Cách âm cho phòng xem phim tại gia

Nếu khéo tay và quan tâm đúng mức, bạn có thể tự xây dựng một phòng cách âm tiêu chuẩn cho nhu cầu giải trí của mình.

Muốn dựng một phòng cách âm thực thụ, trước hết phải biết âm thanh lọt ra ngoài theo những phương thức nào, từ đó mới có đối sách đầu tư phù hợp. Và cho dù bạn có phòng dành riêng cho hệ thống âm thanh rạp hát hay chỉ có một phòng dùng cho đa mục đích, vẫn luôn có nhiều cách thức nâng cấp cho bạn lựa chọn, từ rẻ và đơn giản đến phức tạp và xa xỉ.


Phòng nghe nhìn cần kín để âm thanh không bị lọt ra ngoài và âm thanh ở ngoài không ảnh hưởng tới việc giải trí. Ảnh: Fombag.

Thông thường, có hai con đường mà âm thanh có thể lọt ra ngoài. Thứ nhất là qua đường không khí. Con đường này thường được nghĩ tới đầu tiên và cũng dễ khắc phục nhất. Các cửa sổ, lỗ thông hơn hay các lỗ bức tường đều là những chỗ mà sóng âm có thể ra ngoài. Giải pháp đơn giản nhất là cần có một vật chắn lại. Với vật chắn này, kích thước không phải là vấn đề, cái chính là khối lượng và tính chất, mật độ của vật liệu chắn đó.

Con đường thứ hai phức tạp hơn và khó khắc phục hơn là âm lọt ra ngoài qua kết cấu vật liệu căn phòng, như trần hay sàn nhà. Sóng âm đi xuyên qua vách, vì thế, giải pháp đối với hiện tượng này là phải tạo sự cô lập (chia tách) các vách với nhau. Nếu hai vách không chạm vào nhau thì âm thanh sẽ không thể đi qua được. Mặc dù xét về mặt khái niệm thì khá đơn giản, nhưng để khắc phục được hiện tượng này, cần những giải pháp khá phức tạp, nhất là trong trường hợp âm thanh đi qua sàn.

Để có được một phòng cách âm hoàn hảo phục vụ cho nhu cầu xem phim nghe nhạc tại gia, cần phải khắc phục cả hai hiện tượng âm thanh truyền qua không khí và kết cấu. Những người xây nhà mới với ý đồ có phòng rạp tại gia từ đầu sẽ đơn giản hơn rất nhiều những người sống trọng những căn hộ cố định hay những căn nhà cũ, nơi mà vách, tường hay trần đều khá mỏng trong khi việc xây dựng, cải tạo lại khá khó khăn.


Tường cách âm. Ảnh: Digitaltrends.

Giải pháp đầu tiên là phải xử lý tường cách âm. Hầu hết mọi người khi xây phòng đều có một kiểu xếp tiêu chuẩn gồm hai lớp tường đá rỗng ở giữa mà một cột gắn hai lớp tường này. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp hoàn hảo. Chỉ với hai lớp và một không gian rỗng nhỏ hẹp ở giữa không cô lập được nhiều âm thanh. Thêm vào đó, việc chỉ sử dụng một cột đơn cho cả hai lớp đồng nghĩa với việc độ rung âm thanh có thể thông qua cột kết cấu này để sang phòng bên.

Để khắc phục, cần phải áp dụng kỹ thuật xếp cột xen kẽ. Thay vì sử dụng cùng một cột với hai mặt dính vào hai lớp tường, mỗi lớp tường sẽ được áp với cột riêng chỉ ở một mặt. Mặc dù kỹ thuật này khiến cho tường phải rộng hơn, nhưng sẽ cô lập âm thanh tốt hơn, cách âm hiệu quả hơn. Nếu cầu kỳ, muốn có được sự cách âm được tối đa, có thể sẽ cần thêm một số vật liệu chuyên biệt nữa trong việc gắn hay trát các bức tường này.

Một giải pháp khác là có thể xây kiểu tường di động, nghĩa là có thể tách các tường khỏi khung bằng cách sử dụng hệ thống dịch chuyển giúp nâng khoảng cách giữa hai lớp thêm vài cm nữa nhằm tạo thêm khoảng không giúp cách âm tốt hơn. Tuy nhiên, một số chuyên gia không khuyến khích cách thức này bởi họ cho rằng nó sẽ làm gia tăng các âm cộng hưởng tại một tần số nhất định.

Sau khi giải quyết xong bài toán tường nhà, cần xem xét tiếp một khoảng không lớn khác, đó là trần nhà. Vấn đề lớn nhất đối với trần nhà là gắn với sàn của phòng phía trên. Nếu không có phòng nào ở trên thì quả là lý tưởng, nhưng nếu như căn phòng nghe nhìn của bạn ở tầng dưới và phòng ngủ lại ngay ở trên thì cần phải đầu tư rất kỹ để âm thanh không thể lọt lên được.

Có một vài phương pháp giúp cô lập các lớp trần tương tự như đối với tường, như treo thêm một lớp trần giả cách âm hoặc một khung trần di động có thể tách khỏi mặt sàn phía trên khi cần. Dù áp dụng phương pháp gì thì khoảng không cần tạo giữa hai lớp cũng là yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù các trần treo thông thường không cách âm được nhiều, nhưng với những phương pháp và vật liệu thích hợp, phương pháp này cũng giúp cải thiện đáng kể độ cách âm (ví như sử dụng vật liệu dày hơn, nặng hơn hay đặc hơn… so với các vật liệu thông thường).

Sau khi đã cách âm cho tường và trần nhà, vấn đề khó khăn còn lại là sàn nhà. Tương tự như trần và tường, sàn nhà cũng là nơi mà âm thanh có thể đi xuyên sang phòng bên cạnh, nhất là khi phòng nghe nhìn của bạn lại ở trên một phòng khác. Một trong những phương pháp đầu tiên nên nghĩ đến dù rất cổ điển, đó là trải thảm cho sàn.

Nếu chuyên nghiệp hơn, có thể sử dụng các phương pháp tương tự như với trần hay tường, đó là làm sao để mặt sàn càng tách biệt với mặt nền càng tốt. Bạn có thể làm được điều này bằng việc lắp thêm một dạng sàn treo. Mặt sàn sẽ đứng trên một khung phụ, tạo thêm khoảng không giữa sàn và nền, từ đó cách âm hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, làm một mặt sàn mới không phải là một giải pháp mà ai cũng có thể làm được và cũng không phải địa hình nào cũng làm được, dù cho nó có tạo nên sự khác biệt đến đâu. Nếu không thể thực hiện được, hãy cố gắng tách biệt âm thanh từ loa tới sàn bằng các chân đế. Các chân đế, các tấm cách âm lót nếu được đầu tư đúng mức và với vật liệu chuyên dụng có thể đóng vai trò khá lớn trong việc cách âm.


Trần nhà giả cách âm. Ảnh: Tin-ceiling.

Sau khi đã giải quyết cơ bản các không gian lớn, giờ đến lúc nghĩ đến các không gian nhỏ cũng có thể gây lọt âm. Một trong những yếu tố phải xem xét đến đầu tiên là cửa ra vào. Nói chung các cửa ra vào càng vững, càng chắc chắn thì độ cách âm càng cao. Nếu cần, có thể tiến hành nâng cấp hoặc thay thế cửa với những lớp cách âm đặc biệt phủ lên cùng với xử lý các khe hở giữa cửa và khung. Bằng cách này, bạn sẽ có được một phòng cách âm hoàn hảo không thua các studio chuyên nghiệp.

Một yếu tố phụ khác cũng cần xem xét là các lỗ thông hơi của căn phòng. Vấn đề này giải quyết có phần đơn giản hơn, như chỉ cần lắp thêm vách cản âm phía trước hoặc nếu không cầu kỳ, một tấm xốp cũng có thể giải quyết được vấn đề.

Nếu chuyên nghiệp hơn, có thể bạn sẽ còn phải chú ý đến các khu vực "tiềm năng" rò rỉ âm khác như hộp kỹ thuật hay hộp điện. Hộp này phải được phủ kín bằng vật liệu cách âm, nhất là đối với những hộp lớn có thể sâu sang cả phòng bên cạnh.

Cửa sổ cũng là một đối tượng cần xem xét cẩn trọng nếu muốn tỏ ra chuyên nghiệp. Nếu nhà bạn chỉ có cửa sổ kính đơn, hãy nâng cấp lên cửa kính hai lớp chân không. Hãy đầu tư các loại mành hay rèm dày để hỗ trợ thêm việc cách âm. Giải pháp hoàn hảo nhất là nên bố trí phòng giải trí nghe nhìn không có cửa sổ, hoặc nếu cần thiết phải có, hãy đầu tư một tấm cách âm lớn đúng bằng cửa sổ để khi cần có thể che kín lại.

Có rất nhiều lựa chọn để khắc phục và xây dựng cho mình một phòng cách âm hiệu quả phục vụ cho nhu cầu giải trí rạp tại gia, và nó sẽ thực sự hiệu quả nếu được đầu tư đúng mức. Nếu là một người khéo tay, bạn có thể tự làm tất cả. Nhưng nếu không chắc chắn, hãy tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách đi thuê các công ty chuyên nghiệp.

Thứ Bảy, 15/01/2011 09:06
31 👨 1.120
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp