90% doanh nghiệp thiếu cán bộ phân tích dữ liệu

Chưa có quy trình rõ ràng trong quản lý nhân sự là nguyên nhân khiến việc ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác nguồn nhân lực tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị chậm trễ. Các công ty phần mềm khi bán sản phẩm còn phải kiêm luôn chức năng của nhà tư vấn quản lý.

Ông Trần Thanh Hà, Phó giám đốc Trung tâm giải pháp phần mềm doanh nghiệp thuộc Công ty Giải pháp phần mềm FPT (FSS), cho biết: "Việc không có quy trình rõ ràng dẫn đến những khó khăn trong phối hợp giữa người bán giải pháp và doanh nghiệp có nhu cầu. Người mua thì không cụ thể hóa được nhu cầu của mình. Người bán không có cơ sở chính xác để tùy biến sản phẩm phù hợp với yêu cầu của khách hàng".

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sự đa dạng của nguồn tài liệu có sẵn, trình độ tin học của cán bộ làm công tác nhân sự tại doanh nghiệp cũng là trở ngại cho việc ứng dụng các phần mềm quản lý.

"Trong phần mềm quản lý nhân sự, hầu hết đều có sẵn báo cáo nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý. Để sử dụng hiệu quả hệ thống, các doanh nghiệp phải có cán bộ đảm đương việc phân tích dữ liệu. Nhưng thực tế đến 90% doanh nghiệp vẫn sử dụng các báo cáo ở dạng thô vì thiếu nhân sự", ông Hà nói.

Những nghiệp vụ quản lý nguồn lực như thu hút, tuyển chọn nhân viên có năng lực vào đúng vị trí, quản lý, đào tạo và đánh giá hiệu quả nguồn nhân lực theo từng thời điểm và đối tượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà quản trị. Khi doanh nghiệp phát triển số nhân viên lên đến hàng nghìn người, phân tán tại nhiều địa phương khác nhau thì việc áp dụng những quy trình quản lý truyền thống dựa trên giấy tờ, những biểu mẫu Excel trở nên quá tải. "Với 5.000 nhân viên có lương thay đổi từng tháng của FPT, việc xây dựng bản báo cáo tài chính chính xác và nhanh chóng là điều khó khăn", bà Trần Thu Hà, Trưởng ban tổ chức Công ty Cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT, chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, các công ty phần mềm trở thành nhà cung cấp dịch vụ, bán luôn cả quy trình quản lý nhân sự của mình cho khách hàng. Tại hội thảo Giới thiệu phần mềm quản lý nhân sự iHRP của Công ty FSS phối hợp cùng Văn phòng Microsoft Việt Nam tổ chức ngày 12/4, bà Nguyễn Ngọc Thảo Hiếu, chuyên gia tư vấn phần mềm Công ty FSS, nói: "Trong giá bán sản phẩm, ngoài tiền bản quyền phần mềm còn phải tính cả chi phí tư vấn và chuyển giao quy trình quản lý, khai thác nguồn nhân lực hiện đại".

Bà Hiếu cho biết sản phẩm iHRP đáp ứng hầu hết yêu cầu của các doanh nghiệp bởi tính mở của nó là không phụ thuộc vào cấu trúc doanh nghiệp, có khả năng tùy biến đặc tính, tích hợp từng phân hệ theo yêu cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải cụ thể hóa được nhu cầu của mình, từ đó làm cơ sở để các nhà tư vấn xây dựng mô hình quản lý thích hợp nhất đối với doanh nghiệp.

Một dự án như iHRP cơ bản có giá khoảng 1.000-2.000 USD, có thể áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nếu tích hợp toàn bộ thành phần và các tính năng phụ, giá trị có thể lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó là các chi phí về thiết bị mà doanh nghiệp phải trang trải khi triển khai một dự án lớn. "Với mức dao động giá như vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ thực sự mình cần những gì trước mắt, những gì để phát triển trong tương lai để xây dựng một dự án phù hợp", nữ chuyên gia tư vấn của FSS nói.

Bà Hiếu cũng cho biết các doanh nghiệp lớn, có quy trình quản lý chặt chẽ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm dễ dàng hơn trong việc triển khai vì đã có quy trình quản lý hiện đại sẵn có. Một số khách hàng lớn của FSS như Mercedes, Sony, BP đều đang triển khai rất tốt hệ thống dựa trên cơ sở sẵn có của doanh nghiệp.

Ngoài việc nắm rõ nhu cầu của mình, các doanh nghiệp luôn phải xác định được mức độ cân bằng giữa tính năng và bảo mật. Hầu hết giải pháp quản lý nhân sự lớn đều dựa trên công nghệ Web service. Xu hướng này đem lại độ linh hoạt cao, nhiều người có thể truy xuất thông tin tại bất cứ địa điểm có kết nối Internet nào. Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ này, cơ sở dữ liệu về con người cùng các thông tin chi tiết liên quan đến lương, thưởng, đào tạo... khi được đưa lên Internet là miếng mồi hấp dẫn cho các hacker. Trong trường hợp kẻ gian đột nhập được vào cơ sở dữ liệu, nắm quyền điều khiển và chỉnh sửa các thông tin nhân sự sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Ông Trần Thanh Hà cho biết, bản thân phần mềm iHRP của FSS cũng không loại trừ 100% khả năng bị hack. "Nguy cơ bị tấn công thì bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra và bất cứ hệ thống nào cũng có", ông Hà nói. Nếu không sử dụng công nghệ Web service, chỉ triển khai trong mạng nội bộ của doanh nghiệp thì nguy cơ trên giảm đi rất nhiều, phụ thuộc chủ yếu vào cơ chế bảo mật của doanh nghiệp. Tất nhiên, trong trường hợp đó, độ linh hoạt cũng giảm theo.

Theo ông Hà, hiện sản phẩm của FSS được bảo vệ qua 2 tầng bảo mật. Tầng thứ nhất dựa trên nền tảng hệ thống bảo mật của Windows. Tầng thứ hai theo chức năng phân quyền, mỗi người sử dụng khi đăng nhập vào hệ thống chỉ có thể truy cập những chức năng mà họ được phép từ trước. Ngoài ra, tường lửa của máy chủ cũng là một rào cản đối với những truy cập bất hợp pháp. Số hacker có thể vượt qua những tầng bảo mật trên phải thực sự "cao tay", và con số đó không phải nhiều.

Hạ Thảo

Thứ Sáu, 14/04/2006 07:45
31 👨 84
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp