Chắc hẳn nhiều người đã từng nghe nói về CGI, tuy nhiên không phải ai cũng biết cụ thể CGI là gì. Trong bài viết này, mời các bạn cùng tìm hiểu CGI là gì, CGI hoạt động như thế nào và các ứng dụng của CGI.
CGI là gì?
Về cơ bản, Computer-Generated Imagery (CGI) là việc tạo ra các hình ảnh tĩnh hoặc động bằng phần mềm máy tính. CGI thường được dùng để chỉ các hình ảnh đồ họa máy tính 3D được dùng để tạo ra nhân vật, cảnh quan và hiệu ứng đặc biệt trong phim và game... Hiện tại, CGI còn được dùng trong cả quảng cáo, kiến trúc, kỹ thuật, thực tế ảo và thậm chí cả nghệ thuật.
CGI được ứng dụng rộng rãi bởi nó rẻ hơn các phương pháp ngoài đời thực như tạo ra các mô hình vật lý phức tạp, thuê diễn viên quần chúng. Bên cạnh đó, CGI còn giúp các bộ phim giải quyết các cảnh quay khó, không an toàn cho diễn viên hoặc tạo ra những khung cảnh không có thật, mất nhiều chi phí để dàn dựng.
CGI hoạt động như thế nào?
CGI được tạo ra bằng một loạt phương pháp khác nhau. Nhờ các thuật toán, nhà thiết kế có thể tạo ra các cấu trúc phức tạp. Trong khi đó, các trình chỉnh sửa ảnh 2D có thể tạo ra những hình dạng vector 3D.
Phần mềm đồ họa 3D có thể tạo ra mọi thứ từ những hình dạng nguyên thủy đơn giản đến các hình dạng phức tạp bằng cách kết hợp các hình tam giác và tứ giác phẳng. Thậm chí phần mềm 3D còn có thể mô phỏng cách ánh sáng phản chiếu với các bề mặt và tạo ra các hiệu ứng phức tạp khác.
Trong các bộ phim thời gian gần đây, CGI thực sự xuất sắc khi các nhà làm phim sử dụng một kỹ thuật gọi là compositing, hay còn gọi dân dã là kỹ thuật phông xanh. Các cảnh phim thường được quay với phông xanh đằng sau và trong quá trình chỉnh sửa hậu kỳ, các hình ảnh, hiệu ứng kỹ thuật số do CGI tạo ra sẽ được thêm vào.
Lịch sử phát triển của CGI
Bộ phim đầu tiên sử dụng CGI là Westworld năm 1973 của Michael Crichton. Vài năm sau, George Lucas đã sử dụng CGI trong Star Wars. Những ngày đầu, CGI không tuyệt vời như hiện tại. Các hình ảnh đồ họa vẫn chưa thực tế và chưa ăn khớp cho lắm. Tuy nhiên, những bộ phim này khiến khán giả phấn khích khi đưa hình ảnh robot gunlingers và trạm vũ trụ ra đời thực. Ngay sau đó, các nhà thiết kế đã tập trung vào cải thiện CGI.
Năm 1993, khán giả còn phấn khích hơn khi được thấy những con khủng long y như thật trong Jurassic Park. Các nhà làm phim đã dùng CGI để mô tả một cách chân thực nhất cách di chuyển, làn da và hoạt động của khủng long. Thành công này thúc đẩy các nhà làm phim tiếp tục cải thiện CGI.
Tới năm 1995, lần đầu tiên CGI được dùng để tạo ra cả một bộ phim. Kết quả là sự ra đời của "Toy Story", một bộ phim hoạt hình mà cho tới hiện tại vẫn còn hấp dẫn khán giả. Những nhân vật cực kỳ chân thực của Toy Story như Woody, Buzz và Rex đã làm cho mọi khán giả phải trầm trồ. Pixar cũng đã mau chóng tiếp nối thành công của Toy Story bằng những bộ phim làm hoàn toàn bằng CGI khác như Monsters Inc. và Finding Nemo.
Khi CGI được cải thiện, nó cũng trở nên phổ biến hơn. Năm 2001, CGI trong phim Trân Châu Cảng đã giúp tái hiện chân thực một sự kiện lịch sử. Cùng năm đó, Gollum trở thành nhân vật CGI đầu tiên có thể giao tiếp, tương tác với các diễn viên trong Lord of the Rings. Các nhà làm phim đã sử dụng công nghệ ghi lại chuyển động để giúp Gollum trông chân thực nhất. Tức là họ đã ghi lại chuyển động của một diễn viên sau đó kết hợp với CGI để tạo ra chuyển động của Gollum.
Bộ phim Avatar năm 2009 đã nâng CGI lên một tầm cao mới. Nó kết hợp theo dõi chuyển động với theo dõi khuôn mặt và kết hợp với CGI. Kết quả là các nhân vật trong Avatar chân thực tới mức tuyệt vời. Bộ phim này sau đó đã nhận được 3 giải Oscar và trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Khán giả thực sự bị choáng ngợp trước sự chân thực của thế giới hư cấu mà CGI tạo ra.
Hiện tại, các nhà làm phim vẫn tiếp tục cải thiện CGI. Các bộ phim siêu anh hùng của Marvel luôn khiến khán giả phải trầm trồ về độ hoành tráng, chân thực của các kỹ xảo. Các bộ phim của Disney thì ngày càng chi tiết hơn, đẹp hơn. Ngày nay, CGI còn được sử dụng trong game và các show truyền hình.
Thực tế, nhiều người cho rằng CGI đã thay đổi vĩnh viễn ngành công nghiệp điện ảnh. Hy vọng rằng trong tương lai, CGI còn phát triển hơn nữa để tạo ra thêm các tác phẩm điện ảnh xuất sắc.