Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Không ồn ào, phô trương như siêu xe mỗi xuất hiện ở thị trường trong nước, nhưng những thiết bị hi-end dưới đây giá bán cũng không thua kém.

Loa Kharma Exquiste Grand (giá tham khảo 280 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam
Loa Kharma Exquite Grand cao trên 2 mét. (Ảnh: Blogspot).

Kharma Acoustics đang có sự thay đổi lớn về triết lý sản xuất. Hãng chuyển từ sử dụng các driver loa được đặt hàng theo tiêu chuẩn riêng biệt sang tự sản xuất dựa trên công thức composite tuyệt mật. Đôi Exquisite Grand xuất hiện tại Hà Nội cuối năm 2011 là sản phẩm lớn thứ 3 của hãng, sau Exquisite Extreme Grand (giá 410 nghìn USD) và Exquisite Extreme Limited Edition 25 (giá 540 nghìn USD, chỉ sản xuất 25 cặp).

Tương tự đôi đầu bảng, Exquisite Grand có thiết kế hình số 8, cao trên 2 mét. Toàn bộ 7 driver, bao gồm một loa tweeter, hai loa mid-high, hai loa mid và hai loa woofer được sắp xếp theo kết cấu D’Applolito. Bên cạnh driver, công nghệ chế tạo thùng loa là chìa khóa giúp Kharma có thể trình diễn âm thanh với trường âm sâu và hài âm của các nhạc cụ, nhất là piano chính xác. Thùng loa được ghép từ 15 tấm gỗ, cắt CNC theo đường zic-zac phức tạp bên trong và gắn kết với nhau bằng loại keo đặc biệt. Sau đó, thùng loa được đánh bóng và sơn theo công nghệ dành cho siêu xe.

Loa Avalon Sentinel (giá tham khảo 120 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Loa Avalon Sentinel là thiết kế của ông Neil Patel, chủ nhân của Avalon Acoustics.

Thành công của Avalon được ghi nhận từ nỗ lực nghiên cứu về triết lý thùng loa và bộ phân tần, kết hợp với những loa con kỹ thuật cao như nomex/kevlar, gốm, kim cương, tạo nên không gian trình diễn 3 chiều, đồng nhất về pha, đặc biệt là âm trầm xuống thật sâu.

Lá cờ đầu Sentinel là tuyệt phẩm âm thanh của ông Neil Patel, chủ nhân của Avalon Acoustics. Bằng những tính toán phức tạp, ông đã vẽ ra kết cấu thùng loa với bề mặt đa cạnh nhằm triệt tiêu nhiễu xạ âm thanh. Loa Sentinel cao 175cm, nặng hơn nửa tấn, trang bị 5 loa con, bao gồm một tweeter kim cương, một mid gốm 9cm, một woofer 23cm và hai woofer 33cm. Trong đó, hai loa bass lớn nhất sẽ hoạt động như hệ thống phát siêu âm trầm, được kéo bởi ampli riêng. Mỗi loa được thiết kế riêng một khối ampli, bao gồm bộ phân tần, mạch khuếch đại cho hai loa woofer kèm phân tần chủ động. Đến tháng 7 này, Neil Patel sẽ giới thiệu mẫu loa Sentinel phiên bản mới tại triển lãm Rocky Moutain Fest 2012 (Colorado, Mỹ). Tuy nhiên, hãng vẫn giữ tên Sentinel thay vì MKII hay New Sentinel.

Loa Acapella Triolon Excalibur MKIII (giá 230 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Loa Acapella Triolon Excalibur MKIII thiết kế rất phức tạp.

Các sản phẩm của hãng loa kèn hàng đầu nước Đức có ưu điểm tái tạo âm thanh độ động cao, sân khấu rộng, sử dụng họng kèn, nhưng không bị hiệu ứng nhiễu vòm. Ngoài ra, Acapella cũng là một trong những hãng loa sử dụng công nghệ treble plasma.

Mẫu loa này có thiết kế phức tạp, gồm cột tháp chứa 4 loa và một nhánh loa hình lưỡi kiếm đóng vai trò giá đỡ cho hai họng kèn và một module treble ION Plasma. Phiên bản MKIII có những thay đổi chủ yếu ở bộ phân tần nhằm tăng độ động lên 95dB (4ohm), giúp loa có thể được kéo dễ dàng bởi những ampli đèn công suất thấp. Dù có kích thước khá lớn 216 x 108,7 x 95cm, trọng lượng 400kg, nhưng hệ thống Acapella Triolon Excalibur MKIII vẫn có thể mang đến không gian sân khấu hoành tráng trong diện tích phòng nghe 25m2

Loa Dynaudio Evidence Master (giá tham khảo 130 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Mỗi khối loa Dynaudio Evidence Master được ghép từ 3 module rời.

Dynaudio là một trong số ít nhà sản xuất có khả năng hoàn thiện các thành phần cấu tạo nên hệ thống loa hoàn chỉnh, từ chế tạo thùng loa thủ công, bộ phân tần, đặc biệt là các loa con. Trong số đó phải kể đến công nghệ loa tweeter Esotar huyền thoại và loa bass màng magiê-silicat dùng voice-coil đường kính lớn.

Evidence Master có 6 module rời, mỗi khối loa hình trụ cao 205cm, trọng lượng 135kg, được ghép từ 3 module. Trong đó, hai module trên và dưới chứa 4 driver woofer, module ở giữa có mặt loa được phay từ nhôm khối dày giữa hai loa mid và hai loa tweeter Esotar 2. Ưu điểm nổi trội của Evidence Master là khả năng tái tạo độ động đáng nể, 8 driver được bố trí ở các khoang riêng biệt, giảm thiểu nhiễu âm do tác động lẫn nhau, giúp các loa con hoạt động tối ưu. Ngoài ra, phải kể đến sân khấu trình diễn rộng với những lớp âm thanh được trải đều theo các chiều, tạo hiệu ứng "live" rõ nét.

Preampli tham chiếu Boulder 2010 – 3050 (giá tham khảo tương ứng 42 nghìn USD và 60 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Boulder 2010 - 3050 sở hữu thiết kế nguồn rời.

Thành lập năm 1984 tại bang Colorado (Hoa Kỳ), Boulder tức thì được xếp vào hàng ngũ những thương hiệu đẳng cấp ultra-hiend với triết lý đơn giản: tái tạo chính xác sân khấu âm thanh như khi ca sĩ trình diễn và thu âm. Series 2000 là dòng sản phẩm có chất âm đặc biệt kết hợp độ động của bán dẫn và độ êm cũng như không gian trình diễn sâu của đèn điện tử.

Preampli tham thiếu Boulder 2012 sở hữu thiết kế nguồn rời trang bị ba biến thế, phần điều khiển sử dụng thiết kế mạch dual mono, chỉ dùng tín hiệu Balance, linh kiện cao cấp và một trong những chiết áp âm lượng chính xác nhất hiện nay. Bộ power ampli mono 3050 có công suất 1.000W/8ohm, mỗi vế trang bị 48 tụ lọc, 80 sò công suất và chip xử lý theo dõi toàn bộ hoạt động của ampli.

Bí quyết tạo nên âm thanh vừa sinh động, đầy lực, vừa tinh tế, ấm áp kiểu đèn điện tử là nhờ bộ module Boulder 993 được thiết kế chính hãng có nhiệm vụ khuếch đại điện thế tầng đầu, giúp mở tối đa băng thông của tín hiệu trước khi đưa vào khuếch đại dòng. Sau model 2050, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận bộ poweramp tham chiếu đầu bảng mới 3050 với giá bán dự kiến 195 nghìn USD.


Hệ thống khuếch đại Goldmund Mimesis 22H – Telos 3500 (preampli giá 103 nghìn USD, ampli giá 350 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Đây là sản phẩm kỷ niệm 10 năm ra đời preampli tham chiếu nổi tiếng Mimesis 22M.

Đến từ Thụy Sĩ, Goldmund có hơn 30 năm kinh nghiệm trong chế tạo thiết bị audio hạng sang. Sản phẩm của hãng được chăm chút từ các thợ thủ công giàu kinh nghiệm kết hợp công nghệ âm thanh tiên tiến đến từ các trung tâm nghiên cứu âm học và điện tử.

Hiện nay, bộ pre/power ampli Mimesis 22H và Telos 3500 là hệ thống khuếch đại đắt giá nhất ở Việt Nam. Là sản phẩm kỷ niệm 10 năm ra đời preampli tham chiếu nổi tiếng Mimesis 22M, phiên bản H (viết tắt từ History) sử dụng thiết kế nguồn rời nhằm đưa mức nhiễu tín hiệu vốn rất thấp ở phiên bản trước xuống đến giới hạn tối thiểu. Dù power ampli mono Telos 3500 xếp thứ 2, nhưng được xem là sản phẩm đầu bảng của Goldmund do model lớn nhất Telos 5000 chỉ có 20 đôi. Goldmund Telos 3500 có thiết kế đứng. Chassis nhôm dày kết hợp với những chi tiết được mạ vàng tinh tế và sang trọng cùng công suất 3.500W (2ohm), sử dụng 12 bộ tụ nguồn, 12 biến thế nguồn, tốc độ xử lý dưới 10 nano giây.

Đầu đĩa than Metronome Kalista Reference + C2A Signature (đầu đĩa than giá 65 nghìn USD, DAC giá 35 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Sản phẩm đầy hào nhoáng này là kết quả của sự kết hợp giữa vật liệu acrylic và thép sáng.

Đến từ nước Pháp, Metronome thuộc top những nhà sản xuất thiết bị nguồn âm hi-end audio hàng đầu thế giới, cho ra đời những thiết bị nguồn âm đẹp cả thanh lẫn sắc. Hiện nay, bộ cơ Kalista Reference và DAC C2A Signature là những sản phẩm đầu bảng của hãng.

Kalista Reference hào nhoáng được vẽ đầy mê hoặc nhờ kết hợp hài hòa vật liệu acrylic và thép sáng, nổi bật với thiết kế kiềng ba chân, giúp giảm nội và ngoại chấn triệt để. Kalista Reference sử dụng cơ Philips CMD 12 pro 2 V6.8, tựa vững chắc trên ba chân kiềng bằng thép không gỉ. Đầu cơ này được nuôi bằng nguồn rời với khả năng lọc sạch nhiễu đáng kể, sử dụng ba biến thế nguồn cùng nhiều tầng lọc ổn áp.

Với thiết kế power supply rời, Metronome CA2 Signature là bộ DAC xứng tầm với Kalista Reference. CA2 Signature có hai khối thiết bị gồm power supply và mạch DAC. Trong đó, bộ nguồn được thiết kế kỹ lưỡng, sử dụng 7 biến thế và 11 tầng lọc ổn áp cung cấp nguồn ổn định và độc lập cho các mạch ở DAC như input, upsampling, giải mã, analog output… Mạch DAC của CA2 có khả năng giải mã tín hiệu ở mức tối đa 24-bit/192kHz với nhiễu S/N 120dB, riêng mạch output sử dụng hai bóng khuếch đại 3 cực 6922.

dCS Scarlatti System (giá tham khảo 74 nghìn USD)

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Hệ thống dCS Scarlatti thường xuyên xuất hiện tại các bộ dàn tham chiếu ở các triển lãm hi-end

dSC Audio là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực digital với những thiết kế hệ thống nguồn âm đa tầng, sử dụng công nghệ giải mã riêng kết hợp mạch upsampli và clock có độ chính xác cao. Hệ thống dCS Scarlatti thường xuyên xuất hiện tại các bộ dàn tham chiếu ở các triển lãm hi-end. Bởi đây là một trong những nguồn âm digital có độ trung thực và chính xác nhất hiện nay, thậm chí được so sánh với độ mộc và tinh tế của đĩa than.

Scarlatti có 4 khối thiết bị, bao gồm cơ, upsampling, giải mã và clock, dCS tự thiết kế riêng mạch giải mã có tên Ring DAC với 40 con chip. Mạch xử lý digital hoạt động trên nền tảng chip Field Programmable Gate Array (FPGA) kết hợp với các vi xử lý tín hiệu phức tạp mà không đơn thuần là những giải mã D/A đơn. Sarlatti Upsampler nâng tín hiệu từ CD chuẩn 16-bit/44.1kHz lên các mức cao hơn như 24-bit/88.2kHz, 24-bit/176.4kHz và thường được đẩy lên mức cao nhất trong DSD (ngang bằng chuẩn SACD) trước khi đưa sang Paganini DAC. Một trong những ưu điểm của hệ thống Scarlatti là có thể sử dụng ngõ vào USB kết hợp với cơ chế upsampling và mạch Ring DAC để phát file lossless từ máy tính với chất lượng âm thanh cao, nhất là các file độ phân giải cao 24-bit/192kHz.

Dây dẫn Zensati Seraphim

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Dòng dây Seraphim sử dụng lõi đồng mạ vàng dạng dẹp xoắn với độ sai số cực thấp.

Với triết lý âm thanh trung tính, độ động cao, giữ nguyên bản chất âm từ hiệu đầu vào đến đầu ra, Zensati đã nhanh chóng lọt vào top những nhà sản xuất cáp hi-end. Sau thành công của các series được đặt tên theo số No.1, No.2, No.3, Mark Johasen, chủ nhân của Zensati, đã giới thiệu dòng tham chiếu đầu bảng mới Seraphim tại CES 2012.

Dòng Seraphim sử dụng lõi đồng mạ vàng có dạng dẹp xoắn với độ sai số cực thấp. Đây là công nghệ đã được Zensati đăng ký bản quyền sáng chế, cách điện bằng không khí, vỏ bọc sử dụng chất liệu FEP. Dây loa Seraphim gồm 7 lõi dây xoắn được bọc chống nhiễu FEP, cách điện bằng khí, giắc kết nối thuộc loại giắc carbon cao cấp của Furutech.

Dây nguồn, tín hiệu, digital có kết cấu lõi và cấu trúc dây tương tự, chỉ khác về số lượng lõi. Dòng Seraphim bọc bằng lớp vỏ FEP trong suốt giúp dây dễ uốn cũng như tăng khả năng chống nhiễu, cách điện. Cũng với triết lý của Zensati, Seraphim đã đẩy tốc độ trình diễn lên mức cao hơn và giảm thiểu can thiệp của dây trong quá trình truyền dẫn, giúp người nghe có cảm nhận nhiều và đúng nhất âm thanh của các thiết bị chủ động trong bộ dàn.

Giá tham khảo: Dây loa Zesati Seraphim giá 37,9 nghìn USD (2,5m); dây tín hiệu Zensati Seraphim giá 16,5 nghìn USD (1,5m); dây nguồn Zensati Seraphim giá 23,4 nghìn USD (2,5m); dây Digital Zensati Seraphim: 14,2 nghìn USD (1m).

Dây dẫn Nordost Odin

Các thiết bị âm thanh siêu đắt ở Việt Nam

Thương hiệu này nổi tiếng với công nghệ dây Flat.

Thương hiệu cáp audio hàng đầu thế giới nổi tiếng với công nghệ dây Flat (trải đều các lõi trên bề mặt) và hai công nghệ cách điện Mirco mono-Filment, Dual mono- Filament, giúp tạo lớp đệm cách điện bằng không khí, giảm tối đa hiện tượng nhiễu bề mặt.

Sau dòng cáp được xem là chuẩn tham chiếu Vahalla, Nordost tiếp tục tạo ấn tượng với audiophile khi giới thiếu series đầu bảng Odin. Cáp Odin có giá bán ngất ngưởng, nhưng khi đã cắm vào thì khó rút ra. Bởi tuy chỉ là những thiết bị thụ động, nhưng cáp khiến hệ thống trình diễn khác hẳn, đặc biệt là hài âm được tái tạo chính xác với độ động và độ ngân trung thực khiến người nghe có cảm giác các nhạc cụ đang trình diễn trước mắt. Cáp loa Nordost Odin sử dụng công nghệ cách điện Dual Micro Mono-Filament để tạo khoảng hở giữa lõi và vỏ giáp. Khoảng hở này được bơm khí cách điện, dây có thiết kế dạng lõi dẹp với chất liệu đồng mạ bạc 99,99999%. Riêng dây tín hiệu, dây digital và dây nguồn Odin ứng dụng công nghệ TSC (Total Signal Control). Đây là kỹ thuật kết hợp nhiều lõi dây và xoắn lại với nhau đặt trong ống cứng giúp giảm nhiễu, cho trở kháng dây ổn định. Ngoài ra, về cơ học, nó giúp dây dễ uốn hơn.

Giá tham khảo: Dây loa Odin giá 29 nghìn USD (2,5m); dây tín hiệu Odin giá 18 nghìn USD (1,5m); dây nguồn Odin giá 16 nghìn (2,5m); dây Digital Odin giá 10 nghìn (1,25m).

Thứ Tư, 23/05/2012 09:15
31 👨 1.467
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp