Bắc Ninh tìm cách “thúc” thương mại điện tử phát triển

Là một tỉnh nằm trong top các địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển và hạ tầng CNTT, Bắc Ninh đặt mục tiêu và dành nhiều kỳ vọng cho việc phát triển, ứng dụng Thương mại điện tử (TMĐT) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng trên địa bàn. Thế nhưng, để kết quả đạt như mong muốn, vẫn còn nhiều việc phải làm…

Nỗ lực “thúc” TMĐT phát triển

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, ngay khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010, Bắc Ninh đã sớm xây dựng kế hoạch phát triển TMĐT cụ thể cho địa phương. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT đã được Bắc Ninh triển khai từ năm 2007. Hai năm 2007-2008, Bắc Ninh đã hoàn thành việc xây dựng được kế hoạch tổng thế ứng dụng TMĐT cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở Công Thương Bắc Ninh, đơn vị tham gia trực tiếp phát triển TMĐT tại địa phương, kết quả rõ nét nhất của năm 2007 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự tham gia của khá đông doanh nghiệp. Trung tâm đã tổ chức được hai lớp với gần 400 doanh nghiệp tham gia đồng thời nâng cấp, chỉnh sửa để hoàn thiện website xúc tiến thương mại và thường xuyên cung cấp thông tin.

Một trong những webite được Bắc Ninh hỗ trợ xây dựng đã đem về nhiều đơn hàng giá trị cho doanh nghiệp.
Bắc Ninh sớm tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền kiến thức về TMĐT tới tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với CNTT và tiếp cận với TMĐT.

Năm 2008, Bắc Ninh đã tiến hành đoàn doanh nghiệp đi khảo sát kinh nghiệm triển khai TMĐT của các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng và Vĩnh Phúc. Từ năm 2008, tỉnh đã đào tạo được một lớp với 142 học viên tham gia đại diện cho 102 doanh nghiệp nhằm nâng cao công tác thông tin, tuyên truyền về TMĐT.

Đặc biệt, năm 2008, Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bắc Ninh đã hỗ trợ xây dựng 29 website cho các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch tổng thể từ 2007 đến 2010 xây dựng 100 website cho các doanh nghiệp.

Chương trình phát triển TMĐT năm 2009 được đặt ra với nhiều kỳ vọng, đặc biệt là tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia các sàn giao dịch điện tử, cổng thương mại điện tử. Công việc quan trọng nhất trong năm 2009 là hỗ trợ vận hành, thiết kế thêm 50 trang website, trên cơ sở phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ. Chương trình bắt đầu từ tháng 7/2009, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2009.

Ăn nên làm ra từ TMĐT

Đã ba năm Bắc Ninh tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT, những kết quả ban đầu cho thấy rất khả quan. Trước khi chương trình hỗ trợ xây dựng web cho doanh nghiệp được thực hiện, số lượng website của các cơ quan, doanh nghiệp Bắc Ninh còn rất khiêm tốn và đếm được trên đầu ngón tay. Nếu như tính tới thời điểm cuối năm 2007 và năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có trên dưới 10 website cung cấp thông tin trên môi trường Internet thì hết năm tình hình đã thay đổi.

Doanh nghiệp đã quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình trên mạng Internet. Một số giao dịch đã thành công, thể hiện bằng những hợp đồng được ký kết. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đã quảng bá thương hiệu của mình được sâu rộng hơn.

Dẫn chứng cho lời khẳng định này, ông Hùng cho biết, tuy rằng việc hỗ trợ xây dựng web cho doanh nghiệp chỉ kết thúc bàn giao vào thời điểm cuối năm 2008 song chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã có tới 6/29 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng website nhận được 13 đơn hàng online. Doanh thu hợp đồng đạt được qua webstie ước tính đạt 2,6 tỷ. Có những đơn hàng được thực hiện tới tận năm 2013, 2015.

Một doanh nghiệp kinh doanh cây xanh ở huyện Tiên Du vốn không mặn mà với việc được hỗ trợ làm web, nhưng khi con trai của họ đứng ra làm đã chứng minh hiệu quả thực sự. Trong số 13 đơn hàng mà 6 doanh nghiệp ký có được từ việc quảng bá thương hiệu, dịch vụ thông qua website, thì doanh nghiệp này đã có trong tay tới 3 đơn hàng. Có đơn hàng được ký kết với thời gian triển khai tới năm 2013.

Một doanh nghiệp làng khác cũng đã có những thành công từ những đơn hàng online trên web đó là công ty Gốm Nhung, doanh nghiệp nằm trong làng gốm Phù Lãng thuộc huyện Quế Võ. Chị Phạm Thanh Hương - Phó Giám đốc công ty Gốm Nhung cho hay, từ khi doanh nghiệp của chị đưa trang web www.hungceramic.com vào hoạt động, doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng đến từ các nước như Thái Lan, Hà Lan, Mỹ… Đơn hàng đầu tiên qua mạng mà Gốm Nhung nhận được có giá trị hơn 10.000USD đến từ Thái Lan.

Nhưng đường tới đích vẫn còn xa?

Đặt quyết tâm lớn cho công cuộc triển khai thương mại điện tử, từ khâu chính sách, hỗ trợ người dùng tiếp cận với thương mại điện tử… song cũng phải thừa nhận rằng, để việc ứng dụng thương mại điện tử thực sự đem lại kết quả như ý muốn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Tính đến hết năm 2008, cả nước có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã phê duyệt kế hoạch triển khai phát triển thương mại điện tử (TMĐT). Và Bắc Ninh là một trong những địa phương nằm trong số này. Có thể khẳng định, một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh đã từng bước sử dụng Internet, hội nhập thương mại điện tử và thu được những kết quả khả quan.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Bắc Ninh cũng giống như một số doanh nghiệp khác tại các tỉnh khác đang đứng trước một số khó khăn đang kể như việc thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực, những cơ sở pháp lý cho việc triển khai TMĐT tại doanh nghiệp.

Cùng với đó, việc tồn tại những hạn chế trong hiểu biết bản chất, đặc điểm, lợi ích ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp từ chính người lãnh đạo tới nhân viên cũng như thói quen mua hàng truyền thông theo kiểu họp chợ của người dân vẫn đang là một trong những cản trở lớn đối với quá trình hội nhập, thúc đẩy TMĐT phát triển ở các doanh nghiệp Bắc Ninh.

Tại Bắc Ninh, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số. Mặc dù việc triển khai thương mại điện tử đã diễn ra được một thời gian song nhận thức của các doanh nghiệp của Bắc Ninh không phải đã đồng đều. Chẳng hạn như khi Bắc Ninh hỗ trợ doanh nghiệp làm web, họ lại muốn website của mình chỉ giới hạn trong phạm vi tỉnh, không cần những đối tác ngoại tỉnh chứ không nói gì quốc tế truy cập tới.

Là một tỉnh nằm trong top các địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển CNTT, tuy nhiên, khi đã có hạ tầng, có một con đường đẹp, thì việc các phương tiện chạy trên còn đường đó như thế nào, làm sao phát huy được tiềm năng thương mại điện tử trên con đường CNTT không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan hỗ trợ tư vấn mà còn đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ban ngành khác. Theo ông Hùng, đó phải là sự hỗ trợ từ tỉnh tới các cấp chính quyền tại địa phương như UBND các huyện bởi đây là nơi các doanh nghiệp trực tiếp đóng trên địa bàn, họ có tiếng nói và sự tác động nhất định.

Có thể tin tưởng, làm được những điều này, chắc chắn, không xa nữa, Bắc Ninh sẽ thực sự thành công với TMĐT.

Thứ Bảy, 04/07/2009 08:38
31 👨 534
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp