host, họ sẽ lãng phí khoảng 63.000 host nếu giữ giấy phép loại B. Điều này sẽ làm giảm đáng kể tính khả dụng của các địa chỉ IPv4 một cách không cần thiết.
CIDR hoạt động như thế nào?
CIDR dựa trên Variable Length Subnet Masking (VLSM). Điều này cho phép CIDR xác định các tiền tố có độ dài tùy ý, làm cho nó hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống cũ. Địa chỉ IP CIDR bao gồm hai bộ số. Địa chỉ mạng được viết dưới dạng tiền tố, giống như bạn sẽ thấy ở địa chỉ IP bình thường (ví dụ: 192.255.255.255). Phần thứ hai là hậu tố cho biết có bao nhiêu bit trong toàn bộ địa chỉ (ví dụ: /12). Đặt 2 phần này lại với nhau, một địa chỉ IP CIDR sẽ trông như sau:
192.255.255.255/12
Tiền tố mạng cũng được chỉ định là một phần của địa chỉ IP. Điều này thay đổi tùy thuộc vào số lượng bit cần thiết. Do đó, vẫn lấy ví dụ ở trên, ta có thể nói rằng 12 bit đầu tiên là phần mạng của địa chỉ, còn 20 bit cuối cùng dành cho địa chỉ host.
Bảng khối CIDR IPv4 của Wikipedia dưới đây cung cấp một cái nhìn tổng quan rõ ràng về cách những định dạng địa chỉ khác nhau kết xuất một số lượng địa chỉ khác nhau. Các định dạng cũng được phân loại theo cách sử dụng điển hình.
Ví dụ về CIDR
Bài viết đã đề cập đến việc địa chỉ IP CIDR trông như thế nào. Bây giờ, hãy xem qua một vài ví dụ để phân tích định dạng của chúng. Công cụ CIDR Calculation rất tuyệt nếu bạn muốn dễ dàng xác định dải IP mà địa chỉ CIDR cụ thể tương đương. Chỉ cần nhập địa chỉ CIDR vào công cụ và nhấp vào nút Calculate. Thao tác này sẽ trả về thông tin như First IP (IP đầu tiên), Last IP (IP cuối cùng), Number of Hosts (số lượng host), v.v...
Tương tự, bạn cũng có thể chuyển đổi dải IP sang CIDR. Ví dụ, giả sử bạn muốn ký hiệu CIDR cho các dải IP nằm trong khoảng 192.0.0.0 đến 192.0.0.255. Bạn chỉ cần nhập hai số này vào công cụ IP Range to CIDR và để nó trả về địa chỉ CIDR tương ứng.
CIDR là một cách tuyệt vời để cải thiện hiệu quả phân phối địa chỉ IP. Điều quan trọng với IPv4 là địa chỉ IP nhanh chóng bị cạn kiệt. IPv6 hiện đang được triển khai và mặc dù việc hết địa chỉ IP giờ đây không còn là vấn đề nữa, CIDR sẽ tiếp tục được sử dụng. Đọc bài viết giới thiệu về địa chỉ IPv6 của Quantrimang.com để tìm hiểu thêm về những khác biệt có trong phiên bản mới nhất của Internet Protocol.