Trong khi nhiều người có năng khiếu chụp ảnh thì hầu hết chúng ta đều phải tập luyện thường xuyên mới có thể cho ra đời những tấm ảnh đẹp. Áp dụng 7 lời khuyên dưới đây có thể sẽ giúp bạn rất nhiều.
1. Tự điều chỉnh độ phơi sáng
Khi tự điều chỉnh chế độ phơi sáng, người chụp có thể toàn quyền kiểm soát khẩu độ và tốc độ chụp. Điều đó có nghĩa là để có được tấm ảnh đẹp, bạn cần cân nhắc xem mình muốn bắt rõ hay làm mờ các chuyển động cũng như độ sâu trường ảnh cho từng tấm mình chụp. Nếu tự chỉnh các thông số này, thay vì sử dụng lựa chọn ISO tự động của máy, bạn cũng có thể quyết định được độ nhiễu của tấm ảnh.
Tự chỉnh độ phơi sáng cho từng bức ảnh
Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hiểu được các quy luật khi tự cài đặt thông số độ phơi sáng nhưng họ vẫn sử dụng chế độ bán tự động để ưu tiên khẩu độ hoặc ưu tiên tốc độ chụp để thuận tiện hơn. Sử dụng chế độ phơi sáng tự chỉnh tay khiến bạn phải nghĩ về độ phơi sáng nhiều hơn và kiểm soát tấm hình mình chụp, điều này sẽ rất tốt.
2. Kiểm tra histogram
Kiểm tra histogram của từng tấm ảnh là cách rất tốt để hiểu được ánh sáng và độ phơi sáng. Histogram là biểu đồ khá đơn giản cho biết số lượng điểm ảnh với giá trị độ sáng chạy từ 0 (đen) cho tới 255 (trắng) và điểm cao nhất trong biểu đồ cho biết vùng sáng nhất. Nếu biểu đồ quá cao về phía bên phải thì tức là tấm ảnh dư sáng và nhiều điểm ảnh bị cháy sáng. Trong khi đó biểu đồ quá cao về phía đối diện cho biết nhiều vùng ánh sáng tối trong ảnh có thể hoàn toàn biến thành màu đen.
Thường xuyên kiểm tra biểu đồ histogram khi chụp ảnh
Kiểm tra histogram của mỗi tấm ảnh sẽ giúp bạn có được cái nhìn trọn vẹn về các vùng sáng và vùng tối trên ảnh cũng như ảnh hưởng của độ phơi sáng tới histogram (và tới ảnh). Cùng với đó, bạn sẽ dễ dàng biết cách cài đặt độ phơi sáng sao cho có được tấm hình ưng ý.
3. Sử dụng chế độ đo sáng điểm của máy ảnh
Cũng như xem histogram, việc sử dụng chế độ đo sáng điểm (spot-meter) sẽ giúp bạn hiểu hơn về độ phơi sáng. Hệ thống đo sáng ma trận (matrix) hay đa vùng (multi-segment) được thiết kế để làm việc với mọi vùng trên tấm ảnh trong khi đo sáng điểm giúp đo ở từng vị trí chính xác trên tấm ảnh. Chế độ này giúp gợi ý thông số cài đặt cho độ phơi sáng để tạo ra các vùng sáng trung tính (vùng mid-tone). Điều này có nghĩa là bạn phải thực sự cẩn thận khi chọn vị trí đo sáng điểm, quá sáng hay quá tối thì tấm ảnh có thể bị dư sáng hoặc dư tối.
Sử dụng chế độ đo sáng điểm khi chụp
4. Tùy chỉnh độ cân bằng trắng
Nhiều nhiếp ảnh gia dựa vào hệ thống cân bằng trắng tự động của máy để có được màu chuẩn cho ảnh và trong trường hợp điều kiện ánh sáng tự nhiên thì đây là giải pháp an toàn. Một số người lại sử dụng các giá trị cài đặt sẵn (preset) để sử dụng cho từng điều kiện ánh sáng khác nhau và có rất ít người sử dụng sự thật là họ đang chụp ảnh thô và có thể chỉnh độ cân bằng trắng chỉ với 1 cú click chuột sau khi chụp.
Chỉnh cân bằng trắng thủ công
Tuy vậy, nếu người chụp tự chỉnh độ cân bằng trắng thì sẽ dễ dàng hiểu được về màu và độ cân bằng trắng của ảnh. Bạn cũng sẽ thấy tấm ảnh kết quả ngay khi chụp xong thay vì phải chỉnh sửa trên máy tính và biết ngay mình đã chụp được tấm hình ưng ý hay chưa.
5. Chụp ảnh với một tiêu cự ống kính
Zoom lens (ống kính có thể zoom) khiến việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn bởi thay vì phải xách theo cả túi đồ nghề với nhiều ống kính thì bạn chỉ cần 1 hoặc 2, phụ thuộc vào việc bạn chụp gì. Tuy vậy, một điểm trừ của zoom lens là nó khiến người chụp lười biếng hơn. Thay vì tới gần đối tượng chụp thì ta có xu hướng zoom để chụp. Việc di chuyển về phía đối tượng hoặc xung quanh đối tượng cần chụp cho phép người chụp khám phá những góc máy mới và thường cho ra đời những tấm hình thú vị.
Sử dụng 1 kiểu tiêu cự ống kính khi chụp
Một cách để bắt mình tập thói quen khám phá đối tượng chụp là hạn chế sử dụng zoom lens và thay vào đó là dùng ống kính một tiêu cự. Nếu bạn có một bộ sưu tập ống kính, hãy chọn lấy một và dành 1 ngày hoặc 1 tuần dùng nó, và chỉ 1 mình nó mà thôi. Nếu bạn có zoom lens, hãy chọn 1 tiêu cự nhất định và chỉ chụp với tiêu cự đó mà thôi. Cùng với việc khám phá ra các góc máy mới, người chụp còn hiểu rõ hơn về độ sâu trường ảnh ở mỗi tiêu cự nhất định – với một khẩu độ nhất định thì tiêu cự càng lớn sẽ cho ra đời độ sâu trường ảnh càng nông. Điều này sẽ giúp bạn quyết định độ lớn của tiêu cự và khẩu độ mình sẽ dùng và có những tấm ảnh sáng tạo hơn.
6. Chia sẻ một hình ảnh mỗi ngày
Chia sẻ với mọi người những tấm hình mình chụp (và xem ảnh chụp của người khác) là cách rất tuyệt vời để đánh giá ảnh bạn đã chụp và nhận được những phản hồi xây dựng giúp cải thiện kĩ năng. Có rất nhiều website, ứng dụng có thể giúp bạn, có thể kể tới như Instagram, Facebook, Flickr, Twitter hay Photocrowd.
Mỗi ngày chia sẻ 1 tấm hình đẹp nhất mà mình chụp được
Tuy vậy, thay vì khủng bố mọi người với quá nhiều ảnh thì hãy chọn ra tấm mà bạn cho là đẹp nhất và chia sẻ một tấm mỗi ngày. Chấp nhận thử thách một tấm mỗi ngày cũng đồng nghĩa với việc bạn thường xuyên trau dồi kĩ năng của mình và luôn sẵn sàng mở ra những cơ hội mới. Áp lực phải chia sẻ 1 tấm hình mỗi ngày cũng sẽ giúp bạn có động lực chụp những tấm hình đẹp.
7. Tự đánh giá ảnh của mình
Hãy tập cho mình thói quen đánh giá ảnh mình chụp theo thang điểm từ 0 tới 5 – 0 là bức ảnh tệ nhất và 5 điểm cho bức đẹp nhất. Cùng với việc tập trung đánh giá ảnh và phân loại ảnh đẹp - ảnh xấu, bạn sẽ có được cái nhìn chi tiết về những lỗi mà mình mắc phải, từ đó tiến bộ hơn.
Tự đánh giá ảnh của mình theo các thang điểm
Ví dụ như bạn thường có thói quen chụp ảnh góc rộng, cũng ổn nhưng khá lộn xộn. Trước khi chọn một góc chụp để tấm ảnh đỡ lộn xộn hơn, hãy tới gần chủ thể hơn, tìm kiếm 1 góc phá cách hơn và bạn sẽ có được những tấm ảnh đẹp hơn. Đánh giá ảnh cũng sẽ giúp bạn chọn những tấm hình mà mình muốn chia sẻ.
Tác giả: Angela Nicholson