Trong quý trước, lần đầu tiên một thiết bị đã có thể vượt mặt được iPhone của Apple. Theo đó, báo cáo của Strategy Analytics đã chỉ ra rằng số lượng Galaxy S III được phân phối đã vượt lượng iPhone 4S được bán ra chỉ tính riêng quý III năm 2012.
Samsung đã phân phối được 18 triệu chiếc Galaxy S III trong khi Táo Khuyết lại chỉ bán được 16,2 triệu chiếc iPhone 4S. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng số Galaxy S III của Samsung là lượng smartphone được phân phối trong khi doanh số iPhone 4S lại là doanh số bán hàng thực. Nhưng dù có sự sai khác về số liệu thống kê, bản báo cáo của Strategy Analytics đang nói lên thực tế rằng Samsung chính là gã khổng lồ duy nhất có thể đấu lại được với Apple.
1. Doanh số phân phối và doanh số bán hàng
Cùng đi sâu hơn vào số liệu của Strategy Analytics, chúng ta có thể thấy rằng số liệu iPhone của Apple chính là lượng iPhone thực sự đã bán được trong khi con số của Galaxy S III đến từ hãng điện thoại xứ Kim Chi lại là lượng máy đã phân phối tới các nhà mạng và cửa hàng. Điều đó đồng nghĩa rằng số lượng Galaxy S III mà các nhà mạng và đại lý vẫn còn bày trên kệ vẫn được tính vào con số 18 triệu máy như đã nói ở trên. Thực tế, số lượng Galaxy S III thực sự bán được thấp hơn so với doanh số phân phối mà bản báo cáo đã chỉ ra.
Và nếu tính cả số lượng 6 triệu iPhone 5 đã được phân phối cũng như chuyển số liệu của iPhone 4S tương đương với đơn vị mà Samsung đưa ra thì Apple lại là kẻ chiến thắng với 26,2 triệu chiếc so với 18 triệu máy Galaxy S III. Nhưng bức tranh mà thống kê này đã đưa ra đâu chỉ đơn giản như vậy.
2. Ra ít smartphone hơn là một chiến thuật hợp lý
Quay trở lại 2010, Samsung bắt đầu nổi lên như một đối thủ đầy tiềm năng của Apple. Đó là thời điểm mà hãng này đưa ra smartphone Galaxy S thế hệ đầu tiên chạy trên nền tảng Android với giao diện người dùng TochWiz do chính mình phát triển. Thay vì ra mắt nhiều mẫu smartphone thì hãng điện thoại xứ Hàn lại chỉ tập trung vào một sản phẩm chủ lực cho phân khúc cao cấp.
Trong khi đó, các hãng điện thoại khác như Motorola và HTC lại chọn hướng đi ra mắt nhiều sản phẩm "tàng tàng" nhau mà không đem lại những khác biệt rõ rệt. So với HTC hay Motorola, cách làm của Samsung đem đến khá nhiều cái lợi như tối ưu hóa được quy mô sản xuất, đơn giản hóa các linh kiện cũng như đảm bảo được trải nghiệm của người dùng trên dòng smartphone Galaxy qua đó tạo được sự thân thiện trong sử dụng.
Galaxy S.
Với nước đi đúng đắn này, Samsung đã có được những bước tăng trưởng rõ rệt mà minh chứng rõ ràng nhất là vào năm ngoái, hãng này đã vượt qua ông hoàng Nokia để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Có rất nhiều lý do để giải thích cho sự thành công của Samsung trong đó không thể không kể đến doanh số bán hàng smartphone vượt trội. Một trong những ví dụ là Galaxy S II, chiếc smartphone này là một trong những sản phẩm rất hút hàng vào năm ngoái của hãng điện thoại xứ Kim Chi với doanh số bán hàng 1 triệu máy sau 70 ngày chính thức lên kệ.
Galaxy S II.
3. Samsung kiểm soát tốt công đoạn gia công
Chẳng khó để nhận ra rằng trong những smartphone phân khúc cao cấp như Galaxy S, Galaxy S II và Galaxy S III có rất nhiều linh kiện được sản xuất trực tiếp bởi Samsung. Từ vi xử lý, màn hình Super AMOLED cho đến chíp nhớ RAM hay chíp lưu trữ tất cả đều do một tay gã khổng lồ Hàn Quốc tạo ra sau đó trang bị cho các sản phẩm smartphone của mình.
Tuy không trực tiếp sản xuất linh kiện, nhưng giống như Samsung, Apple cũng là một trong những hãng có khả năng kiểm soát tốt phần việc sản xuất iPhone. Đơn cử như Táo Khuyết chịu trách nhiệm đảm nhận thiết kế vi xử lý sử dụng trên iPhone, iPad sau đó chuyển giao tới các hãng sản xuất khác rồi giao toàn bộ việc lắp ráp cho các nhà máy Foxconn tại Trung Quốc.
Các nhà máy Foxconn là nơi đảm nhiệm công đoạn sản xuất iPhone.
Chính vì có thể kiểm soát tốt dây chuyền sản xuất điện thoại của mình nên các sản phẩm của hai hãng này có thể tương thích tốt với nhau dẫn đến hiệu năng được đảm bảo cũng như hoạt động ổn định. Ngoài ra, cách làm này cũng giúp giảm bớt những chi phí phát sinh không mong muốn ở khâu sản xuất hay lắp ráp. Hiện nay, ngoài hai cái tên Apple và Samsung, khó có thể tìm được ai khác đủ sức hay chí ít là có tiềm năng để làm tốt công đoạn này.
Không chỉ là tối ưu hóa sản xuất, Apple còn có thể phân phối sản phẩm của mình tới nhiều thị trường hơn với nhiều nhà mạng hơn ngay khi chúng chính thức được lên kệ. Và Samsung cũng chẳng hề kém cạnh bởi chỉ một thời gian ngắn sau khi Galaxy S III được ra mắt thì chỉ chưa đầy 2 tuần, chiếc điện thoại này đã được phân phối tới thị trường Châu Âu và 145 nước khác.
Galaxy S III.
Chỉ có thể là Samsung
Với mỗi lần ra mắt một sản phẩm Galaxy mới, Samsung đã có sẵn công thức từ Apple để làm theo và thành công. Đó cũng là lý do tại sao mà gần đây nổi lên là cuộc chiến pháp lý giữa hai hãng này liên quan đến các sản phẩm của nhau mà đỉnh điểm là Samsung đã thua kiện và phải bồi thường 1 tỷ USD cho Apple. Tuy vậy thì cũng chẳng thể phủ nhận rằng Samsung đang nổi lên như một kẻ đối đầu thực sự với Apple không chỉ là kiện cáo mà còn bằng các sản phẩm công nghệ và nếu phải kể ra một cái tên xứng đáng làm đối trọng của Táo Khuyết thì khó có ai có thể hơn được Samsung. Tất nhiên người dùng vẫn sẽ được hưởng lợi khi mà Apple đã có đối thủ.