Chính phủ điện tử tại Việt Nam: Thiếu chương trình tổng thể

Đây là lần thứ 4 hội nghị chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam (VN) được tổ chức. Tuy nhiên, thay vì đưa ra một chương trình phát triển tổng thể ở tầm quốc gia, những người trong cuộc lại vướng phải một câu hỏi lớn: "Ai chịu trách nhiệm xây dựng CPĐT tại VN?"

Phát triển cục bộ

Báo cáo thành tích được nhắc tới nhiều và dễ thấy nhất trong nỗ lực triển khai CPĐT tại Việt Nam đến nay có lẽ là số lượng các website và cổng thông tin (portal) được xây dựng. Theo báo cáo, 70% các bộ, ngành và 80% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay có website và cổng giao dịch điện tử. Ngoài ra, còn có hàng trăm website khác của các sở, ban, ngành, cục, vụ, viện nghiên cứu, trường ĐH được thiết lập. Tuy nhiên, số lượng website nhiều không đồng nghĩa với sự sẵn sàng cho CPĐT. Trong thời đại CNTT, khi mà từng cá nhân cũng có thể tự tạo cho mình một website thì các nỗ lực trên vẫn chưa nói lên điều gì!

Cho đến nay, đi đầu trong nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính cho công dân, DN và thực hiện cơ chế một cửa" có thể kể đến: Bộ Thương Mại với việc cấp quota qua mạng cho DN dệt may; Bộ Tài Nguyên Môi Trường lên lịch tiếp dân trực tuyến hàng quý; Tổng Cục Hải Quan với tiến trình thông quan điện tử; TP.HCM với cam kết "một cửa" tại các sở, ngành, quận, huyện; Hà Nội với nỗ lực ban đầu công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng giao tiếp điện tử...

Ông Lê Mạnh Hà, giám đốc sở BCVT TP.HCM, cho biết: hiện thành phố đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thống nhất tới 22/24 sở, ngành, quận, huyện để cung cấp thông tin cho người dân. Như vậy, trước mắt đã đáp ứng nhu cầu "một cửa" thông tin cho cư dân thành phố. Tuy nhiên, trong khi lạc quan về kết quả của cấp địa phương, ông lại bi quan ở cấp CP với đánh giá "đến giờ mọi người vẫn chỉ họp mà không có hành động thực tế, thiếu chương trình tổng thể về CPĐT khả thi".

Thiếu kế hoạch tổng thể

Một trong những khó khăn nổi cộm của Việt Nam khi triển khai CPĐT theo mục tiêu "CP vì người dân" là thiếu liên kết, tích hợp các cơ quan, tổ chức để thực hiện cơ chế hành chính một cửa. Đầu năm 2005, những người tâm huyết với việc xây dựng CPĐT đã từng hy vọng kế hoạch tổng thể phát triển CPĐT VN đến năm 2010 sẽ được Thủ Tướng phê duyệt. Nhưng cho đến nay, gần 2 năm đã trôi qua, Việt Nam vẫn thiếu kế hoạch phát triển tổng thể tầm quốc gia. Vì vậy, rất khó tránh khỏi trở ngại khi phải phối hợp giữa các bộ, ngành, tỉnh, thành; các công trình xây dựng CPĐT ở địa phương, ban, ngành, không phát huy hết công năng. Hệ quả có thể là sự lãng phí và những rủi ro không đo lường hết bởi sự thiếu nhất quán giữa các hệ thống đã được đầu tư.

Các chuyên gia tư vấn về CPĐT đến từ Singapore, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác đã từng chia sẻ với Việt Nam trong nhiều hội nghị về tầm quan trọng của chiến lược phát triển tổng thể về CPĐT tầm quốc gia. Tại hội nghị lần thứ tư CPĐT diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 13-14/12/2006, chuyên gia đến từ Microsoft vẫn một lần nữa nhắc lại điều đó: "Triển khai CPĐT cần có tầm nhìn chuẩn từ đầu, vì không thể triển khai giữa chừng rồi mới định hình. Tại Anh, nơi Microsoft đã từng làm việc, CP đã đưa ra các chiến lược rất rõ ràng như: CP cần làm gì, công nghệ đã có đến đâu, phát triển thành công CPĐT cần gì. Sau đó, họ làm việc với Microsoft để xem CP cần phải mua những gì...".

Bởi những lẽ trên thứ trưởng bộ BCVT Vũ Đức Đam đã đặt ra những câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhưng không thừa, đó là: Chúng ta đã quyết tâm sâu sắc xây dựng CPĐT chưa? Những quyết tâm đó đã được biến thành dự án thực hiện cụ thể chưa? Chúng ta đã có mô hình tổng thể phù hợp với tình hình thế giới không? Ai chịu trách nhiệm xây dựng CPĐT tại VN?

Hạnh Lê

Thứ Năm, 04/01/2007 15:44
31 👨 120
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp